Giải thích quan điểm của Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Đảng CSVN là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc LTS – Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và Đảng là vấn đề cốt tử của cách mạng. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, in lần đầu tiên năm 1927 ở Quảng Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có gì?” và Người nêu rõ: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Lịch sử cách mạng Việt Nam 80 năm qua đã chứng minh rõ điều ấy!

Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo SGGP khởi đăng loạt bài về “Đảng với dân – từ lý luận đến thực tiễn” trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhằm giữ vững và tăng cường đoàn kết trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, chuẩn bị để Đảng bước vào thập niên mới của thế kỷ 21, hoàn thành tốt sứ mạng nặng nề vẻ vang trước đất nước và dân tộc.

• Nguồn sức mạnh của Đảng

Đảng CSVN là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi ra đời đến nay, Đảng CSVN luôn là người đại diện xứng đáng cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Nhất quán với quan điểm này, khi miền Bắc tiến hành cuộc cách mạng XHCN, vào năm 1961, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”. Vận dụng sáng tạo những nguyên tắc về Đảng kiểu mới của V.I.Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải tập hợp được trong hàng ngũ của mình những người trong giai cấp công nhân, nông dân nghèo, binh lính… miễn là những người đó “tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng”.

Khi nói Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc thì điều đó không có nghĩa là “Đảng toàn dân”, không mang bản chất giai cấp. Ngay khi tuyên bố thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Ở đây, bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện không chỉ ở số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân mà điều cơ bản là ở chỗ lập trường của giai cấp công nhân và nền tảng tư tưởng của Đảng chính là chủ nghĩa Mác – Lênin.

READ:  PHẨM CHẤT CAO ĐẸP TRONG TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã chỉ rõ: “Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chúng ta không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc. Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc”.

• Phải làm tròn nhiệm vụ làm cho đồng bào sung sướng!

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng và với tư cách đó, giai cấp công nhân bao giờ cũng là đội tiên phong của cả dân tộc. Vì vậy, khi Người nói Đảng CSVN là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, hay “Đảng cách mạng chân chính”, “Đảng mácxít – Lêninnít”… thì trong tư tưởng của Người, Đảng bao giờ cũng là “đội tiên phong dũng cảm và bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Và bản chất giai cấp của Đảng chỉ là một: Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, được xây dựng theo nguyên tắc về Đảng kiểu mới của V.I Lênin.

Khi khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, bao giờ Người cũng gắn Đảng với vai trò lãnh đạo cách mạng, với vị trí của đội tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Rằng cách mạng Việt Nam “phải có đường lối cách mạng đúng, có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”.

READ:  Phân tích cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc.

Khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt”, điều đó không có nghĩa là vận dụng một cách máy móc, rập khuôn từng câu, từng chữ của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin mà phải nắm lấy cái bản chất khoa học, cách mạng và sáng tạo của chủ nghĩa Mác. Đồng thời phải biết “phân tích cụ thể tình hình cụ thể” của thực tiễn cách mạng Việt Nam để hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn.

Khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh luôn nhắc Đảng ta khi vận dụng lý luận cách mạng ấy phải sáng tạo, tránh giáo điều và không được xa rời những nguyên tắc cơ bản của nó. Đồng thời phải ra sức làm giàu trí tuệ của Đảng bằng cách không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”.

Thực tiễn đã cho thấy, trong 80 năm tồn tại và phát triển của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam 80 năm qua luôn “cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” để đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng XHCN đến thành công!