MỘT CÁCH CẢM NHẬN BÀI CA DAO “CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM “

Thuở ấu thơ tôi vẫn thường nghe mẹ hát ru ầu ơ, trong lời ru thiết tha có cánh cò cánh vạc bay lả bay la. Đến bây giờ, đôi khi hình ảnh cánh cò vẫn hiện về trong giấc mơ của tôi như một nỗi ám ảnh, khi nhịp nhàng thong thả, lúc lại nhiều vất vả long đong. Tôi không nhớ hết tất cả những bài ca mẹ hát theo nhịp võng đong đưa,  nhưng với bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm ” thì không quên một chữ.

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ   xuống ao

Ông ơi ! Ông vớt tôi nao !

Tôi có lòng nào ông  hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Chớ xáo nước đục đau lòng cò con

Ảnh minh họa: CẢM NHẬN BÀI CA DAO “CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM “

Con cò vốn là hình ảnh gần gũi, quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam. người dân lao động vất vả một nắng hai sương, thì con cò để bảo tồn sự sống cũng phải lặn lội kiếm ăn. Trong những câu chuyện về cò và vạc thì hình ảnh con cò luôn để lại trong kí ức bạn đọc những ấn tượng tốt đẹp. phải chăng vì thế mà nó đã trở thành “hình ảnh ngụ ngôn “? Người nông dân muốn mượn hình ảnh con cò để bộc lộ tâm sự, nói về cuộc sống của chính mình .

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộ cổ xuống ao

Vô lí quá, làm gì có chuyện cò đi ăn đêm. Cò là loài vật đi kiếm ăn ban ngày kia mà. Thế nhưng ở đây lại có chuyện “Con cò mà đi ăn đêm” mới lạ . Hình như con cò này gặp phải hoàn cảnh éo le, trắc trở thì phải. Cuộc sống buộc nó phải phá vỡ quy luật, bay vào đêm tối kiếm ăn đêm. “Mà” là từ thường chỉ mối quan hệ trong cấu trúc câu, trong câu thơ này nó còn làm nổi bật hoàn cảnh bất thường của con cò  “đi ăn đêm”. Cả câu thơ đọc lên chỉ thấy xuất hiện thanh bằng, nghe trầm trầm, có gì đó thật buồn tủi và tội nghiệp cho thân phận con cò. Tôi có cảm giác nó rất gần với số phận người nông dân chân lấm tay bùn . liệu bài ca dao này có ẩn ý gì không ? Nếu khẳng định ngay thì có lẽ quá xớm, hơi khiên cưỡng; còn phủ định thì cũng chưa chắc. bởi ca dao thường mang tâm sự, chứa đựng tình cảm của người lao động. Tạm ngác vấn đề đó lại để tìm hiểu hoàn cảnh của con cò. ” Đi ăn đêm “đã là chuyện bất thường đối với loài cò, lại còn rủi ro bất ngờ ập đến : ” Đậu phải cành mền lộn cổ xuống ao “. Thế là đã rõ cái nguyên nhân tại sao  cò lại  bị ” lộn cổ xuống ao “. Nguyên nhân trực tiếp là “Đậu phải cành mềm “, còn nguyên nhân sâu xa là  bởi cò không quen đi kiếm ăn đêm. Số phận  của con cò nói như thành ngữ ta có câu ” Chó cắn áo rách “, gặp hết rủi ro này đến rủi ro khác. Thật bất hạnh!

Hai câu thơ mở đầu cho một câu chuyện buồn thảm.

Đến bốn câu sau, với nghệ thuật nhân hoá, tiếng nói của cò nghe sao da diết xúc động. Đó là tiếng kêu cứu, van xin cất lên tự đáy lòng vì một khát vọng sống mãnh liệt, một đức hi sinh cao cả.

READ:  NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 'LÍ TƯỞNG LÀ NGỌN ĐÈN SOI SÁNG'

Ông ơi ! Ông vớt tôi nao !

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Chớ xáo nước đục đau lòng cò con.

Đây  có thể là phần trọng tâm của bài ca dao, là một màn kịch thương tâm mà nhân vật  chính là cò, nhân vật phụ là  con người được cò gọi bằng ” ông ” rất trịnh trọng. Con người xuất hiện tuy chỉ là yếu tố phụ nhưng rất cần thiết, không thể thiếu, góp phần mở ra hướng phát triển của bài ca dao, diễn đạt điều mà tác giả dân gian muốn thể hiện. Không gian hiện lên là một góc ao nhỏ với màn đêm dày đặc bao phủ, ở đó chỉ có thân cò mắc nạn, và một con người kịp thời đi tới. Có một điểm chung giữa con cò và con người đều là những số kiếp phải đi đêm vì cuộc sống. Không hiểu sao trong tôi luôn muốn tin rằng người được gọi là ” ông ” kia chính là một người nông dân lương thiện. Thế là có tới hai số phận đáng thương.

Trở lại với hình ảnh con cò hãy lắng nghe tiếng cò kêu cứu :

Ông ơi !  ông vớt tôi nao !

Thêm một câu thơ nữa rất đáng quan tâm về âm sắc. Câu thơ 6 tiếng duy chỉ có tiếng thứ 4 sử dụng thanh trắc, còn tất cả đều là thanh bằng. Giữa hoàn cảnh nguy khốn cấp bách ấy, con cò dường như đã đuối sức, quá yếu ớt. Tiếng kêu của nó không thoát khỏi mặt nước, chỉ có từ ” vớt ” vút lên cho con người kịp nhận ra. Đó là cố gắng cuối cùng của nó và sau đó nó như bị chìm dần trong nước. Hai dấu cảm trong một câu thơ ngắn, đọc lên nghe sao đau đớn quá ! Một lời kêu cứu ai nỡ đành làm ngơ.  Con người trở thành ân nhân cứu mạng của con cò. Nhưng tôi chợt nghĩ, thoát khỏi cái chết dưới ao, liệu nó có thể thoát khỏi bàn tay con người? Bởi tôi đã từng nghe câu ca :

Con cò bạch rửa chân cho sạch

Bỏ vào nồi măng

Chưa sủi lăm tăm

Đã đem ra nếm

Không phải con cò không nhận ra điều đó. Trước cái chết nó vẫn kịp hiện thực có thể xẩy ra nếu nó được đưa lên khỏi mặt nước.

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Phải nói, con cò rất hiểu cuộc đời. Nó chấp nhận lấy cáI chết “xáo măng “ để trả ơn người đã cứu. Lối trả ơn của cò rất  hợp với cách sống tình nghĩa có trước có sau của  người lao động Việt Nam. Tục ngữ đã đúc kết : “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tấm lòng chân thật của con cò khiến tôi rất cảm động. Nó xin được “xáo măng” để đáp lại ân nghĩa, nhưng có một mong muốn, mong muốn đến tột bậc là :

Có xáo thì xáo nước trong

Chớ xáo nước đục đau lòng cò con.

à, thì ra thế ! Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao con cò biết rằng đi đâu nó cũng phải chết nhưng nó không chọn cái chết dưới ao mà lại chọn cái chết để cho người “xáo măng”. Vấn đề mà nó quan tâm hoá là chuyện “nước đục “hay “ nước trong”. Trước cái chết nó vẫn  còn khá minh mẫn để chọn cho mình cáI  chết thanh thản “ xáo nước trong “, bỏ qua sự đau đớn về thể xác. Đến đây bạn đọc không thể không thể không liên tưởng tới hình ảnh con người, đặc biệt là người nông dân một nắng hai sương. Trong cuộc sống họ rất coi trọng giá trị tinh thần, luôn luôn giữ gìn và bảo vệ cho lòng minh được trong sạch. Họ quan niệm thà “thác trong còn hơn sống đục” như con cò kia xin “xáo nước trong “.

READ:  Bàn về vai trò của việc tự học – Nghị luận xã hội

 Chớ xáo nước đục đau lòng cò con

Hai tiếng “cò con” ở cuối câu thơ cũng là kết lại bài ca dao mở ra biết bao nhiêu cách hiểu khác nhau. “Cò con” có thể hiểu là con cò còn bé, hay là cách xưng hô khiêm tốn tự hạ thấp mình trước vị cứu tinh. Cũng có thể hiểu “cò con” là con của con cò bị lâm nạn, mà có người đã cho rằng chính con cò trong bài ca dao là cò mẹ và nó đang có mang. Hiểu cách nào cũng được bởi văn chương nghệ thuật vốn hàm ý và đa nghĩa. Nhưng thiết nghĩ nên chăng hiểu theo cách thứ 3 : “cò con” là con của con cò mắc nạn. Đây là lối suy diễn rất độc đáo phù hợp với cách sống trong sáng của con cò. Mong muốn được “xáo nước trong” không chỉ để bảo vệ sự trong sạch của mình mà còn  muốn giữ danh tiếng cho cả đàn con của nó nữa. Đó là hình ảnh của con người Việt Nam, họ luôn nghĩ đến thế hệ mai sau, ước mơ những điều tốt đẹp  cho hậu thế, và chính họ là những tấm gương sáng cho con cháu tự hào và noi theo.

Bài ca dao là một câu chuyện khá hay, hấp dẫn, giàu kịch tính, có nhân vật trung tâm là con cò bị mắc nạn. Lời nói, lời van xin của con cò tha thiết, thể hiện được suy nghĩ, tâm hồn của con người Việt Nam. Tôi bỗng thấy như có bóng dáng mẹ tôi trong hình ảnh con cò lặn lội, và cánh cò đã trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời tôi:

Con cò bay bổng bay la

Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng

Cha mẹ sinh đẻ tay không

Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Trước là nuôi cái thân tôi

Sau nuôi đàn trẻ, nuôi đời cò con

Tôi bỗng nghĩ, để có một khúc nhạc êm dịu thiết tha : “Bao nhiêu năm theo dòng đời đùa chen, phiêu bạt nơI phồn hoa cát bụi, đôI khi cánh cò  xưa lạc vào giấc mơ tôi”, chắc hẳn nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng từng không ít lần rung động trước lời ru của  mẹ với những bài ca có hình ảnh con cò như trong bài ca dao trên.

Có thể xem bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” là một trong những sáng tác trữ tình tiêu biểu của nghệ sĩ dân gian. Thời gian chính là thử thách càng làm tăng thêm chất ngọc kỳ diệu cho bài  ca dao./.

Hạ tuần tháng Hai, Đinh Hợi- TTY(ST)