Nợ duyên trong mộng

Truyện cố tích Việt Nam

NỢ DUYÊN TRONG MỘNG

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu. Thấy phải nuôi báo cô một đứa cháu dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, người đàn bà ấy rất bực mình. Lâu dần, người thím không kiêng nể nữa, mỗi khi có chuyện không vừa ý, chửi mắng chàng hết lời.
Một hôm, chú đi vắng, ở nhà thím la rầy, Chu sinh cãi lại mấy câu. Thấy thế, người thím không ngăn được cơn thịnh nộ:

– Đã thế mày đi đâu thì cút ngay đi, đừng có vác mặt về đây mà ăn nữa!

Nghe mấy câu xúc phạm, Chu sinh bỗng tức giận đầy người. Chàng vào thu dọn áo quần sách vở rồi tức tốc ra đi, thề quyết sẽ không trở lại gặp thím nữa. Chàng tìm về mấy gian nhà nát của bố mẹ bấy lâu vẫn bỏ hoang, trải manh chiếu rách lên giường rồi làm một giấc.

Người chú về biết rõ cơ sự, bèn tìm đến nhà, rủ cháu về. Chu sinh đã nhịn đói hai hôm nhưng nhất quyết không chịu. Người chú đành mang tiền gạo đến cho chàng và cố tình khuyên dỗ. Cháu hẹn chú ba ngày. Nhưng ba ngày trôi qua vẫn không thấy cháu về, chú lại mang tiền gạo sang chu cấp. Cháu lại khất ba ngày khác, nhưng rồi vẫn không về. Người chú cuối cùng cũng bực mình, đến nhà bảo: – “Tao bảo mày không nghe thì kệ xác mày, không hơi đâu mà khuyên dỗ mãi!”

Nói rồi từ đó mặc kệ Chu sinh, nhất định không đoái hoài nữa. Sau khi gạo tiền đã hết, Chu sinh nằm nhịn luôn trong hai ngày. Tuy bụng đói, chàng vẫn không chịu chạm trán với người thím ác nghiệt. Hôm ấy, sau khi ngâm mấy bài thơ, chàng tự nhiên ngủ thiếp đi. Đang lúc mơ mơ màng màng, bỗng thấy có một viên quan phẩm phục rực rỡ, theo sau có mấy tên thị vệ đến nhà mình. Bấy giờ chàng đang ngồi đọc sách. Chàng tưởng họ vào nhầm nhà, nhưng khi xưng tên tuổi thì thấy quả họ đang tìm mình. Viên quan mở hộp vàng lấy ra một đạo dụ đọc cho chàng nghe. Lúc đầu chàng cứ tưởng hoàng đế đang trị vì triệu mình, nhưng khi nghe xong thì chàng lấy làm ngạc nhiên. Những tiếng “quốc mẫu nước Hoa-thành” thật là mới lạ, chưa nghe nói bao giờ; cả đến giọng đọc của viên quan cũng nghe lơ lớ, không phải người ở vùng kinh kỳ tới.

Khi biết những người khách lạ đến với thiện ý đưa mình tiến kinh làm phò mã thì Chu sinh thấy yên tâm. Chàng nghĩ bụng: – “Hẵng cứ phó mặc cho may rủi một phen thử xem”. Chàng bèn bước theo chân họ. Đường rất mờ mịt. Chỉ một thôi, họ đã tiến vào một nơi có nhà cửa đẹp đẽ, người đi lại đông đúc như một thị trấn. Vượt qua mấy lần cổng thành lớn. Có lính canh gác nghiêm ngặt, đã thấy trước mặt một tòa lâu đài nguy nga, trên đề chữ “điện Hoàng-kim”. Viên quan bảo chờ trước sân rồng rồi tiến vào một nơi có mành ngọc che. Một chốc hắn rón rén bước ra giục chàng vào làm lễ. Chu sinh chỉ mới kịp cúi đầu lạy hai lạy thì ở trong có tiếng truyền ra cho chước miễn, và bảo dắt lên thềm. Chàng thấy đó là một bà cụ già chừng 60 tuổi, mặt mũi phúc hậu, nhìn mình với cặp mắt có cảm tình. Tuy đói bụng nhưng chàng cố hết sức giữ lễ. Người ta mời chàng ngồi lên sập vàng bên tả chỗ ngồi của quốc mẫu. Sau buổi trà nước, tiệc yến dọn lên, sơn hào hải vị bày đầy cả chiếu. Một chốc, từ trong cung tiến ra một cái kiệu nhỏ, trên có một thiếu niên bước xuống vái chào Chu sinh. Quốc mẫu nói bằng một giọng thân mật:

– Con ra tiếp đi. Chú rể mới bao giờ mà chả thẹn.

Thế rồi hai người chén thù chán tạc. Chu sinh chưa bao giờ cảm thấy sung sướng và ngon miệng hơn thế. Giữa bữa ăn, quốc mẫu cho chàng biết tiên đế là chồng bà với cha chàng đã từng đính ước gả con cho mau. Bây giờ cốt mời chàng đến đây để thực hiện lời hứa đó. Tuy chưa hiểu hai bên quen biết từ bao giờ, lại cũng chưa rõ mặt mũi công chúa Mộng Trang ra sao, nhưng chàng cũng cung kính gật đầu.

Ăn xong, quốc mẫu ngoảnh lại bảo chàng:

– Phò mã hãy trở về đợi ba ngày nữa sẽ lại cho người đến rước.

Liền đó, chàng từ tạ ra về, có cờ trống đàn sáo tiễn ra đến ngoài hoàng cung.

Thoáng có cơn gió lạnh phả vào mặt, Chu sinh giật mình tỉnh dậy thì thấy mình vẫn nằm trên manh chiếu rách cũ, nhưng miệng còn hơi rượu và bụng hãy còn no. Suy đi nghĩ lại, chàng không hiểu ra thế nào cả.

Ba ngày sau, chàng lại nằm mê như trước, lần này, đến điện Hoàng-kim thì đã thấy đèn treo, hoa kết, rực rỡ vô cùng. Chu sinh được dắt vào một gian buồng, thay bỏ đồ cũ để mặc quần áo mới may. Được một chốc, có một bọn người cung nữ đưa công chúa ra gặp tân lang. Chàng chỉ hồi hộp chờ có mỗi phút đó. Và chàng sung sướng vô cùng khi nhìn trộm thấy diện mạo của vợ khó có ai sánh kịp. Hai bên cùng vào làm lễ và cùng rót rượu cho nhau uống giữa nhữn tiếng đàn sáo nhã nhạc và lời chúc tụng hoan hỷ của mọi người.

Sau đó, vâng lện quốc mẫu, hai người đưa nhau vào Tây phòng. Đêm ấy, Chu sinh sung sướng vô hạn và mặc dầu thoáng thấy có những vằn lạ ở bụng và lưng vợ nhưng chàng vẫn không quan tâm.

READ:  Lê Văn Khôi

Sáng hôm sau, ăn xong hai người lại ra hầu quốc mẫu. Bà bảo chàng:

– Nước đây là nước Hoa-thành. Năm xưa tiên đế mất đi để lại cho ta dân đông, công việc nhiều. Thái tử còn nhỏ tuổi mà ta thì đã già rồi, trông nom không xiết. May có công chúa giúp đỡ từ bấy đến nay. Lấy chồng thì phải theo chồng nhưng công chúa mà đi thì không ai giúp cho ta cả. Vậy phò mã nên thể tình ta, để vợ ở đây, cứ ba ngày một sẽ cho Xuyên Hoa sứ về đón.

Chu sinh chỉ còn biết vâng dạ.

Trò chuyện một lúc, Chu sinh ra về. Công chúa tiễn chồng ra hoàng cung vẻ lưu luyến buồn rầu lộ ra nét mặt. Thái tử nói bỡn:

– Vợ chồng mới cưới hôm qua, hôm nay đã thương nhớ nhau đến thế ư?

Mọi người đều cười rộ làm cho chàng đỏ cả tai.

Thế rồi Chu sinh lại tỉnh dậy sau một giấc ngủ một ngày một đêm. Mùi rượu và mùi hương của công chúa vẫn còn thấy phảng phất. Lần này, chàng không còn coi là một sự lạ nữa. Chàng lại giở sách ôn luyện. Bụng vẫn không thấy đói.

Từ đó cứ ba ngày một lần, Chu sinh lại chiêm bao đến nước Hoa-thành để được gặp gỡ công chúa và để được ăn những bữa tiệc no say. Hết chiêm bao, chàng lại sống cô độc và thiếu thốn trong gian nhà nát. Tuy ngoài giấc mộng chàng không hề ăn uống gì mà mặt mũi vẫn hồng hào tươi tốt.

Cuộc đời cứ đều đặn như thế kéo dài đến hơn một năm trời. Xóm làng cho là chàng có phép tịch cốc, hỏi thì chàng chỉ cười mà không trả lời. Lúc này công chúa vợ Chu sinh đã sinh được một con trai. Quốc mẫu hạ lệnh cho vợ các quan phải đến cho đứa bé bú. Thằng bé chóng lớn. Ngày đầy tuổi tới, chàng đến sớm hơn mọi lần. Lúc đến nơi đã thấy cung đình xúm xít những triều thần, các quan lớn bé cùng các bô lão ăn mặc rực rỡ, chào hỏi lăng xăng. Họ mang tiền nong, lễ vật đến mừng con chàng nhiều lắm, chất đầy cả sập. Đổi lại, quốc mẫu sai dọn tiệc đãi họ. Chu sinh phải thân đi rót rượu mời mọc khá vất vả.

Một hôm, chàng theo lệ thường đến yết kiến mẹ vợ. Chàng ngạc nhiên khi thấy mặt bà có vẻ buồn rầu hốt hoảng khác thường. Hỏi thì quốc mẫu gạt nước mắt trả lời:

– Từ lâu ta vẫn có ý giấu phò mã. Nhưng nay đã đến lúc không thể giấu được nữa. Đã hai tháng nay, ngày nào cũng có tin cáo cấp ở biên thùy. Bọn giặc dữ đã tràn vào cõi, cướp bóc và tàn hại dân ta không biết bao nhiêu mà kể. Quân ta nghênh chiến bị tử thương vô số. Hôm nay, coi chừng giặc đã phạm đến gần kinh đô. Cho nên ta định ngày mai sẽ thiên đô đi nơi khác.

Chu sinh toan hỏi thêm về tình hình chiến sự thì đã thấy quan thượng thư Bộ binh xin vào yết kiến:

– Tân bệ hạ, quân giặc mỗi ngày một thêm mạnh và đông. Cứ như con số hạ thần nắm được thì quân và dân ta đã hy sinh mất một phần ba. Nếu bệ hạ cố ở lại thì còn dân đâu mà lập nước nữa. Vậy xin kíp thiên đô nội trong đêm nay!

Nghe nói, quốc mẫu sợ hãi, lập tức sai thảo chiếu hỏa tốc đi mọi phương ra lệnh đúng giờ hợi khởi hành. Rồi bà day lại bảo Chu sinh:

– Quốc gia đại sự, không thể để phò mã đi theo, cũng không dặn dò được nhiều. Chỉ nhắc phò mã biết rằng ta đã sai Xuyên hoa sứ mang tiền của công chúa gửi cho phò mã dùng, phò mã cố gắng học thành tài, sẽ có ngày tái ngộ. Chẳng những công chúa mà còn cháu nhỏ cũng không tiện đi theo phò mã. Hãy tạm chia tay một thời gian, chừng hai mươi sáu tháng nữa, cha con sẽ lại hú hý với nhau. Thôi vào gặp vợ một tý để còn xuất hành!

Chu sinh bước vào buồng nước mắt ứa ra. Công chúa lúc ấy đang sửa soạn hành trang, nàng bảo chồng:

– Ở đời ly hợp là thường, miễn chàng cố gắng là sẽ gặp nhau không mấy chốc. Thiếp sợ chàng buồn nên đã cho thị nữ là Đồng Nhân làm bạn cho đến ngày tái ngộ. Thiếp lại tặng chàng một hòn ngọc bích làm bằng chất ngọt của các thứ hoa quý, mùa nực đeo vào thì mát, mùa rét thì ấm, chàng luôn luôn đeo bên mình xem như là có thiếp!

Chu sinh vội bảo vợ:

– Nàng có thể theo ta được không ? Hay nếu không thì nàng cho ta theo với.

Công chúa đáp:

– Không được. Hiện nay chàng đang còn sự nghiệp của chàng. Còn thiếp phải giúp mẹ bảo toàn cơ đồ và tính mạng muôn dân. Hai bề chưa vẹn, chưa theo nhau được. Thôi đừng buồn nữa, ngày sau hạnh phúc còn dài.

Nói rồi dứt áo bước ra. Chu sinh lại níu lại hỏi:

– Ngày sao sẽ gặp nhau ở đâu và vào lúc nào, nàng có thể cho ta biết trước được chăng?

Công chúa cầm lấy hòn ngọc, bỏ vào túi áo chàng và nói:

– Trong đó có nói rõ cả.

Khi chợt tỉnh dậy thì Chu sinh thấy cảnh tượng lo lắng ly biệt vừa rồi đã biến đâu mất. Chàng vừa thắp đèn soi thì thấy giữa đường có một gói mười lạng vàng. Chàng móc túi, quả có một viên ngọc màu trắng như ngà, có vân xanh, dài như quản bút, trên có khắc mất câu thơ:

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Nhạc quân trống trận rập rình ngoài biên.

READ:  Ba chàng dũng sỹ

Phía Tây Hồ-thủy tiến thuyền,

Hoa-cương nẻo nọ thẳng liền sang Đông.

Chờ khi báo tiệp dâng công,

Non song đề chữ tương phùng về sau.

Xin đừng đắp nhớ đổi sầu,

Mười lăm năm lại gặp nhau đó mà.

Chàng đọc đi đọc lại hai ba lần vẫn không hiểu nghĩa thế nào. Rồi chàng cố suy nghĩ để tìm hiểu sự gặp gỡ bấy lâu nhưng cũng không thể ra manh mối. Óc rối như tơ vò, chàng bụng bảo dạ: – “Rồi thời gian khắc sẽ sáng tỏ. Chả hơi đâu mà nghĩ cho mệt”.

Hôm ấy, trời chưa sáng đã nghe có tiếng khóc. Chàng vội chạy sang nhà láng giềng hỏi tin. Họ cho biết là người thím của chàng bị cảm chết sắp sửa đem đi chôn. Nghe thấy thế, Chu sinh quyết định trở lại nhà chú. Người chú thấy cháu ôm sách vở trở về thì không nén được tức giận, bảo:

– Đã hai năm nay mày không đoái hoài gì đến tao, sao không đi luôn một thể, còn về mà làm gì?

Chàng nhanh trí tìm được cách nói dối:

– Hôm qua cháu chiêm bao thấy cha cháu về bảo rằng chú nghèo lắm, lại sắp có gia biến. Vậy có số vàng chôn ở nền nhà đào lên đưa về giúp chú. Vì thế bây giờ nghe tin có tang, cháu mới về.

Nói rồi bày cả mười lạng vàng lên bàn. Thấy vậy, chú đổi giận ra mừng. Từ đấy, chu sinh yên tâm ở lại nhà chú học tập. Chàng không mộng mị như trước và cũng không hề rỉ răng với ai về việc lạ xảy ra.

Khoa ấy, Chu sinh đậu hương cống. Chú dạm vợ cho mấy nơi nhưng chàng nhất thiết từ chối.

Một hôm người chú đi buôn có đưa về một cô gái mười tám tuổi bị lạc đường. Nghe cô gái xưng tên là Đồng Nhân, Chu sinh sực nhớ đến lời vợ dặn trước khi chia tay, bèn bằng lòng theo lời bàn của chú, lấy nàng làm thiếp. Hơn một năm, Đồng Nhân sinh cho chàng một đứa con trai. Đứa bé càng lớn, Chu sinh càng thấy nó giống với đứa con của chàng ở nước Hoa-thành do công chúa đẻ với chàng. Chàng tính đốt ngón tay thì vừa hai mươi sáu tháng, đúng như lời quốc mẫu.

Lúc này cuộc đời thật của Chu sinh ngày một vinh hiển và giàu thịnh hơn trước. Chàng làm quan to trong triều, được mọi người nể phục.

Một năm, ở Tuyên-quang có giặc, vua phong cho chàng làm đại tướng mang hai vạn quân đi dẹp giặc. Quan quân sắp tới trại thì gặp một con khe ngăn đường. Hỏi dân gần đấy thì họ cho biết đó là khe Hồ-thủy, trước mặt là Hoa-điệp-cương, đi vòng sang phía Tây hoặc phía Đông một ngày là đến trại giặc. Nghe nhắc đến những tên ấy, chàng bỗng nhớ tới những câu khắc trên hòn ngọc. Chàng mới giở ngọc ra đọc lại bài thơ thì rõ ràng đó là những lời kín đáo bày ra cho chàng mẹo phá giặc. Chàng cứ theo kế đó hai mặt tiến công, quả nhiên giặc thua to, bị giết và bị bắt gần hết.

Sau khi thắng trận, chàng đi thuyền quanh Hoa-cương. Người lái đò cho chàng biết cách đây 15 năm có một đàn bướm độ vài vạn con nửa đêm ở đâu bay tới rợp trời cho nên gọi là Hoa-điệp. Chu sinh hiểu ra, vừa lạ vừa mừng, vội sai dừng thuyền lại nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy chàng lại chiêm bao thấy Xuyên Hoa sứ đến đón. Chàng đi ngay. Lúc đến nơi, chàng nhận thấy cảnh vật lúc này đẹp hơn xưa nhiều: lâu đài quy mô, dân cư đông đúc. Vừa tới cửa hoàng cung đã có quốc mẫu ra đón niềm nở:

– Phò mã đi dẹp giặc hẳn là khó nhọc. Chao ôi, bây giờ râu ria mọc đã dài không được trẻ như trước. Ngày tháng chóng thật!

Rồi đó chàng lại gặp công chúa ở Tây phòng, hai bên chuyện trò ái ân vô cùng nồng đượm.

Qua ngày sau, mãi đến chiều, Chu sinh vẫn chưa muốn về. Quốc mẫu vào buồng giục chàng cố làm cho xong việc nước, và bảo:

– Ta nay đã già lắm rồi. Ta quyết định mười hôm nữa sẽ chia đôi nước, một nửa cho thái tử, một nửa cho công chúa. Vậy phò mã nhớ trở lại đây mà coi lấy nước mới. Ngày nay dân sự yên ổn nhưng phò mã cũng nên chú ý phòng ngừa quân địch vẫn thường đột nhập vào quấy rối trong nước Hoa-thành này.

Chu sinh chỉ kịp dạ mấy tiếng trong mơ thì đã có người đánh thức dậy. Bọn tỳ nữ vây xung quanh cho biết là chàng đã ngủ một đêm một ngày. Chàng vội nói tránh cho họ yên tâm:

– Lâu nay việc quân mệt nhọc nên ngủ bù, không ngờ làm phiền chư tướng.

Đoạn, chàng trù tính việc đề phòng cho nước Hoa-thành. Chàng nghĩ, chỉ có loài chim là kẻ thù của bướm nên ngay sau đó chàng tậu luôn ba mươi khu ruộng xung quanh Hoa-cương, cho người cày cấy ăn không với mỗi nhiệm vụ là đuổi bắt chim chóc cho mình.

Thế rồi chàng mang quân về. Nhà vua khen ngợi công lao chàng và ban thưởng rất hậu. Nhưng vua thấy ngạc nhiên khi thấy liền đó, chàng dâng biểu xin từ chức. Vua không ép được đành phải để chàng thỏa chí.

Được thôi quan, một hôm chàng từ giã chú, đưa vợ con lên thăm vùng Hoa-điệp-cương. Sắp tới nơi, tự nhiên cả ba người hóa làm ba con bướm trắng bay lên trời. Vượt qua Hồ-thủy, Xuyên Hoa sứ và cả một đại đội quân nhà bướm tiến ra đón bọn họ