Soạn bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh

LẬP DÀN Ý BÀI VĂN THUYẾT MINH

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Lập dàn ý là một kĩ năng rất quan trọng khi tạo lập văn bản. Dàn ý của bài văn thường theo bố cục ba phần (Mở bài, Thân bài và Kết bài). Dàn ý của bài văn thuyết minh cũng vậy.

2. Phần mở bài và kết bài của bài văn thuyết minh có những điểm cần phân biệt với phần mở bài và kết bài của bài văn tự sự:

– Mở bài : Ở bài văn tự sự, phần mở bài là thuật lại mở đầu câu chuyện hoặc giới thiệu, dẫn dắt vào câu chuyện. Ở bài văn thuyết minh, phần mở bài giới thiệu chung về đối tượng thuyết minh, để người đọc biết được nội dung sẽ được nắm bắt trong phần thân bài (phần mở bài phải nêu ra được đề tài thuyết minh).
– Kết bài : Ở bài văn tự sự, kết bài thường là sự kết thúc của câu chuyện, nhận định về ý nghĩa của câu chuyện. Ở bài văn thuyết minh, nhấn mạnh về đối tượng đã thuyết minh, tạo ấn tượng cho người đọc về đối tượng vừa thuyết minh.

3. Trong phần thân bài, các ý của bài văn thuyết minh có thể được sắp xếp theo các trình tự : thời gian, không gian, lôgic, trình tự nhận thức,… hoặc là hỗn hợp của các quan hệ miễn sao phù hợp với đối tượng thuyết minh, đạt được mục đích thuyết minh.

II. RÈN KĨ NĂNG

1. Khi lập dàn ý cho bài văn thuyết minh, cần chú ý các bước như sau:

(1) Xác định đề tài : Thuyết minh về đối tượng nào ?
(2) Xây dựng dàn ý :

READ:  Soạn bài Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh

– Mở bài:

+ Nêu đề tài thuyết minh.
+ Dẫn dắt, tạo ra sự chú ý của người đọc về nội dung thuyết minh.

– Thân bài:

+ Tìm ý, chọn ý : Cần triển khai những ý nào để thuyết minh về đối tượng đã giới thiệu (cung cấp những thông tin, tri thức gì) ?
+ Sắp xếp ý : Cần trình bày các ý theo trình tự nào cho phù hợp với đối tượng thuyết minh, đạt được mục đích thuyết minh, giúp người tiếp nhận dễ dàng nắm được nội dung thuyết minh ?

– Kết bài: Nhấn lại đề tài thuyết minh và tô đậm ấn tượng cho người tiếp nhận về đối tượng vừa thuyết minh.

2. Xây dựng dàn ý cho bài văn thuyết minh giới thiệu một tác giả văn học:

(1) Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả lựa chọn để thuyết minh (họ tên, tuổi, quê quán,…).

(2) Thân bài:
– Cuộc đời và sự nghiệp văn học:

+ Hoàn cảnh xuất thân, truyền thống gia đình, học vấn, đường đời,…
+ Các chặng đường sáng tác và những tác phẩm chính.

– Phong cách nghệ thuật:

+ Những đặc điểm nổi bật về nội dung trong sáng tác của tác giả ấy.
+ Những đặc sắc nghệ thuật mà tác giả ấy thể hiện trong tác phẩm của mình.

(3) Kết bài:

– Khẳng định về vị trí của tác giả vừa thuyết minh.
– Nêu suy nghĩ, cảm nhận về cuộc đời, sự nghiệp văn chương của tác giả vừa thuyết minh,…

3. Xây dựng dàn ý cho bài văn thuyết minh giới thiệu một tấm gương học tốt.

(1) Mở bài: Giới thiệu chung về gương học tốt (là ai ? ở đâu ?… ).

(2) Thân bài:

– Hoàn cảnh gia đình, môi trường học tập,…
– Quá trình phấn đấu trong học tập.
– Những kết quả học tập tốt.

READ:  Soạn bài Tổng kết phương pháp đọc – hiểu văn bản văn học

(3) Kết bài:

– Khẳng định về tấm gương học tập.
– Suy nghĩ về bài học rút ra cho bản thân và cho mọi người.

4. Xây dựng dàn ý cho bài văn thuyết minh giới thiệu một phong trào của trường (hoặc của lớp).

(1) Mở bài: Giới thiệu chung về phong trào (Là phong trào gì, trong lĩnh vực hoạt động nào, diễn ra ở đâu ?).

(2) Thân bài:

– Phong trào đã được phát động, hưởng ứng ra sao ?
– Diễn biến của phong trào.
– Những kết quả cho thấy sự thành công, hiệu quả của phong trào.

(3) Kết bài: Ý nghĩa của phong trào.

5. Xây dựng dàn ý cho bài văn thuyết minh về một quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập).

(1) Mở bài: Giới thiệu chung về quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập).

(2) Thân bài:
– Mô tả quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập) : bắt đầu như thế nào, diễn biến qua các công đoạn (các bước, các giai đoạn, các quá trình,…) ra sao ?
– Sản phẩm của quy trình sản xuất(hoặc kết quả của một quá trình học tập) là gì, chất lượng, giá trị ra sao ?

(3) Kết bài: Nhận xét về quy trình sản xuất (hay các bước của một quá trình học tập).