Truyện cố tích Việt Nam
LÀM ƠN HÓA HẠI
Xưa có Trần Công là người có lòng sốt sắng. Ai có việc gì nhờ vả, ông đều sẵn sàng. Trong đời ông, ông đã từng đi lại nhiều nơi, đến đâu cũng hết lòng giúp đỡ người nguy kẻ khó mà không quản ngại.
Một hôm Trần Công vai đeo đãy, tay chống gậy tới vùng Hạ-hòa. Ở đây đang có nạn hạn hán. Trời nắng chang chang như thiêu như đốt, ruộng nứt nẻ hết. Trải qua một đoạn đường dài, ông thấy khát khô cổ nhưng đi mãi vẫn không gặp một hàng quán nào cả. Ông ghé vào một nhà nọ ở bên đường. Cả nhà đều đi vắng. Nhìn vào chum vại, ông thấy khô kiệt. Vào nhà thứ hai cũng vậy. Ông vội đi tìm giếng nhưng không thấy đâu cả. Ông bèn trèo lên một hòn đá đứng để tìm ao hồ, nhưng bao nhiêu ao hồ đều khô rông rốc. Mãi sau mới thấy một đám đông đang lúi húi chắt mạch ở một vũng nọ, ông vội tìm đến nơi. Gặp một người cầm bình nước, ông gọi xin uống. Uống xong, Trần Công tỉnh ra liền hỏi;
– May quá, nếu không gặp ông, có lẽ tôi chết mất. Không ngờ ở đây hột nước lại hiếm đến như vậy.
Người kia đáp:
– Vâng, chúng tôi đều nguy mất. Đã hai năm nay cái bà thần Mưa ác nghiệt đã quên mất vùng này. Giá có ai lên đó nhắc bà ấy hộ nhỉ.
Trần Công khảng khái nói ngay:
– Vậy thì tôi xin đi tìm thần Mưa giục phải làm mưa sớm cho bà con ta!
Từ giã ra đi, Trần Công quyết tìm đến xứ sở của thần Mưa. Ông trèo lên nhiều núi, lội rất nhiều khe, qua rất nhiều ngày mà vẫn chưa đến. Một hôm, Trần Công trèo lên một quả đồi. Một con vượn già bị mắc bẫy, thấy có người đến thì kêu lên:
– Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Ông vội chạy lại tháo bẫy cho nó. Được tự do, vượn hết lời cảm ơn ông. Nó hỏi:
– Ông đi đâu bây giờ?
– Ta đi tìm xứ sở của thần Mưa.
– Xứ sở của thần Mưa còn xa đây lắm, ông già rồi làm sao có thể tới nổi?
– Dù xa bao nhiêu ta cũng quyết đi để giục thần Mưa phải mau mau cứu vùng Hạ-hòa đang bị hạn.
– Thế thì để tôi biếu ông một vật.
Vượn bèn bảo ông ngồi chờ, rồi chạy vội vào rừng, chốc sau nó trở lại với một cái gậy con. Đưa cho Trần Công, vượn nói:
– Cái gậy có phép rút đất, ông có thể đi bất cứ nơi nào cũng được, chỉ cần nói chỗ mình đến là đủ.
Trần Công vui vẻ nhận món tặng vật, cảm ơn vượn rồi bảo gậy:
– Hỡi thần gậy, hãy đưa ta đến xứ sở của thần Mưa.
Tự nhiên ông thấy mắt hoa lên, cây cối núi non hai bên như chạy rạt rất nhanh về phía sau, chỉ độ nửa buổi là đứng lại. Ông nhận thấy mình đứng giữa một nơi quang cảnh lạ lùng. Nhưng ở cũng có người và vật như ở trần gian. Ông hỏi nhà thần Mưa, người ta chỉ cho ông. Ông gọi đến cổng. Có tiếng nói vọng ra: – “Ai đó mời vào”.
Bước vào nhà, ông thấy một bà già hom hem đang nằm trên giường. Ông hỏi:
– Bà có phải là thần Mưa không?
– Phải.
– Tại sao bà để cho trần gian có những vùng hạn hán đến nỗi không đủ nước mà uống. Sao bà ác thế? Bà không biết ở hạ giới người ta rủa bà hàng ngày hàng giờ đấy ư?
Bà già không nói gì, mời ông ở lại khoản đãi cơm nước tử tế. Ở được vài ngày vẫn không thấy bà làm gì cả, suốt ngày chỉ nằm rên khừ khừ, Trần Công lại tới nhắc. Bà già nói:
– Ta vốn có phận sự làm mưa ở trần gian. Nhưng mấy lúc này ta bị một ác chứng không thể đi đâu được. Ta có ý chờ con gái ta về, nhưng không hiểu sao nó đi chơi lâu quá! Nay trời cũng có lệnh truyền bảo làm mưa, ta muốn cậy ông làm hộ.
– Tôi thì biết gì mà làm.
– Công việc kể ra không có gì khó lắm, chỉ cần làm theo lời dặn là đủ. Ông nhìn trên vách kia có một cái bầu, nếu ông bằng lòng đi, tôi sẽ múc nước đầy bầu cho ông. Bên cạnh bầu có một nhành lá. Chỉ cần trèo lên lưng con sư tử mà ngồi cho vững. Nó sẽ đưa ông đi tới những miền đã định sẵn. Thế rồi ông cứ nhúng những nhành lá vào bầu mà vẩy xuống, nhưng phải vẩy từ từ mới được.
– Thế thì tôi sẵn lòng làm giúp. Bà cứ sắm sửa mọi thứ ngay đi!
Bà già ngồi dậy ra bể múc đầy bầu nước và gọi một con sư tử đến dặn dò mọi việc, Trần Công trèo lên lưng sư tử, một tay cầm bầu, một tay cầm nhành lá. Sư tử liệng một vòng trên không rồi bay xuống hạ giới lần lượt đến những chỗ làm mưa. Trần Công nhìn xuống thấy mọi vật đều nhỏ li ti như hạt bụi. Nhưng ông lo lắng đến công việc đã hứa. Ông bèn cầm nhành lá nhúng vào bình rồi vẩy lia lịa. Nhìn xuống đã thấy một phía trời mịt mù. Ông đoán chắc là mưa to, trong lòng lấy làm thích thú. Ông cứ lần lượt vẩy mãi, vẩy mãi, mỗi lần đến một chỗ mới. Khi đi đến vùng trời Hạ-hòa, ông sực nhớ tới những lời than phiền hạn hán của những người dân nơi đây, bụng bảo dạ: -“Ta phải cho họ thêm một ít nước để bù vào những cơn nắng hạn dữ dội, chứ mưa như thế chắc không thấm tháp gì. Và lại để đền ơn cho họ đã cứu ta khỏi chết khát”. Bèn không vẩy nữa mà cầm cả bầu dốc ngược. Thấy thế sư tử tỏ vẻ hoảng sợ ngoái lại bảo ông dừng tay, rồi quay trở về. Chỉ một lát sau nó đã về đến nhà. Bà già ra đón hỏi. Ông thực thà kể lại đầu đuôi. Nghe đoạn, bà già chép miệng:
– Thôi, thế là ông đã làm hại người ta rồi. Ở chốn ấy bây giờ chắc chẳng còn một mống nào sống sót.
Trần Công nghe nói giật mình, nhưng vẫn không tin lời bà già lắm. Hôm sau ông từ giã thần Mưa ra về. Chiếc gậy rút đất lại đưa ông xuống cõi trần một cách chóng vánh. Đường đi qua vùng Hạ-hòa, ông dừng lại để xem thử thế nào. Thì ra ở nơi này nhà cửa, cây cối, người và vật đều chẳng còn một tí gì. Cả cái mô đất cao cũng bị hóa bằng, nếu không có hòn đá lớn mà ông nằm nghỉ hôm nọ còn lại, thì cơ hồ ông cứ tưởng là cõi hoang vu nào thưở trước. Ông tặc lưỡi hối hận:
– Thật có ai ngờ làm ơn hoá hại.
Theo Bản khai thôn Ngọc-sơn, xã Xuân-lâm và lời kể của người Nghệ-an.