Quá trình chỉ đạo của Đảng trong các giai đoạn phát triển của cách mạng miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975?

Là một đế quốc đầu sỏ rắp tâm thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng hòng làm bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam nhằm ba mục tiêu chủ yếu:

1. Tiêu diệt phong trào cách mạng, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng.
2. Biến miền Nam thành một phòng tuyến ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội xuống vùng Đông – Nam Á.
3. Xây dựng miền Nam thành một căn cứ quân sự, là bàn đạp tiến công miền Bắc và hệ thống xã hội chủ nghĩa từ phía Đông – Nam Á.
Quá trình Đảng chỉ đạo cuộc cách mạng miền Nam là quá trình phân tích âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, so sánh lực lượng giữa ta và địch để đề ra chủ trương, biện pháp thích hợp đánh bại chúng, là quá trình biết giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Quá trình đó diễn ra qua nhiều thời kỳ kế tiếp nhau.

Thời kỳ 1954-1960:

Chuyển hình thức, phương pháp và tổ chức đấu tranh của cách mạng miền Nam từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị là chủ yếu, thực hiện thế giữ gìn lực lượng, rồi chuyển dần từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đánh bại “Chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ.
– Những năm 1954-1956: chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị là chủ yếu để củng cố hoà bình, đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chống khủng bố, giữ gìn lực lượng.
– Những năm 1957-1958: đấu tranh chính trị là chính, xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, lập các chiến khu, đấu tranh vũ trang ở mức độ thích hợp để bảo vệ cách mạng, chuẩn bị chuyển lên giai đoạn mới.
– Những năm 1959-1960: nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở, giành quyền làm chủ, hình thành vùng giải phóng rộng lớn, lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cách mạng miền Nam phát triển nhảy vọt, chuyển hẳn từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đồng thời chấm dứt thời kỳ tạm ổn định của địch, cuộc “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ bị đánh bại.
Thời kỳ 1961-1965:
Đảng chỉ đạo giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1961, “Chiến tranh đơn phương” bị thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện cuộc “Chiến tranh đặc biệt”, một hình thức của chiến tranh thực dân mới bằng hai thủ đoạn chính là tăng cường lực lượng nguy quân do cố vấn Mỹ chỉ huy để hành quân tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, và ra sức thiết lập “ấp chiến lược” để gom dân, bình định lại nông thôn. Bằng cách đó, chúng hy vọng tạo ra ba chỗ dựa cơ bản cho “Chiến tranh đặc biệt” là:
1. Ngụy quân – nguỵ quyền mạnh lên,
2. Hệ thống “ấp chiến lược” rộng khắp,
3. Các đô thị ổn định.
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 1-1961 và tháng 2-1962 đã nêu chủ trương tiếp tục giữ vững và phát huy thế tiến công của cách mạng miền Nam, đưa đấu tranh quân sự lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, và binh vận, đánh địch ở cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị.
Cách mạng miền Nam đã từ khởi nghĩa chuyển lên thành chiến tranh cách mạng, từng bước đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của ta đã làm cho nội bộ địch bị khủng hoảng, dẫn tới cuộc đảo chính của Mỹ giết chết anh em Diệm – Nhu và nhiều cuộc đảo chính khác kế tiếp. Cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đã bị thất bại.

READ:  Trình bày những biến đổi của các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay? Trong những biến đổi đó, biến đổi nào là quan trọng nhất? Tại sao?

Thời kỳ 1965-1968

Đảng phát động toàn dân chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam; đồng thời gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Âm mưu của đế quốc Mỹ là:
1. Chặn đứng sự phát triển của cách mạng miền Nam, cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, tìm diệt chủ lực Quân giải phóng, giành lại thế chủ động trên chiến trường;
2. Bình định lại miền Nam, củng cố hậu phương của chúng, ổn định nguỵ quyền, đồng thời phá hoại hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của dân tộc ta, buộc ta phải kết thúc chiến tranh theo điều kiện của Mỹ.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 tháng 3 năm 1965, lần thứ 12 năm 1965 đã đề ra quyết tâm chiến lược đánh Mỹ và thắng Mỹ, phát động toàn dân tiến hành cuộc chống Mỹ, cứu nước.
Đảng đã chỉ đạo quân và dân miền Nam liên tiếp bẻ gãy các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ – nguỵ. Sau trận đọ sức trực tiếp đầu tiên với quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) tháng 5-1965, ở Vạn Tường (Quảng Ngãi) tháng 8-1965 thắng lợi, một cao trào đánh Mỹ diệt Nguỵ đã dấy lên mạnh mẽ khắp chiến trường miền Nam. Mọi cố gắng điên cuồng của đế quốc Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) và thứ hai (1966-1967) đều lần lượt thất bại. Đến mùa mưa 1967 chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự đề phòng các trận đánh lớn của ta. 80% đất đai miền Nam nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Phong trào đấu tranh chính trị tiếp tục phát triển quyết liệt ở hầu khắp các thành thị.
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị đã chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, tiến lên giành thắng lợi quyết định bằng cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã nổ ra vào dịp Tết Mậu Thân (cuối tháng 1 đầu tháng 2-1968) ở Sài Gòn và 64 thành phố, thị xã, thị trấn khác trên toàn miền Nam. Cuộc tập kích chiến lược này đã làm cho thế chiến lược của Mỹ bị đảo lộn, ý chí xâm lược của chúng bị lung lay, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam, song về sau ta cũng bị những tổn thất về địa bàn và lực lượng do có sai lầm trong đánh giá tình hình, chỉ đạo xác định mục tiêu và chỉ đạo thực hiện Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa …

Thời kỳ 1969-1975

Đảng chỉ đạo đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Từ năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Thực chất là sử dụng quân nguỵ với trang bị vũ khí và sự yểm trợ của không quân, hải quân Mỹ để tiếp tục chiến tranh xâm lược thực dân mới, rút dần quân Mỹ về nước.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 18 (1-1970) chủ trương kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, tiếp tục phát triển chiến lược tiến công, đồng thời ra sức xây dựng mọi mặt, chú trọng công tác hậu cần, đánh bại âm mưu xuống thang từng bước và kéo dài chiến tranh của Mỹ, đề phòng việc “Đông Dương hoá chiến tranh” của chúng.
Đảng đã chỉ đạo cách mạng miền Nam trong hai năm 1970- 1971 tiếp tục giữ vững và phát triển lực lượng, đồng thời từng bước đánh bại âm mưu “Đông Dương hoá chiến tranh” của chúng. Mùa xuân 1972, Đảng chỉ đạo thực hiện cuộc tiến công chiến lược, tiến công địch mạnh mẽ ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để buộc địch phải chấm dứt chiến tranh, thương lượng ở thế thua, Mỹ phải “Mỹ hoá” trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam, ném bom trở lại miền Bắc, song không cứu vãn được tình thế. Ngày 27-1-1973, Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam và rút quân về nước.
Sau Hiệp định Pari, do Mỹ và tay sai tiếp tục chiến tranh, phá hoại Hiệp định nên Đảng chủ trương nắm vững thời cơ, giữ vững chiến lược tiến công, phát triển thực lực, tiến tới giải phóng miền Nam. Nhận thấy thế và lực của ta đã hơn địch, ta có thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam. Hội nghị Bộ Chính trị 1-1975 đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc theo kế hoạch hai năm 1975-1976. Nếu thời cơ thuận lợi đến thì quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Đảng đã chỉ đạo chọn Tây Nguyên làm chiến trường trọng điểm và mở chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu bằng cuộc tấn công thị xã Buôn Ma Thuột (10-3-1975), tiến tới giải phóng Tây Nguyên gây sự hoảng loạn chiến lược cho địch. Tiếp đó đã mở Chiến dịch Huế – Đà Nẵng giải phóng Huế (25-3-1975) và Đà Nẵng (29-3- 1975). Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn trước tháng 5-1975, chỉ đạo tập trung mọi lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này. Ngày 9-4-1975, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn và đến trưa ngày 30-4-1975 kết thúc thắng lợi. Đến ngày 2-5-1975, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và địa phương cuối cùng của miền Nam là đảo Phú Quốc đã hoàn toàn được giải phóng, Tổ quốc ta được thống nhất.
Tóm lại, từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1975, trên cơ sở phương hướng chiến lược, đường lối chung đúng đắn, Đảng ta đã nêu cao quyết tâm hành động, tìm tòi sáng tạo trong phương pháp cách mạng, chỉ đạo linh hoạt cuộc cách mạng miền Nam, đánh thắng địch từng bước, làm thất bại từng chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ, cuối cùng thực hiện cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.