Khái niệm, đặc điểm của bộ máy Nhà nước Việt Nam – Pháp luật đại cương

Khái niệm bộ máy Nhà nước:

Bộ máy Nhà nước là hệ thống các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương được tổ chức theo những nguyên tắc thống nhất, tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước.
Như vậy, bộ máy Nhà nước không phải là một tập hợp đơn giản các cơ quan Nhà nước, mà là một hệ thống thống nhất các cơ quan có mối liên hệ ràng buộc qua lại chặt chẽ với nhau vận hành một cách nhịp nhàng.

Đặc điểm của bộ máy Nhà nước:

Một là: việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước dựa trên những nguyên tắc chung thống nhất mà nguyên tắc cơ bản bao trùm là nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nghĩa là, nhân dân có toàn quyền quyết địnhmọi công việc của Nhà nước và xã hội, giải quyết tất cả mọi công việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia, đời sống chính trị, văn hoá, tư tưởng của đất nước và dân tộc. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua hệ thống cơ quan Nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra, đứng đầu là Quốc hội – cơ quan đại biểu cao nhất và Hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

READ:  Kiểu Nhà nước và hình thức Nhà nước - Pháp luật đại cương

Hai là: Các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đều mang tính quyền lực Nhà nước, đều có quyền nhân danh Nhà nước để tiến hành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tính quyền lực Nhà nước thể hiện ở chỗ các cơ quan quyền lực Nhà nước đều có một phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định. Tuỳ thuộc vào vị trí của cơ quan đó trong bộ máy Nhà nước .

Ba là: Đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước là những người hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.