Soạn bài Luyện tập tóm tắt tác phẩm tự sự

LUYỆN TẬP TÓM TẮT TÁC PHẨM TỰ SỰ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tóm tắt tác phẩm tự sự nhằm mục đích gì?

Tóm tắt tác phẩm tự sự là thao tác cần thiết để nắm được nội dung chính của một câu chuyện. Có thể gặp yêu cầu tóm tắt trong nhiều tình huống cụ thể, ví dụ:

(a) Tuần trước do bị ốm, bạn em không được cùng lớp xem bộ phim Chiếc lá cuối cùng (dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ô. Hen-ri), bạn nhờ em kể lại câu chuyện trong bộ phim đó một cách vắn tắt.

(b) Để nắm chắc nội dung Chuyện người con gái Nam Xương, cô giáo yêu cầu em và các bạn phải đọc và tóm tắt được tác phẩm này trước khi học trên lớp.

(c) Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học, em được phân công thuyết minh, giới thiệu về một tác phẩm tự sự mà mình yêu thích. Công việc cần làm trước khi phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật là phải tóm tắt tác phẩm.

2. Cách tóm tắt một tác phẩm tự sự

a) Để tóm tắt tác phẩm Người con gái Nam Xương, có bạn nêu lên các sự việc và nhân vật chính sau:

– (1): Chàng Trương Sinh phải đầu quân đi lính, để lại mẹ già và người vợ trẻ là Vũ Thị Thiết (Vũ Nương);
– (2): Mẹ Trương Sinh ốm chết, Vũ Nương lo ma chay chu tất;
– (3): Giặc tan, Trương Sinh trở về nhà, nghe lời con trai, nghi vợ không chung thuỷ;
– (4): Vũ Nương bị oan, bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự tử;
– (5): Phan Lang là người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần rùa Linh Phi, vợ vua Nam Hải, nên khi chạy nạn, chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để trả ơn;
– (6): Phan Lang gặp Vũ Nương trong động của Linh Phi. Hai người nhận ra nhau. Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh;
– (7): Trương Sinh nghe Phan Lang kể, biết vợ bị oan, bèn lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang, Vũ Nương trở về “ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng… lúc ẩn lúc hiện”.

b) Các sự việc trên đã đảm bảo đầy đủ các sự việc chính của câu chuyện chưa? Nếu chưa đủ thì sự việc còn thiếu là sự việc nào? Tại sao lại không thể bỏ qua sự việc ấy?

Gợi ý: Đọc lại tác phẩm để kiểm tra các sự việc nêu trên. Có phải khi Phan Lang kể thì Trương Sinh mới biết vợ mình bị oan không? Hệ thống các sự việc trên thiếu một sự việc quan trọng: sau khi vợ tự vẫn, một đêm hai cha con Trương Sinh ngồi bên đèn, đứa con nhỏ chỉ chiếc bóng và nói đó chính là người vẫn đến đêm đêm, Trương Sinh mới vỡ lẽ rằng vợ mình bị oan. Như thế, Trương Sinh biết rõ sự oan ức của Vũ Nương trước khi gặp Phan Lang.

READ:  Soạn bài Tổng kết từ vựng (tiếp theo)

c) Các sự việc nêu trong mục (a) ở trên đã đúng chưa? Có cần điều chỉnh sự việc nào cho chính xác hay không?

Gợi ý: Thêm vào sự việc hành động của đứa con khiến Trương Sinh tỉnh ngộ trước sự việc (5) và điều chỉnh lại sự việc (7) cho chính xác (Trương Sinh nghe Phan Lang kể, bèn lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang, Vũ Nương hiện lên giữa dòng sông nhưng không trở về trần gian nữa.

d) Dựa trên các sự việc đã được sắp xếp, điều chỉnh lại, bằng lời văn của mình hãy viết một văn bản (20 dòng) tóm tắt ngắn gọn Chuyện người con gái Nam Xương.

Gợi ý: Tham khảo văn bản tóm tắt sau:

Xưa có chàng Trương Sinh phải đầu quân đi lính, để lại mẹ già và người vợ trẻ mới cưới là Vũ Thị Thiết, còn được gọi là Vũ Nương đang bụng mang dạ chửa. Mẹ Trương Sinh ốm chết, Vũ Nương lo ma chay chu tất. Giặc tan, Trương Sinh trở về nhà, nghe lời con trai thơ dại, nghi vợ không chung thuỷ. Vũ Nương oan ức, bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự tử. Sau khi vợ chết, một đêm hai cha con Trương Sinh ngồi bên đèn, đứa con chỉ cái bóng trên tường và nói đó chính là cha nó vẫn đến đêm đêm. Trương Sinh vỡ lẽ ra rằng vợ mình bị oan. Phan Lang là người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần rùa Linh Phi, vợ vua Nam Hải, nên khi chạy nạn, chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để trả ơn. Phan Lang gặp Vũ Nương trong động của Linh Phi. Hai người nhận ra nhau. Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh nghe Phan Lang kể, bèn lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang, Vũ Nương hiện lên giữa dòng sông nhưng không trở lại trần gian nữa.

e) Hãy rút gọn hơn nữa văn bản tóm tắt trên.

Gợi ý: Có thể rút ngắn bản tóm tắt lại nhưng phải đảm bảo giữ được nội dung chính của câu chuyện. Tham khảo văn bản tóm tắt sau:

READ:  Soạn bài Các thành phần biệt lập

Xưa có chàng Trương Sinh phải đi lính khi vừa cưới vợ xong. Lúc trở về, chàng nghe lời con dại nghi oan cho vợ không chung thuỷ. Vũ Nương bị oan bèn gieo mình tự vẫn ở sông Hoàng Giang. Một đêm khi ngồi với con trai bên đèn, đứa con chỉ chiếc bóng nói đấy là cha nó vẫn đến đêm đêm. Trương Sinh vỡ lẽ ra là vợ mình bị oan ức. Phan Lang gặp Vũ Nương dưới thuỷ cung. Phan Lang được trở về trần gian, kể lại lời nhắn của Vũ Nương. Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ bên sông Hoàng Giang. Vũ Nương hiện lên nhưng không về trần gian nữa.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

Hãy viết một văn bản tóm tắt lại một trong số các tác phẩm tự sự đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 8.

Gợi ý: Lựa chọn một trong số văn bản tự sự như Lão Hạc, Tức nước vỡ bờ, Cô bé bán diêm, Chiếc lá cuối cùng,…để tóm tắt. Chú ý các bước tóm tắt một văn bản tự sự:

– Đọc văn bản, xác định chủ đề (việc xác định chủ đề văn bản sẽ quyết định việc lựa chọn nhân vật, sự việc,…)

– Xác định nội dung chính cần tóm tắt:
+ Nhân vật chính;
+ Sự việc chính;

– Sắp xếp nhân vật, sự việc theo trật tự nhất định, phản ánh trung thành câu chuyện được kể trong văn bản gốc;

– Viết bằng lời văn của mình nội dung cần tóm tắt.

Có thể tóm tắt truyện Lão Hạc dựa trên những sự việc và nhân vật chính sau:

(1) Con trai lão Hạc đi phu đồn điền cao su, lão chỉ còn lại “cậu Vàng”.
(2) Lão Hạc có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng.
(3) Lão mang tiền dành dụm được gửi ông giáo và nhờ ông trông coi mảnh vườn.
(4) Vì muốn để lại mảnh vườn cho con, lão phải bán con chó.
(5) Một hôm lão xin Binh Tư một ít bả chó.
(6) Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và bị ốm một trận khủng khiếp.
(7) Lão bỗng nhiên chết – cái chết thật dữ dội.
(8) Ông giáo rất buồn khi nghe Binh Tư kể chuyện ấy.
(9) Cả làng không hiểu vì sao lão chết, trừ Binh Tư và ông giáo.