Phân tích bài thơ “Tràng giang của Huy Cận”

Nếu phải kể đến những đôi bạn thơ gắn bó keo sơn, thân thiết với nhau thì trong nền thơ hiện đại Việt Nam, đáng nhắc đến trước tiên vẫn là bộ đôi Xuân Diệu – Huy Cận. Bộ đôi ấy đã hình thành nên một xóm thơ “ Huy – Xuân ” trong phong trào thơ mới. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là hai hồn thơ đó giống nhau, mà là ngược lại. Như sau này có người nhận xét : “ Nếu Xuân Diệu là thi sĩ của niềm ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian. “ Chính cảm hứng về vụ trụ bao la lớn rộng đã góp phần làm nên vẻ đẹp thơ Huy Cận, ngay từ thuở nhà thơ mới viết tập đầu tay – “ Lửa thiêng”. Và khi tìm hiểu một trong những bài tiêu biểu nhất của tập thơ, người ta chắc phải nói đến “Tràng giang”.

Tham khảo:Soạn bài Tràng giang

Trên ý nghĩa, “Tràng giang” là một con sông dài, nhưng Huy Cận lại muốn cảm nhận đó là một dòng sông rộng. Và như thế rõ ràng có lý, có căn cứ bởi cảm giác về dòng sông nếu không được làm nên bởi ấn tượng của thanh âm, bởi cả hai chữ của tựa đề -“tràng” và “giang” đều được cấu tạo bởi một nguyên âm rộng nhất trong các nguyên âm.

Bên ấn tượng về chiều rộng được nói đến ở tựa đề bài thơ thì ấn tượng ấy còn có ở cả câu đề từ :
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.

Chiều cao của bức tranh là khoảng cách giữa trời rộng với sông dài, làm nên đầy đủ, trọn vẹn ba chiều của không gian. Điều ấy rất sớm giới thiệu với người đọc về Huy Cận, một nhà thơ của cảm hứng không gian. Và trong không gian mênh mang ấy, nhà thơ đã thả vào một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, man mác mà chúng ta có thể thấy được qua những từ “nhớ” và “bâng khuâng” mà nhà thơ đặt ngay ở đầu câu.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh rất thích hợp với thi đề – “sóng”. Sóng trên dải “tràng giang “ của Huy Cận không phải là sóng xô, sóng vỗ hay “ sóng vọt đến lưng trời ” như trong thơ Đỗ Phủ mà chỉ là “sóng gợn”. Một chuyển động nhẹ nhàng để gợi ra hình ảnh của một dòng tràng giang tĩnh lặng. Nhà thơ tìm ra cái tĩnh trong cái tưởng như rất động, thể hiện một hồn thơ hay thiên về cái tĩnh. Con sóng gợn trong con mắt đầy xúc động của thi nhân dường như cứ lan toả đến vô cùng. Vì vậy, ngay từ câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã chứng tỏ mình đi theo một phong cách thơ khác nhiều lắm so với phong cách thơ cổ điển, đó là sự xuất hiện chữ “buồn” ngay ở đầu bài – “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn mang hình ảnh của sóng gợn, mượn hình ảnh của sóng để hiện ra trước con người. Như thế, “Tràng giang” rất sớm trở thành một dòng sông tâm trạng, vừa là hình ảnh của ngoại giới, lại vừa là hình ảnh của tâm giới.

Trên bức tranh sông nước ấy đã hiện lên hình ảnh một con thuyền, một con thuyền không chèo “xuôi mái”- hình ảnh tĩnh trên một dòng sông tĩnh. Mái chèo buông xuôi dọc bên thân thuyền, để lại hai vệt nước mà nhà thơ gọi là “song song”. Hai chữ này đã hoà ứng với hai chữ “điệp điệp” ở cuối câu thứ nhất như để gợi thêm ra cảm giác về một nỗi buồn vô tận. Bức tranh thiên nhiên mở ra theo cả hai chiều, “điệp điệp” gợi ra không gian theo chiều rộng, còn “song song” lại làm nên cảm giác về chiều dài. Nhưng đến câu thơ thứ ba:

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

thì hình ảnh nước và thuyền quay trở lại, nhưng không phải thuyền trôi trên dòng nước mà là “thuyền về, nước lại”. Mỗi sự vật đi kèm với một động từ, tạo nên cảm giác về sự chuyển động trái chiều. Ta cảm tưởng rằng thuyền về, con nước lại và một khoảng trống sẽ được mở ra, một khoảng trống về một mối sầu lan toả, không chỉ được mở ra trên hai chiều trái ngược nhau mà là mọi chiều trong không gian – “ sầu trăm ngả”. Nhà thơ viết “trăm ngả” dường như khiến người đọc cảm nhận mối sầu ấy không có chỗ tận cùng, và nỗi buồn lại càng mênh mang hơn nữa.
Tuy nhiên, không có câu thơ nào trong khổ này lại khiến Huy Cận phải trăn trở nhiều hơn, tâm đắc nhiều hơn là câu thơ thứ tư:

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Điều rất lạ là câu thơ tâm huyết này của Huy Cận lại bắt đầu bằng một chữ tưởng như không hàm chứa một lượng thơ ca nào, chữ “củi”. Chữ ấy lại được nhà thơ nhấn mạnh qua một phép đảo từ “ củi một cành khô ”. Nhưng phải là chữ “củi” và phải là phép đảo từ thì nhà thơ mới có thể nói ra tận cùng một quan niệm, một triết lý nhân sinh. Chữ ấy hay không chỉ vì nó đem lại cho thơ cái chất mà Xuân Diệu gọi là “hiện thực sống sít”, làm nên một trong những phong cách thơ mới. Hình ảnh “củi” không chỉ nói về một thanh gỗ đã chết mà còn thực sự toát lên vẻ tầm thường. Nhưng đó lại là hình ảnh khó có gì thích hợp hơn để nhà thơ biểu hiện cảm quan của mình về sự nhỏ nhoi, vô nghĩa, đơn côi của sự sống một kiếp người trước vũ trụ, thiên nhiên vô tận. Ý nghĩa ấy dường như thấm vào trong từng chữ một của dòng thơ. Chữ “một” gợi lên số ít, chữ “cành” làm nên cảm giác nhỏ bé. Và như thế, con người dường như đang lạc lối, bơ vơ , ngơ ngác trước những dòng nước của con sông lớn ở trong hiện thực, cũng là trước con sông của nỗi buồn ở lòng người. Nỗi buồn về sự nhỏ nhoi, cô đơn của một kiếp người, khác hoàn toàn với nỗi buồn của Xuân Diệu trong “Đây mùa thu tới “.
Đến khổ thơ thứ hai thì không gian đã không còn chỉ giới hạn trong phạm vi một mặt sông.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bức tranh “Tràng giang” giờ đây đã có thêm hình ảnh những chiếc “cồn” của những làng xóm ở bên sông. Vì thế hai câu thơ đầu phảng phất cảm giác man mác, nhẹ nhàng mà sâu kín về một quê hương. Huy Cận đã vô tình phác ra một cảnh sắc rất quen thuộc về một miền quê nước Việt : bờ sông hoặc giữa lòng sông có những cồn đất nhỏ, xa xa ven sông có những âm thanh xao xác của một xóm làng. Nhưng đó không phải là tất cả ý nghĩa của câu thơ. Không thể không chú ý rằng Huy Cận muốn những chiếc cồn trong thơ phải là “cồn nhỏ” và phải thưa thớt, lơ thơ. Cồn phải vậy để mặt sông càng trở nên rộng lớn. Gió thì “đìu hiu” càng làm cho dòng tràng giang thêm tĩnh lặng. Và Huy Cận cũng đã từng nói hai chữ “đìu hiu “ấy đã được mượn trong hai chữ của “Chinh phụ ngâm” :

READ:  Soạn bài Tràng giang - Huy Cận

Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

Một ngọn gió thổi đìu hiu ở nơi đã từng là bãi chiến trường đẫm máu, mối liên tưởng ấy làm ngọn gió trên sông của nhà thơ lại càng thêm buồn bã, hắt hiu.
Câu thơ thứ ba đã vẳng lên âm thanh của sự sống, nhưng âm thanh ấy cũng nhỏ nhoi, yếu ớt, cô quạnh.

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Cảm giác ấy dường như thấm vào từng chữ một trong câu. Câu thơ làm gợi nhớ đến một “phiên chợ chiều” đã “vãn” của một “làng xa”. Cảm giác đến với nhà thơ và người đọc thơ thông qua một giác quan mơ hồ – thính giác, mà không phải qua hình ảnh. Sự mơ hồ ấy lại được nhân lên qua chữ “đâu” ở đầu câu, càng khiến cho âm thanh ấy như có như không, như hư như thực. Nhưng thực nhất vẫn chỉ là sự im lặng bao trùm lên dòng chảy tràng giang.
Đến câu thơ thứ ba thì không gian được mở ra theo một chiều khác, chiều cao qua hình ảnh của nắng và bầu trời:

Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót.

Hai hình ảnh ấy cũng được đặt trong những chuyển động trái chiều – “lên” và “xuống”, trong cảm giác về một sự chia rẽ. Nắng xuống và trời lên, để lại một khoảng trống thăm thẳm mở ra, làm nên cảm giác mà Huy Cận đã diễn tả bằng một sự kết hợp từ độc đáo – “ sâu chót vót ”. Cụm từ này tạo cảm giác thăm thẳm về bầu trời và mặt nước. Không chỉ thế, phải có chữ “sâu” để không gian được nhuộm trong gam màu, gam cảm xúc buồn, trầm lắng.
Và khổ thơ thứ hai của bài thơ được khép lại trong một câu thơ gần nhất với câu đề từ khi ở đây lại xuất hiện hình ảnh của “sông dài, trời rộng”.

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Nhưng bên cạnh hình ảnh ấy, Huy Cận đã đặt bên cạnh một hình ảnh “bến cô liêu”. Bến ấy cũng đại diện cho con người, cho sự sống vì sông sẽ không có nơi nào là bến nếu không có sinh hoạt của con người nơi bến ấy. Vì vậy hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vụ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.
Chúng ta bắt gặp một sự biến chuyển ở đầu khổ ba:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Hình như có cái gì đông đúc hơn lên, sự chuyển động dường như cũng đã nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta nhận ra điều ấy qua từ “dạt” ngay ở câu thơ đầu tiên. Cảm giác đông đúc cũng thể hiện khá rõ trong ba chữ “hàng nối hàng”. Nhưng sự đông đúc ở đây lại chỉ là của những cánh bèo, hình ảnh từ lâu đã tượng trưng cho những kiếp phù sinh, cho cuộc sống không ý nghĩa. Hình ảnh “bèo dạt” ấy cũng đã từ lâu dùng để nói về số phận của những kiếp người không có khả năng tự làm chủ cuộc đời mình. Và cảm giác vô định ấy được Huy Cận nhấn thêm một lần nữa bằng hai chữ “về đâu”. Nhưng câu thơ thứ nhất không chỉ là hình ảnh của những kiếp người vô định mà từng hàng bèo trôi dạt ấy dường như còn để tăng thêm cảm giác trống không ở những câu sau. Bởi người đọc sẽ có cảm tưởng khi bèo đã dạt hết rồi, nhìn lại mặt tràng giang, con người sẽ cảm thấy hoàn toàn trơ trọi với những chữ “không” nối tiếp nhau cứ dội lên mãi trong câu thứ hai và thứ ba:

Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.

Chữ “không đò” được hiệp âm với chữ “mênh mông” ở trước, chữ “không cầu” lại được láy âm với câu trên, đặt ở ngay đầu câu, khiến cho cảm giác trơ trọi thể hiện rõ nhất ở khổ thứ ba này. Không có con đò đậu. không có cả một chiếc cầu tĩnh lặng, vô tri. Không có cả một chút bóng dáng con người mà thông thường người ta có thể mường tượng ra qua hình ảnh con đò.Như vậy hình ảnh “đò” được đặt trước vì động hơn. Nhưng đến chữ “chút niềm thân mật” thì hình ảnh con đò và cây cầu không chỉ là những hình ảnh thực mà còn là cảm giác về cuộc đời vắng tình người. Cuộc đời quá mênh mông, một chút niềm thân mật để nối hai bờ cũng không thể nào tìm ra, dù “thân mật” đã là mức độ tình cảm thấp nhất trong những mức độ tình cảm.
Và cảm giác của nhà thơ lại trở về với chiều dài và chiều rộng trong câu đề từ, khi nhà thơ viết câu thơ cuối:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Cảm giác về “không” gặp lại ở “lặng lẽ”, không hình, không cả tiếng. Câu thơ gợi cho người đọc cảm nhận về dòng chảy qua hết bờ xanh lại đến bãi vàng, nhưng tuyệt đối âm thầm. Chúng ta lại nhận ra thêm ở đây một nỗi buồn sông nước.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.
Chim nghiêng cánh nhỏ óng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Có thể nói rằng đây là khổ thơ duy nhất mà mỗi câu thơ đều gợi ra liên tưởng về một câu thơ Đường. Cũng không có khổ thơ nào trong “Tràng giang” lại vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh trời chiều trên sông nước rõ ràng và gợi cảm như ở khổ bốn này.
Câu thơ thứ nhất đem đến cho ta cảm giác của một thiên nhiên vừa quen thuộc lại vừa lớn lao, kì vĩ.

READ:  Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc.

Chỉ bảy chữ thôi mà câu thơ đã mở ra trước mắt người đọc một bức tranh mà ở đó những làn mây dường như được đùn, đẩy từ nơi mà bầu trời tiếp liền cùng mặt nước, cứ chất ngất mãi lên phía của trời cao thành hình giống như ngọn núi, nhưng lại là núi bạc. Những đám mây kia đang phản quang những tia nắng của trời chiều, nhờ vậy mà ánh lên, loá lên, hình thành một khoảng không gian lớn rộng, gợi nên cảm giác trong sáng hiếm có ở bài thơ.
Vẫn nhìn lên bầu trời ấy, ở hai câu tiếp theo, nhà thơ điểm lên bức tranh bầu trời trên dòng tràng giang hình ảnh một cánh chim, một hình ảnh rất đặc trưng cho buổi chiều tà.

Chim nghiêng cánh nhỏ  bóng chiều sa.

Nhưng cánh chim ấy không khỏi làm cho những người yêu thơ nhớ đến một câu thơ của Vương Bột:

Lạc hà dữ cô lộ tề phi
( tạm dịch nghĩa : ráng chiều đang sa xuống với con cò lẻ loi cùng bay ).

Song cánh chim chiều trong thơ Huy Cận không bình thản như thế thì nhà thơ nói đến “chim nghiêng cánh nhỏ”. Chi tiết ấy đủ làm người đọc nhận ra bóng chiều đang buông xuống. Bóng chiều vốn vô hình dường như giờ đây có thể được nhìn thấy như trong cảm giác về một vật thể hữu hình. Nhà thơ đã hữu hình hoá cái vô hình. Và như vậy chỉ bằng hai câu mà nhà thơ đem lại cho người đọc những xúc cảm thân thương, quen thuộc của quê hương, đất nước, để rồi từ cảnh quê trong hai câu đầu mà nói đến tình quê, đến nỗi nhớ quê nhà trong hai câu thơ cuối. Nỗi nhớ mênh mông như là những làn sóng đang dợn trên mặt sông và trải ra theo con nước về phía xa vời.

Lòng quê dợn dợn vời con nước.

“Vời” được hiểu theo nghĩa là trông mãi về phía xa. Vì vậy ở câu thơ thứ ba này, nhà thơ đang nhìn mãi ra xa, tấm lòng cũng cứ lan theo mặt nước ra xa, và cũng rung rinh theo dòng nước như thế.Câu thơ đã mượn hình ảnh sóng nước tràng giang mà nói về nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy sâu nặng, thường trực trong lòng nhân vật trữ tình mà không cần được gợi ra bằng một làn khói hoàng hôn nào như trong thơ Thôi Hiệu:

Yên giang ba thượng sử nhân sầu
(Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Và như thế, nỗi nhớ, tình cảm quê hương cứ lai láng chảy trên khắp bề mặt của khổ thơ cuối cùng.
Không chỉ vậy, người đọc còn có thể nhận ra khổ thơ thứ tư là khổ duy nhất mà mỗi câu thơ đều gợi về một tứ Đường thi quen thuộc. Chính Huy Cận nhận rằng chữ “đùn” của câu thơ thứ nhất là ông học từ bản dịch “Thu hứng” của Nguyễn Công Trứ:

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Còn câu thơ thứ hai lại được viết dưới ảnh hưởng của những câu thơ Vương Bột:

Lạc hà dữ cô lộ tề phi.

Và hai câu thơ cuối cùng không khỏi làm người đọc nghĩ đến hai câu trong “Hoàng Hạc Lâu” (Thôi Hiệu)

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Điều đó có nghĩa là đến khổ thơ cuối cùng này, nỗi buồn của thi nhân không chỉ được giăng ra trên các chiều của không gian như ba khổ trước đó, mà nỗi buồn ấy còn được trải dài dằng dặc trên chiều của thời gian. Bởi vì mỗi câu thơ trong khổ đều được neo đậu vào những nỗi buồn dường như vĩnh hằng trong những câu thơ đã được viết ra nghìn năm trước đó. Và nhờ có khổ thơ này mà mối sầu của “Tràng giang” không chỉ là “nỗi sầu vạn lý” mà còn là “mối sầu vạn kỉ “. Cảm giác về “một chiếc linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu “ ( Huy Cận ) được thể hiện rõ ở khổ thơ này hơn bất kì khổ thơ nào khác. Và như thế, nỗi buồn vũ trụ càng trở nên hoàn chỉnh hơn, nỗi khắc khoải không giang càng đầy đủ hơn. Kết thúc khổ thơ, nỗi buồn đầy đủ và trọn vẹn được mở ra trên ba chiều không gian và cả chiều thời gian, khiến cho “Tràng giang” càng thêm đậm đà phong vị Đường thi, hương vị thơ cổ điển ở ngay khổ cuối.

Tuy nhiên không vì thế mà có thể coi “Tràng giang” giống như là những vần thơ cổ điển. Huy Cận vẫn cứ hiện diện trong bài thơ như một nhà thơ mới, có thể nhận ra được từ cảm giác bơ vơ, bé nhỏ, một tâm trạng rất phổ biến của một “thời đại thi ca”. Bởi thế cánh chim chiều của Huy Cận mới yếu ớt, đáng thương đến thế, bởi đôi cánh nhỏ nhoi kia không đỡ nổi cả bóng chiều nhẹ nhàng, bảng lảng đến phải chao nghiêng. Nó khác nhiều với cánh cò bình thản trong thơ Vương Bột. Chất thơ mới ấy cũng thể hiện trong những rung động tinh tế khó nắm bắt trong cách nói “dợn dợn” ,làm nên cảm giác mơ hồ, lung linh không rõ rệt. Thêm vào đó, nhà thơ còn từ chối nguyên tắc “tức cảnh sinh tình” vốn đã là khuôn mẫu trong thơ cổ. Tình không cần phải được gợi ra từ khói hoàng hôn. Và với tất cả những lý do trên, khổ thơ cuối cùng của “Tràng giang” đã đạt đến những thành công có ý nghĩa về cả hai phương diện : nội dung cảm xúc lẫn hình thức văn chương.