Soạn bài Luyện nói tự sự kết hợp với biểu cảm, nghị luận, chuyển đổi ngôi kể

LUYỆN NÓI TỰ SỰ KẾT HỢP VỚI BIỂU CẢM,
NGHỊ LUẬN, CHUYỂN ĐỔI NGÔI KỂ

I. HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ

Với các đề bài:

1) Tâm trạng của em sau khi gây ra một chuyện không hay cho bạn.
2) Kể lại buổi sinh hoạt lớp, ở đó em đã phát biểu ý kiến chứng một bạn là người tốt.
3) Dựa vào đoạn đầu truyện Chuyện người con gái Nam Xương (từ đầu cho đến Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi), hãy đóng vai Vũ Nương để kể lại câu chuyện theo ngôi kể thứ nhất.
4) Hãy đóng vai Trương Sinh để thực hiện yêu cầu như trên.
Hãy lập dàn ý cho bài kể miệng để trình bày trước lớp.

Gợi ý:

– Đây là bài văn nói nên không viết thành bài văn mà chỉ lập dàn ý để dựa vào đó trình bày bằng miệng trước lớp.
– Dựa vào gợi ý trong bài Tập làm văn ở bài 8 và bài 12 để lập dàn ý cho đề (1) và (2). Với đề (3) (với đề 4 cũng tương tự), cần chú ý một số thao tác sau:
+ Chuyển đổi ngôi kể: không chỉ là việc thay thế ngôi kể thứ ba bằng ngôi kể thứ nhất; việc chuyển đổi ngôi kể sẽ kéo theo những thay đổi trong lời dẫn chuyện (ví dụ, không thể chỉ đổi là: “Tôi, người con gái quê ở Nam Xương,…) và lời kể về nhân vật Vũ Nương (không thể tự mình kể về mình là: …, tính tình thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.), lời kể về các nhân vật khác,…
+ Đảm bảo nguyên tắc: “tôi” chỉ kể những gì “tôi” chứng kiến, “tôi” biết (tức là không thể kể những gì Vũ Nương không chứng kiến, không biết); nếu vẫn giữ đầy đủ các nội dung như kể ở ngôi thứ ba thì phải có cách chuyển đổi thích hợp.
– Luyện nói trước ở nhà theo dàn ý đã chuẩn bị: tưởng tượng ra người nghe, hướng tới người nghe để nói; chú ý dẫn dắt mở đầu, chuyển đoạn và kết thúc; trong khi nói kết hợp với cử chỉ, điệu bộ để lời nói đạt được hiệu quả tác động cao hơn.

READ:  Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN NÓI TRÊN LỚP

1. Có thể trao đổi, tham khảo các dàn ý khác trước giờ luyện nói;
2. Nói trước lớp theo dàn ý đã chuẩn bị ở nhà:
– Chú ý diễn đạt tự nhiên, rõ ràng, mạch lạc;
– Trong khi nói phải hướng tới người nghe để điều chỉnh sắc thái, âm lượng, biểu cảm cho thích ứng;
– Rèn tác phong đĩnh đạc, ngay ngắn trước đám đông.
3. Lắng nghe, ghi chép những nhận xét của thầy, cô giáo và các bạn; sửa chữa những lỗi về nội dung và hình thức diễn đạt, đặc biệt chú ý bài nói với yêu cầu chuyển đổi ngôi kể.