Soạn bài Nỗi sầu oán của người cung nữ

NỖI SẦU OÁN CỦA NGƯỜI CUNG NỮ

(Trích Cung oán ngâm – NGUYỄN GIA THIỀU)

A – TÌM HIỂU VỀ TÁC GIẢ

1. Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798), hiệu là Ôn Nh­ư, làm quan được phong tước hầu, nên còn gọi là Ôn Như Hầu, quê ở làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc, (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Từ nhỏ Nguyễn Gia Thiều đã được cậu ruột là chúa Trịnh Doanh đón vào cung để ăn học, đến khi trưởng thành lại từng giữ nhiều chức quan ở phủ chúa; cho nên, ông có điều kiện hiểu rõ thói hoang dâm vô độ của vua chúa, cùng cảnh sống bi thảm của biết bao cung nữ.

2. Nguyễn Gia Thiều là một tài năng đa dạng. Ông nổi tiếng là người thông minh học rộng, văn võ toàn tài. Theo các tài liệu cũ để lại, ngoài hiểu biết sâu rộng về văn học, sử học, triết học, đặc biệt Nguyễn Gia Thiều còn là một người tinh thông nhiều bộ môn nghệ thuật. Về sáng tác văn học, Nguyễn Gia Thiều có hai tập thơ chữ Hán: Ôn như thi tập (tiền, hậu tập), nay chưa tìm thấy. Sáng tác bằng chữ Nôm có Tây Hồ thi tập và Tứ Trai tập, cũng bị thất lạc, nay chỉ còn Cung oán ngâm.

3. Cung oán ngâm là bài ca ai oán của người cung nữ có tài sắc, được vua yêu chuộng, nhưng chẳng bao lâu bị ruồng bỏ. Ở trong cung, nàng xót thương cho thân phận của mình và oán trách nhà vua phụ bạc. Qua khúc ngâm, tác giả còn gửi gắm quan niệm của mình về cuộc đời bạc bẽo, phù du. Cả khúc ngâm dài 356 câu song thất lục bát, thể hiện một ngôn ngữ tài hoa đài các, nhiều chữ Hán và điển cố.
Với nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh, cách ví von, so sánh,… đặc sắc, đoạn trích Nỗi sầu oán của người cung nữ (trích từ câu 209 đến câu 244 trong Cung oán ngâm) đã thể hiện một cách sâu sắc thân phận bi thảm của người cung nữ thời xưa, qua đó bộc lộ tấm lòng nhân đạo của tác giả.

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tìm hiểu bố cục đoạn trích

Gợi ý: Có thể chia đoạn trích thành 2 đoạn.

Đoạn 1 (bốn khổ thơ đầu): Cuộc sống tồi tàn của cung nữ đối lập với cảnh xa hoa tráng lệ ở nơi cung cấm.
Đoạn 2 (năm khổ thơ cuối): Cung nữ thất vọng nặng nề trong cảnh ngày ngóng đêm trông.

2. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả không gian và thời gian

Gợi ý:

Cách miêu tả rất khéo léo, không gian nơi cung cấm, thời gian ban đêm phù hợp với việc đặc tả tâm trạng của cung nữ đang cô đơn sầu tủi và oán hờn. Không gian cụ thể được nhắc tới ở đây là “lầu đãi nguyệt”, “gác thừa lương”, “phòng tiêu”,… nơi cung nữ đứng ngồi không yên, bồn chồn ra vào trông ngóng. Mong ngày, mong đêm, hi vọng rồi lại thất vọng. Những chuỗi ngày nặng nề đó khiến cung nữ mỏi mòn, đau khổ.

READ:  Soạn bài Văn bản (Tiếp theo)

3. Cách dùng hình ảnh so sánh trong đoạn trích có gì đặc sắc?

Gợi ý:

Cung nữ so sánh mình như bông hoa đẹp nỡ bị vua lãng quên, nghe sao mà chua xót:

Hoa này b­ướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng !

Cung nữ còn so sánh cuộc sống bị quên lãng đó chẳng khác nào bị vua giết dần, giết mòn, dẫu không phải giết bằng g­ươm sắc nhưng “cái u sầu” ấy có độc tố còn khủng khiếp hơn g­ươm sắc:

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu, độc ch­ưa !

Hình ảnh thơ là sự lên tiếng của nỗi uất hận, sầu oán của cung nữ đối với chế độ cung tần mĩ nữ độc ác đương thời. Quả là, cung cấm đã là mồ chôn biết bao nhan sắc vô tội. Nỗi oán sầu lên đến đỉnh điểm thì cung nữ muốn bứt phá:

Đang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !

4. Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ để thể hiện tâm trạng nhân vật

Gợi ý:

Tác giả đã lựa chọn được những ngôn từ rất đắt trong việc biểu đạt tâm trạng cung nữ, khi thì dùng từ Hán Việt, khi dùng điển tích, lúc dùng ngôn ngữ bình dân. Tất cả đều có chọn lọc, giàu sức biểu cảm và đạt hiệu quả nghệ thuật cao.

– Những từ ngữ có sức gợi cảm mạnh mẽ: “Chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi”, “Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi”, “Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng”, “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, – Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa !”.

– Những từ Hán Việt thường được đặt cạnh những từ nôm na, với dụng ý làm nổi bật sự đối lập giữa cuộc sống tồi tàn, lạnh lẽo với cảnh xa hoa tráng lệ ở nơi cung cấm:

– Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
– Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
– Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng…

5. Chỉ ra diễn biến tâm trạng cung nữ trong đoạn trích

Gợi ý:

Cung nữ bị vua bỏ rơi, sống trong cảnh tồi tệ khác xa cuộc sống xa hoa nơi vua ở (4 khổ đầu). Tiếp đó là cảnh đày ải kéo dài với những thất vọng nặng nề mà cung nữ phải gánh chịu mỗi ngày, mỗi đêm (5 khổ tiếp).

READ:  Tìm hiểu ca dao hài hước, châm biếm

Nỗi thất vọng của người cung nữ có lúc được đẩy lên đến đỉnh điểm, bộc lộ thành nỗi buồn u ám, nặng nề, tăm tối đè nặng đến nghẹt thở:

Lạnh lùng thay giấc cô miên,
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.

Có khi lại thành ra nỗi nỗi buồn thương đến quằn quại, tức tối:

Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng.

Có khi mạnh mẽ thể hiện ý muốn bứt phá để thoát ra khỏi cảnh bị giam hãm:

Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!

6. Thân phận bi thảm của người cung nữ được phản ánh như thế nào?

Gợi ý:

Bị bỏ rơi, người cung nữ hết ngày lại đêm đứng tủi ngồi sầu, khắc khoải ngóng trông trong vô vọng. Trong tình cảnh ấy, người cung nữ ý thức rất rõ về thân phận mình và kẻ đã gây tai hoạ khủng khiếp cho đời mình. Một con người đã bị giết chết không phải bằng gươm sắc mà bằng cách kéo dài cuộc sống đày ải trong cảnh chăn đơn gối chiếc, cửa mốc sân rêu.

7. So sánh tâm trạng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm với tâm trạng của cung nữ ở đoạn trích Nỗi sầu oán của người cung nữ.

Gợi ý:

Cả hai nhân vật trữ tình này đều sống trong nhớ nhung, sầu muộn, đều đau đáu đợi chờ trong cô đơn và buồn tủi nhưng tâm trạng họ vẫn có điểm khác nhau. Người chinh phụ tuy lẻ loi, buồn nhớ cùng cực mà vẫn nhẫn nhục, cam chịu; còn người cung nữ có ý thức xã hội rõ hơn, bộc lộ thái độ lên án, tố cáo mạnh mẽ, dữ dội hơn. Thực chất, điều đó có xuất phát từ sự khác nhau về tình cảnh: người cung nữ là người bị bỏ rơi, bị chà đạp, còn người chinh phụ chỉ là người vì hoàn cảnh mà xa chồng.

8. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX, do chiến tranh liên miên, chế độ phong kiến thối nát, nổi lên nhu cầu khẳng định quyền sống con người. Nhu cầu ấy biểu hiện ra bằng niềm ai oán trước số phận bất công, bất hạnh và cảm hứng thương thân. Đó là khuynh hướng nhân đạo thể hiện trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều và nhiều sáng tác thuộc thể loại khác, như thơ của Hồ Xuân Hương,…