Nội dung, ý nghĩa các mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta?

Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu cuối cùng của chế độ kinh tế ở nước ta, chứ không phải chỉ xóa bỏ bóc lột, áp bức, bất công, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Mục tiêu trên cũng chính là nguyện vọng, mơ ước của nhân dân tiến bộ trên thế giới, là cái đích của xã hội loài người nói chung.

Nội dung cơ bản của mục tiêu trên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta:

1/ Mục tiêu kinh tế – xã hội: Bao gồm các nhóm mục tiêu sau:

*Mục tiêu dân giàu:

Ngày một nâng cao đời sống vật chất (thể hiện ở tiêu chí bình quân GDP/người/năm), văn hóa, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Giai đoạn đến năm 2010: Đạt GDP bình quân đầu người khoảng 1050 – 1100 USD. Tạo và giải quyết thêm việc làm cho trên 8 triệu lao động, nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề lên 40% tổng lao động xã hội. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng hộ đói, giảm tỷ lệ nghèo (theo chuẩn mới) xuống còn 10- 11%. Đảm bảo 100% hộ dân có nhu cầu có nhà ở, với diện tích bình quân 14- 15 m2/người.

*Mục tiêu nước mạnh:

Thể hiện ở quy mô GDP và tỷ lệ tích lũy từ GDP của nền kinh tế; tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng (sự phát triển khoa học công nghệ, năng suất của các yếu tố tổng hợp, khai thác – sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường…..); khả năng cạnh tranh, thích ứng của nền kinh tế trước các biến động của thị trường thế giới; vị thế quốc gia trên trường quốc tế; sự ổn định về chính trị và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2010: Quy mô GDP đạt khoảng 1.693-1.760 nghìn tỉ đồng (theo giá hiện hành), tương đương 94- 98 tỉ USD; tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 21- 22% GDP; cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản – công nghiệp- xây dựng trong GDP dự kiến tương ứng 15- 16% – 43- 44% – 40- 41%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm; tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 2.200 tỉ đồng ( theo giá 2005).

MỤC TIÊU XÃ HỘI CÔNG BẰNG:

Công bằng xã hội sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển, là tiêu chí quan trọng bậc nhất để phân định chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Khái niệm công bằng ở đây được hiểu là sự công bằng ở mọi khía cạnh đời sống xã hội, bao gồm trên các lĩnh vực cơ bản sau:

– Về kinh tế: Mối quan hệ kinh tế giữa con người với con người thực chất là mối quan hệ về lợi ích. Các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể phải trên cơ sở và thượng tôn pháp luật, xóa bỏ độc quyền, bình đẳng trong cạnh tranh, trong khai thác tài nguyên, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực quốc gia. Không phân biệt và đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

READ:  Trình bày đặc điểm của chiến lược kinh doanh

– Trong đóng góp và thụ hưởng: Mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Bình đẳng về cơ hội tìm việc làm, cơ hội làm ăn kinh doanh, về nghĩa vụ và sự đóng góp cho Nhà nước và cho xã hội theo pháp luật. Bình đẳng trong việc thụ hưởng các thành quả lao động (theo sự cống hiến, đóng góp), thành quả phát triển chung của đất nước thông qua các phúc lợi công cộng, các dịch vụ công và các chính sách xã hội.

– Trong đời sống chính trị xã hội: Không phân biệt đối xử (sắc tộc, tôn giáo, giới, độ tuổi …), bình đẳng giữa các tổ chức chính trị xã hội và trong các hoạt động của đời sống chính trị khác. Không bè phái, cục bộ và phân biệt vùng miền.

Để thực hiện được công bằng xã hội, biện pháp quan trọng nhất là chống đuợc tham nhũng, tiêu cực của bộ máy Nhà nước và có liên quan, những tổ chức có quyền lực trong xã hội.

MỤC TIÊU VĂN MINH:

Văn minh là mục tiêu nhằm tạo dựng một môi trường tốt nhất cho phát triển con người, nó được thể hiện ở cả yếu tố vật chất và phi vật chất.

– Xét trên góc độ vật chất: Văn minh xã hội thể hiện ở trình độ của lực lượng sản xuất, mức sống của người dân và sự đảm bảo, tiện nghi của các điều kiện vật chất (bao gồm cả góc độ xã hội và cá nhân).

– Ở góc độ phi vật chất: Xét trên góc độ này, văn minh là một khái niệm rất rộng và trừu tượng, nó thể hiện các giá trị của thể chế, tổ chức, đời sống chính trị xã hội, tính nhân bản, truyền thống văn hóa, môi trường (môi trường sinh thái và môi trường xã hội) và vấn đề hội nhập, tiếp nhận các giá trị văn minh, văn hóa của thế giới.

Để đạt được mục tiêu xã hội văn minh, vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa rất quan trọng. Trước hết Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải là Nhà nước trong sạch, hiện đại, thường xuyên đổi mới, Nhà nước với chữ “nhà” viết hoa. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước một mặt phải biết nắm bắt và vận dụng tốt các quy luật khách quan, mặt khác phải biết “gạn đục khơi trong” để hạn chế, loại bỏ được các yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường, giữ cho một thị trường có “bộ mặt” văn minh, hội nhập thành công với kinh tế thế giới.

1.1 Mục tiêu chính trị: Thể hiện ở mục tiêu dân chủ:

Dân chủ là một trong những tiêu chí cơ bản phản ánh sự văn minh tiến bộ của xã hội. Mở rộng dân chủ là quy luật khách quan của sự phát triển hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Dân chủ được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, phải nói đến 2 lĩnh vực cơ bản sau:

READ:  Trình bày Cơ sở đo lường Tài sản tài chính

– Dân chủ trong hoạt động kinh tế: Trong kinh tế thị trường các chủ thể kinh tế được tự do, tự chủ kinh doanh và bình đẳng trước pháp luật. Mọi thành phần kinh tế được đầu tư sản xuất kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, có quyền sở hữu tài sản của mình. Quyền của người sản xuất và tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Sự quản lý và điều tiết của Nhà nước thông qua hệ thống luật pháp và các chính sách kinh tế, hạn chế tối đa các can thiệp hành chính trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Một xu hướng tiến bộ và “thức thời” là Nhà nước dần nhỏ đi, buông ra những việc phải quản lý cho thị trường, xã hội và những lực lượng ngoài Nhà nước.

– Dân chủ trong đời sống chính trị: Tăng cường mối quan hệ của Nhà nước với nhân dân, minh bạch và công khai hóa các thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách nói chung. Tạo cơ chế hữu hiệu cho người dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và giám sát hoạt động của Nhà nước. Tự do ngôn luận theo pháp luật và tôn trọng dư luận xã hội.

2/. Ý nghĩa các mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta:

– Với việc xác định mục tiêu trên, Đảng và Nhà nứơc ta đã phân định rõ giữa “phương tiện” với “mục tiêu” trong việc xây dựng mô hình kinh tế trong giai đoạn quá độ, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Mục tiêu trên đã tạo ra sự đồng thuận giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, đã thực sự động viên được nhân dân và tạo ra sự đoàn kết, thống nhất và đồng hành của cả dân tộc trong cuộc hành trình nhắm đến đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

– Để đạt được mục tiêu này phải phát triển mạnh lực lượng sản xuất, động viên mọi nguồn lực xã hội, phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo của toàn dân, khai thác mọi tiềm năng trong nước đi đôi với sử dụng có chọn lọc thành quả và kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.