Phân tích hình ảnh Nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt

Có những chi tiết nghệ thuật đọc rồi là nhớ mãi bởi nó có sức rung động sâu xa, sức ám ảnh lâu bền trong người đọc như “bát cháo hành” của Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao), như “nồi cháo cám” của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Nhà văn Kim Lân). Nếu bát cháo hành là liều thuốc giải độc đối với những “con quỷ dữ” như Chí Phèo biết quay về cuộc sông lương thiện, thì nồi cháo cám chính là tấm lòng thương yêu chân thực, cảm động của người mẹ nghèo khổ đối với những đứa con trong bữa cơm ngày đói đón dâu mới.

VO NHAT - KIM LAN

Gấp trang truyện lại, không hiểu sao trước mắt ta cứ hiện lên rõ ràng như thực hình ảnh “người mẹ tươi cười, đon đả: – Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy”. Có thật chăng món chè cám ngon đáo để? Có thật chăng lòng người mẹ đang vui sướng? Chỉ biết rằng cỏ một niềm xúc động rất thật cứ dâng lên trong lòng ta trước tấm lòng bà cụ Tứ khi bà “lễ mễ” bưng nồi cháo ra, đon đả tươi cười múc cháo cho hai đứa con.

Tham khảo: Soạn bài Vợ Nhặt – Kim LânNhững điểm chú ý khi phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt

Nhớ lại cuộc đời dài nghèo khổ của bà, mấy khi trên gương mặt u tối ấy sáng lên một nụ cười? Ngay cả đêm qua, biết con trai đã nên vợ nên chồng, trong giờ phút đầu tiên gặp người con dâu mới, nước mắt khổ đau và lo lắng của bà vẫn chảy nhiều hơn tuy trong thâm tâm bà cũng có chút “mừng lòng” và một vài tia hi vọng về chúng. Vậy thì vì sao trong bữa cơm ngày đói đón dâu mới lại có chuyện “nồi cháo cám” với nụ cười đon đả làm bừng sáng cả khuôn mặt già nua, nhẫn nhục của bà? Ta hiểu, không phải bà vui cho bà, mà chính là bà đang cố tạo ra những niềm vui, dù còn rất mong manh, cho con trai và con dâu trong ngày đầu tiên nên vợ nên chồng. Tâm lòng người mẹ nghèo thương con thật cảm động. Bà đã dậy sớm, “xăm xắn” dọn dẹp nhà cửa, vườn tược cho quang quẻ, trong bữa cơm toàn nói những chuyện vui về tương lai như chuyện nuôi gà … Và “nồi cháo cám” chính là đỉnh cao của tấm lòng người mẹ nghèo thương hai đứa con vừa tìm đến với nhau trong cảnh “vợ nhặt” giữa những ngày đói khủng khiếp nhất của năm 1945.

READ:  Em hãy tóm tắt tác phẩm Vợ nhặt của Nhà văn Kim Lân

Còn nhớ một điều, đây không phải là một bữa cơm thường nhật hằng ngày, mà là bữa cơm đầu tiên đón dâu mới, bữa cơm ngày “nhị hỉ” thiêng liêng theo phong tục Việt Nam. Chính đêm qua, bà đã nói với người đàn bà lạ bỗng trở nên thân thiết với mình: “Lẽ ra mẹ phải có dăm ba mâm, mời bà con họ hàng, nhưng Bữa cơm ấy phải tươm tất, nhưng vì đang trong những ngày đói nên chỉ có “một niêu cháo lõng bõng, một dúm rau chuối thái rối chấm với muối trắng”. Ba mẹ con ăn vui vẻ nhưng loáng cái đã hết nhẵn, không còn chút gì trên cái mẹt rách được dùng làm mâm. Một tình thế hụt hẫng sẽ đến trong bữa cơm ngày cưới, điều này, bà đã nhìn thấy trước, và bằng tấm lòng thương yêu của mình, bà đã tìm cách “cứu nguy” cho nó, mục đích là để cho con trai và con dâu có được niềm vui trọn vẹn trong ngày đầu tiện nên vợ nên chồng. Nồi cháo cám có được là do lòng thương con chân thành của bà, cũng là do cách nghĩ hồn nhiên mộc mạc của bà – những bà mẹ nông dân suốt đời lam lũ nghèo khổ.

Bà nấu nồi cháo cám, giấu con trai và con dâu, để đến cái giờ phút nguy kịch đó mới đem ra “cứu nguy” như khi ta xổ ra con át chủ bài lúc ván bài đã đến nước quyết định. Và như ta thấy, bà đã vui vẻ mời chào,đon đả đón lấy bát của con dâu và con trai để múc cháo. Bà còn “nói trại” đi đó là chè khoán, ngon đáo để. Trong chi tiết nghệ thuật này, hai lần Kim Lân miêu tả cái dáng tươi cười, đon đả của bà mẹ với hai đứa con một cách thật chân thành và hồn nhiên. Chính điều này làm ta xúc động, xót thương và cảm phục tấm lòng của người mẹ nghèo khổ. Bà đang vui (điều này hẳn là có vì con trai bà đã có gia đình bà đã có con dâu) hay bà đang cố tạo ra niềm vui cho hai đứa con tội nghiệp của bà đã nên vợ nên chồng trong lúc đói kém này? (Điều này chắc là nhiều hơn, là điều chủ yêu trong lòng bà lúc bấy giờ). Dường như bà cố ý xua đi không khí ảm đạm, cố gắng vượt lên hoàn cảnh bằng sự tươi tỉnh động viên con. Bên trong cái vẻ tươi ,tỉnh ấy, ta biết lòng người mẹ đang thổn thức. Lòng người đọc cũng dâng lên bao xót xa … Tội nghiệp cho niềm vui của bà – cái niềm vui không cất cánh lên được. Bởi, vẫn còn đó bát cháo cám “chát xít, nghẹn bứ trong miệng” anh con trai và làm “tối sầm hai con mắt” người con dâu. Và, tiếng cười của bà tắt hẳn khi “một nỗi tủi hờn dâng lên bao quanh mâm cơm”, họ cắm mặt ăn cho xong bữa, ăn mà không nhìn nhau …

READ:  Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc trong Vợ nhặt

Kim Lân viết những dòng này tưởng như khách quan, nhưng ta biết lòng ông đau nhói biết chừng nào, bởi chính ông, gia đình ông, trong những ngày đói của năm Ất Dậu ấy, cũng đã từng phải ăn cháo cám, ông đã biết mùi vị của cháo cám là thế nào? … Phải, cái nồi cháo cám ấy có gì là quý giá đâu, nhưng tấm lòng người mẹ nông dân một đời nghèo khổ ngẫm lại không đáng thương, đáng quý hay sao? Có thể bà chẳng còn sống mấy nữa. Nhưng bà sống vì con, cả con trai và người con dâu mới mà bà đã thương yêu sâu sắc, bà tìm thây ý nghĩa đời mình trong sự chăm lo vun vén cho con. Cái đức hi sinh, vị tha ấy là của bà, của bao bà mẹ nông dân khác mà ta đã gặp trong cuộc đời. Và nồi cháo cám mà Kim Lân đã dành cho bà ở đây, trong phần kết thúc thiên truyện ngắn này, nó vẫn gợi lên sâu sắc âm hưởng đau xót của nạn đói khủng khiếp năm 1945, vẫn giữ lại cái hương vị đằm thắm nhân bản của khát khao tổ ấm gia đình dù trong cảnh “Vợ nhặt”; nhưng trên hết và bao trùm tất cả, đó là tấm lòng nhân hậu cao cả của những người mẹ Việt Nam – “đằng sau manh áo rách là những tấm lòng vàng !”

Đó là một chi tiết nghệ thuật đặc, sắc mà ta thường gặp ở cây bút viết truyện ngắn sở trường về người nông dân Việt Nam: nhà vần Kim Lân.