Nghị luận về thói xấu của con người – bài2

Đề bài. Có ý kiến cho rằng: “Những thói xấu ban đầu là ngư­ời khách qua đ­ường, sau trở nên ngư­ời bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”. Anh (chị) thấy ý kiến này như­ thế nào?

Nhà Phật lời răn dạy con người rằng “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Đúng vậy, trong cuộc sống con người phải đấu tranh với rất nhiều thứ để có thể là một con người theo đúng nghĩa. Trong đó, đấu tranh với chính bản thân mình là cuộc đấu tranh cam go và quyết liệt nhất. Đó là cuộc đấu tranh không bao giờ ngừng nghỉ. Điều nguy hiểm nhất của con người là có thể chiến đấu một mất một còn với người khác song lại dễ dàng thoả hiệp với chính mình. Mà suốt cả cuộc đời, mỗi người đều luôn phải không ngừng đối diện với cuộc đấu tranh giữa khát vọng và khả năng, ước mơ và hiện thực. Khát vọng, ham muốn của con người không bao giờ có điểm dừng mà khả năng lại có hạn. Cuộc đấu tranh trong mỗi người đã dẫn đến những con đường khác nhau của mỗi người. Người chiến thắng được những ham muốn cá nhân, biết dừng lại đúng lúc, người lại dễ dàng đầu hàng, buông thả mình theo những ham muốn cá nhân. Và kết quả là con người có những tính tốt và tính xấu.

Danh giới giữa đức tính tốt và thói xấu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Biểu hiện của tính tốt và thói xấu được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người đối với những người xung quanh. Tính tốt là kết quả sự điều hoà hợp lí giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng. Nó trở thành thói xấu khi quyền lợi của cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi cộng đồng. Chẳng hạn như thói ích kỉ, sự tham lam, lười biếng, trốn tránh trách nhiệm, ham chơi, tự thoả mãn… Trước khi gây nên những hậu quả không tốt đối với cộng đồng, thói xấu ấy đã gây ra những điều tai hại cho chính người “sở hữu” nó. Vì thế mới có câu “Những thói xấu ban đầu là ngư­ời khách qua đường, sau trở nên ngư­ời bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”.

Đây là một câu nói rất đúng, đã hình tượng hoá ảnh hưởng của những thói xấu đối với bản thân mỗi con người.

READ:  Kể lại một kỷ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò

Người xưa nói “Nhân chi sơ tính bản thiện”, (bản tính con người vốn thiện), do điều kiện sống, vì nhu cầu sinh tồn, vì những mối quan hệ phức tạp và sự khắc nghiệt của cuộc sống mà con người dần dần có những thói xấu. Không phải ngay từ khi sinh ra con người đã mang sẵn những thói xấu. Thói xấu dần dần hình thành và ngự trị trong mỗi  người. Người nào có bản lĩnh cứng cỏi, chiến thắng được chính mình thì những thói xấu ấy ít có cơ hội bộc lộ.

Ban đầu, vì những lí do khách quan nào đó, vì cuốc sống của bản thân mình, con người muốn dành lấy cho mình cái lợi. Đó là nguyên nhân của sự ích kỉ.  Lần đầu, sự ích kỉ, lòng ham muốn dành lấy cái lợi cho mình ấy có thể chỉ là bản năng, chỉ thoáng qua như người khách qua đường. Người có bản lĩnh, biết dừng lại đúng lúc, sớm thức tỉnh thì thói xấu sẽ bị hạn chế. Cụ thể hơn, là hiện tượng nghiện hút trong xã hội ngày nay chẳng hạn. Lúc đầu chỉ là do tò mò hoặc bị rủ rê. Lúc đó, ma tuý mới  chỉ là người khách qua đường. Ngươi có bản lĩnh sớm từ  chối nó thì sẽ không bị nó điều khiển. Khi thói xấu mới sinh ra, chúng ta rất dễ tiêu diệt nó.  Song nếu không nhận thức được đó là thói xấu, tiếp tục “sở hữu”, tiếp tục ham hố cái lợi của riêng mình, quên đi lợi ích cộng đồng, thì thói xấu ngày càng ăn sâu vào ý thức. Cũng như người nghiện hút, nếu không sớm giã từ ma tuý, hút nhiều sẽ dần dần quen với nó, rồi thèm nó và cũng sẽ đến lúc không xa được nó. Không xa được sẽ dẫn đến phụ thuộc, phụ thuộc rồi sẽ bị điều khiển. Lúc đầu nó phục vụ ta, rồi đến lúc ta sẽ trở thành nô lệ của nó. Lúc ấy, địa vị chủ khách sẽ bị đảo ngược, người khách qua đường sẽ trở thành chủ nhà và chủ nhà sẽ trở thành kẻ bị sai khiến.

Mỗi người nếu không tự nhận thức và phân biệt được đâu là tính tốt và đâu là thói xấu thì sẽ rất dễ đánh mất mình, dễ biến mình thành nô lệ của những thói xấu. Lúc đầu những hành động không tốt có thể chỉ bắt nguồn từ sự vô tình giống như người qua đường ta vô tình gặp. Nhưng nếu lặp lại lần thứ  hai, sẽ rất dễ có lần thứ ba và những lần khác nữa (người bạn thân chung nhà). Và khi đã trở thành hệ thống, thành một thói quen, lặp lại nhiều lần nó sẽ điều khiển ta (người chủ nhà khó tính). Một học sinh, lần kiểm tra đầu tiên không thuộc bài, hé vở nhìn một vài lần. Nếu không tự đấu tranh với mình, lặp lại lần hai rồi lần ba và dần trở thành thói quen. Thói quen ấy sẽ khiến bạn trở nên lười học. Và như  vậy bạn đã để thói xấu điều khiển mình.

READ:  Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Hãy kể lại câu chuyện đó theo giọng kể ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba

Thói xấu sẽ làm cho con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, làm cho ta luôn phải tranh giành, ganh đua, tính toán. Cuộc sống của chính chúng ta sẽ mất đi sự thanh thản. Thói xấu sẽ là nguyên nhân để những người xung quanh có những hành động đối xử không mấy dễ dãi vô tư và độ lượng với ta. Và như thế, vì thói xấu, ta trở nên cô độc, ta sẽ luôn luôn bị dằn vặt bởi những ham muốn cá nhân. Và cuộc đấu tranh để giành giật, để thoả mãn những thói xấu sẽ biến cuộc sống của chúng ta thành địa ngục. Thói xấu là con dao phản chủ, nó làm đau bất cứ ai có ý định sử dụng nó thường xuyên. Thói xấu làm mất sự trong sạch và thanh thản của lương tâm, nó khiến cho con người luôn cảm thấy bất ổn. Vì thế thói xấu không chỉ tạo nên những tác động xấu đối với những người xung quanh mà thói xấu còn khiến cho chính người sở hữu nó những tại hoạ. “Lương tâm trong sạch gìn giữ sự thanh thản trong tâm hồn. Hơn thế nữa, nó còn là đối trọng với mọi tai hoạ và khổ đau”.

HỒNG MAI