Phát triển kinh tế là gì?

Phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế có quan hệ với nhau, nhưng không đồng nhất với nhau. Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự hoàn thiện cơ cấu, thể chế kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát triển kinh tế biểu hiện:

Một là, sự tăng lên của GNP, GDP hoặc GNP và GDP tính theo đầu người, tức là sự tăng trưởng kinh tế phải lớn hơn mức tăng dân số. Đồng thời đó phải là sự tăng trưởng kinh tế ổn định và vững chắc.

Hai là, sự thay đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng tỷ trọng của ngành dịch vụ và công nghiệp trong GDP tăng lên còn tỷ trọng của nông nghiệp giảm xuống, nhưng giá trị tuyệt đối của các ngành đều tăng lên. Đó là tính quy luật của quá trình vận động của nền sản xuất nhỏ sang nền sản xuất lớn, hiện đại.

Ba là, chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân cư phải được cải thiện, tăng lên. Muốn vậy, không phải chỉ có GNP (hoặc GDP) theo đầu người tăng lên, mà còn phải phân phối công bằng, hợp lý kết quả tăng trưởng, bảo đảm sự tăng lên của thu nhập thực tế, chất lượng giáo dục, y tế… mà mỗi người dân được hưởng, ổn định lạm phát, ngăn ngừa khủng hoảng nhờ có thể chế kinh tế tiến bộ; chất lượng sản phẩm ngày càng cao; bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng trưởng kinh tế là điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế, phát triển kinh tế là động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế biểu hiện rõ rệt nhất ở sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mọi nhân tố tăng trưởng kinh tế cũng đồng thời là nhân tố phát triển kinh tế. Nhưng phát triển kinh tế có nội dung rộng hơn tăng trưởng kinh tế. Do đó ngoài các nhân tố tăng trưởng kinh tế, còn các yếu tố khác tác động đến sự phát triển kinh tế. Dưới dạng khái quát, sự phát triển kinh tế chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:

READ:  Theo bạn vũ trang có phải là một yếu tố hình thành nên văn hóa không? Vì sao?

– Các yếu tố thuộc lực lượng sản xuất

Các yếu tố thuộc lực lượng sản xuất tạo thành các yếu tố đầu vào của sản xuất. Số lượng và chất lượng của yếu tố đầu vào quyết định đến số lượng, chất lượng của hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. Trong lực lượng sản xuất, ngoài các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên thì yếu tố con người và khoa học, công nghệ có vai trò hết sức to lớn. Ngày nay, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia. Công nghệ tiên tiến, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, nếu được vận dụng phù hợp, sẽ sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào, tăng năng suất lao động, tạo ra hàng hóa có chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Tuy nhiên nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất luôn luôn là con người, đặc biệt trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Chỉ con người mới là nhân tố năng động, sáng tạo ra công nghệ mới và sử dụng công nghệ để tạo ra của cải vật chất. Vì vậy, đầu tư vào các lĩnh vực để phát huy nhân tố con người chính là đầu tư vào phát triển kinh tế.

– Những yếu tố thuộc về quan hệ sản xuất

Quan hệ sản xuất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế theo hai hướng: một là, thúc đẩy phát triển kinh tế khi quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; hai là, ngược lại quan hệ sản xuất kìm hãm sự phát triển kinh tế nếu không có sự phù hợp. Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tức là có chế độ và các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất phù hợp, các hình thức tổ chức kinh tế năng động, hiệu quả, các hình thức phân phối thu nhập công bằng, hợp lý, kích thích tính tích cực, sáng tạo của người lao động… làm cho các nguồn lực của nền kinh tế được khai thác, sử dụng có hiệu quả, thì quan hệ sản xuất ấy thúc đẩy kinh tế phát triển.

READ:  Hiệu quả của tái sản xuất xã hội là gì?

– Những yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng

Kiến trúc thượng tầng có tác động đến sự phát triển kinh tế. Sự tác động này có đặc điểm:

Một là, các yếu tố khác nhau của kiến trúc thượng tầng có mức độ tác động khác nhau đến sự phát triển kinh tế. Chẳng hạn, các yếu tố như tư tưởng, đạo đức… tác động gián tiếp đến phát triển kinh tế, còn các yếu tố như chính trị, pháp luật, thể chế… lại tác động trực tiếp hơn và mạnh mẽ hơn.

Hai là, tác động của kiến trúc thượng tầng đến sự phát triển kinh tế cũng có thể diễn ra theo hai hướng: thúc đẩy sự phát triển kinh tế nếu nó phù hợp hoặc kìm hãm sự phát triển nếu nó không phù hợp với hạ tầng cơ sở, với những yêu cầu khách quan của cuộc sống. Ví dụ: những chính sách kinh tế, pháp luật kinh tế nếu phù hợp sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và ngược lại, nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.