LUẬN ĐIỂM TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Luận điểm là tư tưởng, quan điểm của người viết đối với vấn đề nghị luận (luận đề) trong bài văn, được thể hiện dưới hình thức những câu văn có tính chất khẳng định hay phủ định.
2. Để đạt được mục đích nghị luận, bày tỏ tư tưởng, quan điểm của người tạo lập văn bản, bài văn nghị luận nhất thiết phải có luận điểm.
3. Luận điểm trong bài văn nghị luận phải đúng đắn, sáng rõ, tập trung, mới mẻ, có tính định hướng, đáp ứng đòi hỏi của thực tế.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Đọc các câu thơ dưới đây trong Truyện Kiều và rút ra một luận điểm về vai trò của đồng tiền đối với cuộc sống con người trong xã hội phong kiến.
– Trong tay sẵn có đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng, thay đen khó gì.
– Định ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong.
– Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Gợi ý:
Dựa vào những câu thơ trên, có thể đưa ra nhiều luận điểm khác nhau. Có thể tham khảo các luận điểm sau:
– Trong Truyện Kiều, sức mạnh của đồng tiền ngự trị, tác oai tác quái đối với sự sống của con người.
– Truyện Kiều còn là tiếng kêu than trước sức mạnh của đồng tiền.
– Qua Truyện Kiều, xã hội phong kiến với thế lực đồng tiền ngự trị được phơi bày.
2. Nối kết nghĩa của hai câu tục ngữ sau đây để đưa ra một luận điểm:
– Không thầy đố mày làm nên
– Học thầy không tày học bạn
Gợi ý:
Hai câu tục ngữ có những nét nghĩa trái ngược nhau, mỗi câu nhấn mạnh một khía cạnh trong việc học. Để đưa ra được luận điểm bao quát nghĩa của cả hai câu này, cần kết hợp được những điểm nhấn khác nhau ấy trong một nhận định chung. Có thể tham khảo luận điểm: Học không thể thiếu thầy, nhưng học cũng rất cần bạn; hoặc: Học thì phải có thầy, song học ở bạn cũng rất bổ ích.
3. Từ các câu danh ngôn dưới đây, hãy rút ra những luận điểm đúng đắn về việc đọc sách.
(1) Đọc sách là cách học tốt nhất, theo dõi những tư tưởng vĩ đại của vĩ nhân, là cách học thú vị nhất.
(A. Pu-skin)
(2) Người nào chỉ đọc đôi chút cũng đã có trình độ cao hơn nhiều so với người không đọc gì cả.
(V. Bi-ê-lin-xki)
(3) Đọc sách mà không suy nghĩ khác nào ăn mà không tiêu.
(E. Bur-ke)
(4) Đọc cuốn sách hay cũng như được trò chuyện với người bạn thông minh.
(L. Tôn-xtôi)
(5) Không có quyển sách nào hay đối với người dốt, không có tác phẩm nào dở đối với người thông minh.
(Đ. Đi-đơ-rô)
(6) Nền văn hoá ở một nước cao hay thấp không phải chỉ ở các nhà văn mà chính là ở độc giả.
(Nhất Linh)
Gợi ý:
Tham khảo các luận điểm:
– Đọc sách là một cách học tích cực nhất.
– Việc đọc sách chỉ có ích khi người đọc biết suy ngẫm, đọc đúng cách.
– Trong việc đọc, sách là quan trọng nhưng người đọc còn quan trọng hơn.
– Trình độ đọc cho thấy trình độ văn hoá.
…
5. Đọc lại truyện ngụ ngôn Việt Nam Thầy bói xem voi và tự rút ra một số luận điểm về cách suy nghĩ, đánh giá và việc tiếp thu ý kiến của người khác.
Gợi ý: Tham khảo:
– Phải xem xét sự vật, hiện tượng dưới nhiều góc độ thì mới có thể đưa ra được nhận định đúng đắn, toàn diện.
– Không nên chỉ dựa vào sự nhìn nhận của mình, cần biết lắng nghe nhiều ý kiến khác để có được nhận định toàn diện, khách quan về một đối tượng nào đó.
– Cần biết tôn trọng ý kiến của người khác, không nên bảo thủ, biến tranh luận thành cãi vã, xung đột gây mất đoàn kết.
…
6. Hoạ sĩ Trung Quốc nổi tiếng thời Đường là Diêm Lập Bản lần thứ nhất xem tranh Trương Tăng Do đời nhà Lương chê là không có gì. Lần thứ hai xem tranh họ Trương lại khen là tranh khá. Lần thứ ba xem kĩ thì khen là tranh có chỗ kì diệu. Từ mẩu chuyện trên, có thể rút ra những luận điểm nào về cách xem tranh, cách thưởng thức nghệ thuật?
Gợi ý:
– Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi đi từ nông đến sâu.
– Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi trải nghiệm của người thưởng thức.
– Người tiếp nhận có vai trò rất quan trọng trong thưởng thức nghệ thuật.
– Vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật do người thưởng thức đánh giá, khám phá.