Soạn bài Người trong bao – Sê Khốp

NGƯỜI TRONG BAO

(A.P.SÊ-KHỐP )

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Tác giả

An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là nhà văn Nga kiệt xuất, sinh ra và lớn lên trong một gia đình học thức. Ông học Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va, Khoa Y. Sê-khốp vừa làm bác sĩ nông thôn vừa viết báo, viết văn, tham gia nhiều công việc xã hội, giáo dục, văn hóa. Năm 1887, ông được nhận Giải thưởng Pư-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga, Năm 1900, Sê-khốp được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Sê-khốp được xem là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói. Từ những cốt truyện giản dị, tác phẩm của Sê- khốp thường đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâư xa, ông để lại hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa, trong đó có nhiều tác phẩm đặc sắc: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6, Đảo Xakha-lin, Đồng cỏ. Về kịch nói, có nhiều tác phẩm nổi tiếng: Hải âu, Cậu Va-nhi-a, Ba chị em, Vườn anh đào, …

B. Tác phẩm: Người trong bao

Người trong bao (1898), truyện ngắn nổi tiếng của Sê-khốp, được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen. Thời đó, xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế nặng nề cuối thế kỉ XIX. Môi trường xã hội ấy đã đẻ ra lắm kiểu người kì quái; “người trong bao” Bê-li- cốp là một phát hiện nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của nhà văn. Câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời một con người mắc chứng bệnh sợ hãi, bạc nhược đến nỗi sống và chết đều thảm hại không chỉ phản ánh một thực trạng xã hội mà còn có ý nghĩa khái quát triết lí sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Tuân từng ca ngợi: Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn còn tác dụng lớn.

Chúng ta hãy xem nhân vật Bê-li-cốp là con người như thế nào, đã được miêu tả ra sao trong truyện ngắn này, và từ nhân vật đó khái quát lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

1. Nhân vật Bê-Ii-côp “người trong bao”

a) Ngoại hình, chân dung, thói quen, sinh hoạt:

– Nhân vật có một ngoại hình đặc biệt, tạo nên một chân dung đầy ấn tượng mà nét nổi bật là “lúc nào cũng vậy, thậm chí cả vào khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông. Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu; và khi rút chiếc dao nhỏ để gọt bút chì thì chiếc dao ấy cũng đặt trong bao, cả bộ mặt hắn ta nữa dường như cũng ơ trong bao vì lúc nào hắn cũng giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên. Hắn đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông, và khi ngồi lên xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên”. Con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt là “thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách bảo, vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài.”

– Thói quen của hắn cũng kì quặc: đi hết nhà này đến nhà khác, kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, độ một giờ sau thì cáo từ. Đó là “cách duy trì những mối quan hệ tốt đối với bạn đồng nghiệp” của hắn. Chính điều này làm cho các giáo viên đều sợ hắn bởi cái cách đến nhà đặc biệt ấy, ẩn chứa một điều gì “bí mật” trong đó.

READ:  Soạn bài Một thời đại trong thi ca

– Sinh hoạt của hắn cũng vậy, cũng theo kiểu “khép kín” trong một cái bao: ở nhà cũng vẫn mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then; buồng ngủ chật như cái hộp, nóng bức ngột ngạt nhưng cửa sổ đóng kín mít và khi ngủ hắn cũng kéo chăn trùm đầu kín mít. Tóm lại, mọi cái đều “kín mít”, có đủ sự ngàn cấm và hạn chế, bởi hắn “lúc nào cũng sợ trộm chui vào nhà. Suốt đêm hắn mơ toàn những điều khủng khiếp, và buổi sáng, khi đến trường, mặt hắn tái nhợt, rầu rỉ”.

(1) Bê-li-cốp: tức truyện ngắn Người trong bao.

– Cả đến ý nghĩ, hắn cũng cố giấu vào bao. Đối với hắn, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này điều nọ mới là những cái rõ ràng.

b) Tính cách Bê-li-cốp: Người trong bao

Những điều trên đây cho ta thấy rõ tính chất của Bê-li-cốp: con người luôn thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Con người đó có những đặc điểm:

– Cuộc sống thu mình vào trong bao, khép kín, đơn độc, cô độc, xa lánh mọi người (cái thói quen kì quặc của hắn chính là “cách duy trì những mối quan hệ tốt đối với bạn đồng nghiệp” như hắn nghĩ).

– Nhưng đồng thời lại là con người có ý thức muốn “dạy đời” bằng những chỉ thị của cấp trên, của chính quyền, luôn đem cấp trên và chính quyền ra làm cái bình phong che chắn cho mình. Đây cũng là một nét tính cách của “người trong bao” Bê-li-cốp được thể hiện sinh động qua cuộc đối thoại giữa hắn với Cô-va-len-cô. Trong cuộc đối thoại này vẫn nổi lên cái nét tính cách sợ hãi của Bê-li-cốp khi hắn không tán thành việc đi chơi bằng xe đạp và “tái mặt” khi động đến chuyện “cấp trên”, “chính quyền”. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ để củng cố cho “cái bao” của mình thêm chắc mà thôi. Cái việc hắn sợ có người đã nghe được cuộc nói chuyện này và quyết định sẽ báo cáo với ngài hiệu trưởng nội dung câu chuyện cùng là lo cho “cái bao” của hắn, cho cuộc sống trong bao của hắn được yên ổn.

c) Ảnh hưởng lối sống của Bê-li-cốp đối với những người xung quanh

Lối sống “người trong bao” đã tạo ra một cuộc sống thảm hại, đáng thương cho Bê-licốp, nhưng chính lối sống ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh.

– Đối với nhà trường nơi hắn dạy: “Bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ lắm”. Đến mức “cái thằng cha quanh năm đi giày cao su và mang ô ấy đã khống chế cả trường học chúng tôi suốt mười lăm năm trời”. Cái con người tưởng chỉ thu mình trong bao để sống theo kiểu “tự vệ cho bản thân”, ai ngờ lại nguy hiểm đến vậy, khiến mọi người phải sợ hắn đến thế!

– Nhưng đâu phải chỉ có trường học mà cả thành phố đều sợ hắn. Các bà, các cô tối thứ bảy không dám tổ chức diễn kịch tại nhà nữa, sợ rằng nhỡ hắn biết thì lại phiền, giới tu hành khi có mặt hắn không dám ăn thịt và đánh bài. Đến mức “trong vòng mươi, mười lăm năm trở lại đây, dân chúng trong thành phố đâm ra sợ tất cả. Sợ nói to, sự gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ,…” Bê-licốp quả là đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả thành phố nơi hắn sống.

Tóm lại, Bê-li-cốp là một nhân vật điển hình sắc nét mà Sê-khốp đã xây dựng thành công trong truyện ngắn này – kiểu “người trong bao”, một sản phẩm của xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế bảo thu nặng nề cuối thế kỉ XIX.

READ:  Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử

2. Thái độ và tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp

– Trước hết, cần tìm hiểu vì sao Bê-li-cốp chết? Cú ngã lộn nhào xuống cầu thang do Cô-va-len-cô xô mạnh có thể xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của hắn (sau đó “hắn lên giường nằm và không bao giờ dậy nữa”), nhưng nguyên nhân sâu xa chính là do lối sống “trong bao” của hắn. Cô-va-len-cô cãi nhau, xô xát với hắn cũng vì lối sống này, và Va-len-ca cười phá lên khi nhìn thấy hắn lăn xuống cầu thang cũng vì lối sống đó: “điều này đối với Bê-li-cốp là kinh khủng hơn cả” bởi nó đã biến thành trò cười cho thiên hạ. Và chính cái tiếng cười của cô đã chấm dứt tất cả: chấm dứt chuyện cưới xin, chấm dứt cả cuộc đời của Bê-li-cốp.

– Lúc hắn còn sống, tuy mọi người đều sợ, nhưng trong thâm tâm, họ coi thường và xa lánh hắn bởi họ không ưa gì lối sống “trong bao” của hắn. Cuộc đụng độ giữa Côva-len-cô và hắn đã nói rõ điều đó. Cho nên, khi hắn chết, “từ nghĩa địa trở về, lòng chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái”. Điều đó có nghĩa là mọi người đều chán ghét lối sống “trong bao”, chán ghét kiểu “người trong bao” như hắn.

3. Ý nghĩa tư tưởng – nghệ thuật của biểu tượng “cái bao” và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

a) “Cái bao” ở đây là cái vỏ bọc để con người chui vào đấy mà sống một cách bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ. “Cái bao” dùng để che chắn, chống đỡ, ngăn cách, bảo vệ con người khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Hình tượng “cái bao” gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm nhận, lại mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Biểu tượng “cái bao” gắn liền với hình tượng “người trong bao” để chỉ một lối sống của con người.

b) Từ đó, có thể khái quát chủ đề tư tưởng của truyện ngắn Người trong bao như sau: Qua hình tượng nhân vật “người trong bao” Bê-li-cốp, Sê-khốp phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX và thức tỉnh mọi người: “Không thể sống như thế mãi được!”

4. Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm

– Giọng kể chậm rãi, vừa giễu cợt châm biếm mỉa mai, vừa u buồn, phù hợp với câu chuyện và nhân vật.

– Chọn người kể chuyện là Bu-rơ-kin, đồng nghiệp của Bê-li-cốp – nhân vật “người trong bao” – là thích hợp, kể ở ngôi thứ nhất để tăng thêm tính chân thật cho câu chuyện.

– Đặc sắc nhất là nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của Sê-khốp. Nhà văn đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật để khắc đậm tính cách nhân vật Bê-li-cốp:

+ Miêu tả chân dung, thói quen, sinh hoạt của nhân vật.
+ Lời đối thoại trực tiếp của nhân vật
+ Lời độc thoại của nhân vât

+ Lời người người kể chuyện – nhân vật Bu-rơ-kin.
+ Chọn được những chi tiết “đắt” để khắc họa tính cách nhân vật.

5. Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn “Người trong bao”

Các em suy nghĩ, đề xuất ý kiến riêng của mình về ý nghĩa thời sự của tác phẩm.

II. LUYỆN TẬP

Bài tập 1 và 2: Các em tự làm theo suy nghĩ riêng của mình.

Bài tập 3: Các dòng A, C, E có thể thay thế cho nhan đề của văn bản truyện ngắn. Các em cho biết lí do vì sao các dòng này có thể thay thế được nhan đề “Người trong bao”?

Bài tập 4: Ví dụ: Mũ ni che tai, Trùm chăn kín đầu,… Các em tìm thêm các thành ngữ, tục ngữ khác.