Hên xui

Truyện cổ Grimm

HÊN XUI

Bác nông dân đem bò ra chợ và bán được bảy Taler. Dọc đường về, bác đi qua một cái chuôm, bác nghe tiếng ếch kêu: “Ắc, ắc, ắc”(acht, acht, acht). Bác ta nghĩ:

– Lạ thật, rõ ràng mình bán con bò được bảy Taler, tại sao chúng nó lại nói là tám.

Bác tới gần chuôm và nói: – Đồ ngu si dốt nát chúng mày. Không hiểu gì cả, bảy Taler chứ không phải tám, nghe chưa.

Tiếng ếch kêu đáp lại: – Ắc, ắc, ắc, ắc. – Nếu không tin để ta đếm lại cho mà coi.

Nói rồi bác nông dân lấy tiền ra đếm, cứ hai mươi bốn xu là một Thalơ. Nhưng đám ếch kia đâu có biết đếm, chúng lại kêu:

– Ắc, ắc, ắc, ắc. Bác nông dân nổi cáu: – Chà, nếu không tin thì tụi bay đếm thử xem.

Rồi bác ném tiền xuống nước. Bác ta cứ thế đứng đợi trên bờ, trong bụng nghĩ, đếm xong tiền ếch sẽ đem trả, nhưng đám ếch vẫn cứ một giọng: – Ắc, ắc, ắc, ắc. Và chúng cũng chẳng thèm ném tiền lên trả. Bác nông dân cứ đứng đấy đợi cho đến khi trời tối. Trước khi đi về nhà bác la mắng ếch một hồi:

– Đúng là đồ ếch nhái, quân trố mắt, lũ đầu rỗng toàn nước, chỉ to mồm, có bảy Taler mà đếm cũng không xong, tưởng tao thích thú lắm đấy mà đứng đợi ở đây?

Rồi bác đi về, nhưng lũ ếch vẫn cứ một giọng:

– Ắc, ắc, ắc, ắc. Tiếng ếch vẫn cứ đều đều như vậy là bác nông dân rầu cả người.

Một thời gian sau, bác nông dân mua bò về mổ. Bác tính, nếu khéo lọc thịt thì tiền bán thịt bằng tiền mua hai con bò, không những thế mình còn được không miếng da.

Bác đem thịt vào thành phố bán, vừa mới tới cổng thành thì một đàn chó chạy tới, đầu đàn là một con chó săn rất lớn, nó chạy quanh đống thịt, mũi hít rồi sủa:

– Vát, vát, vát, vát. Chó cứ sủa như vậy mãi, bác nông dân nói:

– Ờ, tao biết rồi, muốn buôn bán xui xẻo thì hãy cho mày chút ít chứ gì?

Nhưng chó vẫn cứ sủa: – Vát, vát, vát, vát. – Mày lại còn không muốn ăn hay sao? Định kiếm ăn cho cả đàn hả?

– Vát, vát, vát, vát. – Nào, mày tính phải lắm, tao biết cả chủ của mày nữa, mày và cả đàn cứ tha thịt về, ba ngày nữa tao sẽ tới lấy tiền, nếu không có thì mày sẽ biết tay tao.

Thế rồi bác ta để tất cả thịt lại và đi về. Lũ chó vẫy đuôi mừng và xúm lại:

– Vát, vát, vát, vát. Đã đi được một quãng nhưng bác nông dân còn nghe rõ tiếng đàn chó sủa, bác lẩm bẩm:

– Giờ thì cả đàn xúm vào, nhưng con đầu đàn phải lo chuyện trả tiền ta đấy.

Đúng ba ngày sau bác nông dân lẩm bẩm với mình:

– Tối nay thì chắc chắn tiền nằm trong tay mình.

Bác ta vui mừng đón chờ việc đó, nhưng đợi mãi chẳng thấy ai tới trả cả, bác ta nói:

– Đúng là không thể tin ai được. Rồi bác vào thành phố đòi tiền người bán thịt – người chủ đàn chó kia. Bác hàng thịt bảo có ai đùa giỡn như vậy. Bác nông dân nổi nóng nói:

READ:  Else láu cá

– Không có đùa giỡn gì cả. Tôi đến đây để lấy tiền thịt bò, cách đây ba ngày con chó đầu đàn lớn nhất cùng cả đàn chó không mang về cho anh thịt bò cả con hay sao?

Giờ thì đến lượt bác hàng thịt nổi sùng, bác ta cầm ngay cán chổi để đánh bác nông dân và đuổi ra khỏi nhà. Bác nông dân nói với:

– Cứ đợi đấy, trên đời này ít nhất cũng còn công lý chứ.

Rồi bác đến thưa kiện với nhà vua. Bác được dẫn tới trước vua để hầu kiện. Nhà vua cùng công chúa ngồi nghe. Bác ta nói:

– Trời ơi, lũ ếch và lũ chó săn đã lấy hết của cải gia sản của tôi. Đã thế người bán thịt này còn trả tiền tôi bằng roi vọt nữa.

Và bác kể lể hết đầu đuôi câu chuyện. Thấy chuyện ngộ như vậy, công chúa phải bật cười. Nhà vua phán:

– Ta không thể nói là ngươi đúng, nhưng để thưởng ta gả công chúa cho ngươi. Từ trước tới nay công chúa không hề nhếch miệng cười bao giờ, nhưng nghe chuyện ngươi, công chúa cười, và ta có hứa, ai làm công chúa cười ta sẽ gả công chúa cho người đó. Ngươi hãy khấn cám ơn trời về diễm phúc này.

Bác nông dân thưa: – Ối trời, tôi không dám, ở nhà tôi có vợ rồi, có một bà vợ thôi mà mỗi khi về tới nhà tôi có cảm tưởng, chỗ góc nào trong nhà cũng có một người đàn bà đang đứng để hỏi dằn vặt tôi.

Nhà vua nổi giận và phán: – Trên đời này có lẽ ngươi là kẻ ngu đần nhất đó.

Người nông dân thưa: – Trời ơi, thưa đức vua cao cả, tôi làm thịt bò để lấy thịt bán, tôi không dám nghĩ chuyện khác.

Vua nói: – Được, cứ đợi, ngươi sẽ nhận phần của ngươi, giờ về đi, ba ngày nữa lại đây, ngươi sẽ lãnh đủ năm trăm, không thiếu chút nào.

Bác nông dân ra tới cửa, tên lính gác nói:

– Này người anh em, làm được công chúa cười thế nào cũng được thưởng hậu lắm.

Bác nông dân nói: – Chắc thế, tôi nghe nói được năm trăm.

Người lính nói tiếp: – Này chia cho tôi chút ít nhé, người anh em làm sao tiêu hết số tiền lớn như vậy.

Bác nông dân đáp: – Nếu vậy thì cậu lấy hai trăm nhé, ba ngày nữa cậu tới trình nhà vua để nhận nhé.
Một người Do Thái đứng gần đó nghe được hết đầu đuôi câu chuyện, thấy bác nông dân ra liền chạy theo, túm áo lại và nói:

– Thật là chuyện lạ trên đời, chắc bác là con trời nên mới may mắn thế. Tôi xin đổi tiền lẻ để bác dễ tiêu. Những đồng tiền Thalơ kia thì có ích gì cho bác đâu.

Bác nông dân đáp: – Nói khẽ chứ, ờ thì đưa tiền xu cho tôi bây giờ, ba ngày nữa tới đây nhận của nhà vua ba trăm Thalơ.

Thấy có lời người Do Thái kia mừng lắm, vội đưa ngay tiền xu cho bác nông dân, vì có ai ngu tới mức đổi tiền mới ở kho vua lấy tiền cũ sứt cạnh đâu.

Ba ngày sau, theo lệnh nhà vua, bác nông dân tới trình diện. Nhà vua phán:

– Lôi nó ra cho năm trăm. Bác nông dân thưa: – Trời, tôi làm gì còn đồng nào, tôi tặng cho người lính gác hai trăm, ba trăm còn lại tôi đã đổi cho một người Do Thái.

READ:  Sự tích hoa dạ lan hương

Đúng lúc đó người lính và người Do Thái kia bước vào. Cả hai nhận được đủ phần roi của mình. Người lính biết thân biết phận cứ cắn răng chịu đòn. Người Do Thái kia thì hết kêu lại ca thán:

– Ối trời ơi, đau quá, tiền gì mà cứng thế.

Nhà vua cũng phải bật cười về hành động ngô nghê tức cười của bác nông dân. Vua phán:

– Đáng nhẽ ngươi được thưởng năm trăm roi, nhưng vì có người thế cho nên ta trả ngươi bằng cách khác vậy. Hãy vào trong kho hoàng cung, ngươi muốn lấy bao nhiêu tiền thì lấy.

Chẳng đợi nhắc đến lần thứ hai, bác nông dân vào kho, nhét tiền đầy các túi rồi đi ra. Bác đi thẳng tới một quán trọ để đếm tiền.

Người Do Thái kia thấy bác nông dân đi ra liền lẻn theo tới quán, đứng ngoài nghe bác nông dân lẩm bẩm một mình.

– Nếu không có chuyện hai người kia ăn đòn thay mình thì làm gì có chuyện được thưởng tiền. Có trời mà biết được tại sao mình lại có cái diễm phúc này.

Nghe xong, tên Do Thái nghĩ bụng: – Lạy trời, nó dám nói xấu nhà vua. Ta phải đi ngay trình báo nhà vua, lúc đó ta sẽ được thưởng, hắn sẽ bị trừng phạt.

Nghe chuyện, nhà vua nổi giận, truyền cho gọi ngay phạm nhân tới. Tên Do Thái bảo bác nông dân:

– Bác phải đến ngay trình vua, càng sớm càng tốt.

Bác nông dân đáp: – Tôi biết là có chuyện gì rồi. Trước tiên tôi phải sắm một bộ quần áo mới, giàu có như tôi bây giờ không thể mặc quần áo vá đến trình diện nhà vua được.

Tên Do Thái thấy không thể thay đổi được ý kiến bác nông dân, nếu để chậm trễ thì cơn giận của nhà vua sẽ nguội đi, biết đâu chính mình lại ăn phạt, bác nông dân lại được thưởng lần nữa thì sao. Hắn nói:

– Chỗ anh em quen biết, tôi cho bác mượn quần áo mới để bác đi, chỗ thân tình thì gì mà chả được.

Bác nông dân nghe thấy cũng bùi tai, liền lấy quần áo của người Do Thái mặc vào, rồi đến hoàng cung. Nhà vua kể tội bác nông dân. Nghe xong, bác nông dân nói:

– Muôn tâu bệ hạ, những điều mà tên Do Thái nói toàn là chuyện lừa dối, không bao giờ có một lời nói thật từ mồm tên Do Thái. Hắn dám cả gan khẳng định rằng tôi mặc quần áo của hắn để đến đây.

Tên Do Thái kêu: – Thế là thế nào nhỉ? Không phải quần áo của tôi à? Không phải tôi cho mượn để đến trình vua hay sao? Có quen thân tình thì tôi mới cho mượn chứ.

Nghe xong, nhà vua phán: – Chắc chắn là tên Do Thái đã lừa dối. Nhưng hắn lừa dối ai? Ta hay là tên nông dân kia?

Rồi nhà vua truyền cho lính đem tên Do Thái ra nọc cho một trận, đếm lại đủ ba trăm như lần trước.

Còn bác nông dân ung dung trong bộ quần áo mới cùng số tiền thưởng đi về nhà, bác nói:

– Lần này mới gặp hên.