Soạn bài Sông nước Cà Mau

SÔNG NƯỚC CÀ MAU

Đoàn Giỏi

I. VỀ TÁC GIẢ

Đoàn Giỏi (1925-1989) là tên khai sinh, ngoài ra nhà văn còn có các bút danh: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư; quê quán: Châu Thành, Tiền Giang.

Trong những năm chống thực dân Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. Tập kết ra Bắc, từ năm 1955 ông chuyển sang làm công tác sáng tác và biên tập sách báo. Đoàn Giỏi là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III.

Tác phẩm đã xuất bản: Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ, 1947), Khí hùng đất nước (kí, 1948), Những dòng chữ máu Nam Kì 1940 (kí, 1948), Đường về gia hương (truyện, 1948), Chiến sĩ Tháp Mười (kịch thơ, 1949), Giữ vững niềm tin (thơ, 1954), Trần Văn Ơn (truyện kí, 1955), Cá bống mú (truyện, 1956), Ngọn tầm vông (truyện kí, 1956), Đất rừng phương Nam (truyện, 1957), Hoa hướng dương (truyện ngắn, 1960), Cuộc truy tìm kho vũ khí (truyện, 1962), Những chuyện lạ về cá (biên khảo, 1981), Tê giác giữa ngàn xanh (biên khảo, 1982).

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Bài văn miêu tả sông nước vùng Cà Mau ở cực nam của Tổ quốc.

Trình tự miêu tả thể hiện trong bài văn là: bắt đầu từ cảm tưởng chung, thông qua sự quan sát thiên nhiên Cà Mau – tác giả đi đến những nét đặc tả kênh rạch, sông ngòi và nét độc đáo của cảnh chợ Năm Căn họp trên mặt nước.

Theo trình tự miêu tả như trên, có thể thấy bố cục của bài văn gồm ba đoạn:

– Đoạn 1 (Từ đầu đến “lặng lẽ một màu xanh đơn điệu”): Cảm tưởng chung về thiên nhiên Cà Mau.
– Đoạn 2 (Tiếp theo đến “khói sóng ban mai”): Đặc tả kênh, rạch Cà Mau và con sông Năm Căn rộng lớn.
– Đoạn 3 (Còn lại): Đặc tả cảnh chợ Năm Căn.

Đọc bài văn, có thể hình dung vị trí của người miêu tả là ngôi thứ nhất “tôi” (ngồi trên thuyền) – tức người chứng kiến và cảm nhận quang cảnh sông nước Cà Mau. Vị trí ấy rất thuận lợi cho việc quan sát và miêu tả vì những hình ảnh và suy nghĩ được thể hiện trực tiếp bằng con mắt của “người trong cuộc”. Với vị trí quan sát của người trên thuyền, các hình ảnh miêu tả được hiện ra trong bài văn như một cuốn phim thật sinh động: nhiều màu sắc, cảnh trí đan cài và giàu cảm xúc.

2. Trong đoạn văn (từ đầu đến “lặng lẽ một màu xanh đơn điệu”) tác giả đã diễn tả ấn tượng ban đầu bao trùm về vùng sông nước Cà Mau. ấn tượng ấy là ấn tượng choáng ngợp (thể hiện qua các từ ngữ có tính cường điệu: kênh rạch càng bủa giăng chi chít, trên thì… dưới thì… chung quanh… cũng chỉ…). ấn tượng ấy được cảm nhận qua thị giác, thính giác và vị giác – đặc biệt là cảm giác đơn điệu về màu xanh và …tiếng rì rào bất tận… của rừng, của sóng. ấn tượng ấy được thể hiện qua các câu văn dài ngắn xen kẽ, biến hoá linh hoạt: vừa tả vừa kể, tạo ra một mạch văn trữ tình lôi cuốn.

READ:  Từ và cấu tạo của từ tiếng Việt

3. Qua đoạn văn tác giả nói về cách đặt tên cho các vùng đất, con kênh ở vùng Cà Mau cho thấy: các địa danh ở đây được đặt tên rất giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Cách đặt tên như thế cũng thể hiện đặc điểm của thiên nhiên vùng Cà Mau.

4. Trong đoạn văn từ “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua đến sương mù và khói sóng ban mai”:

+ Những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước:

– Nước ầm ầm đổ ra biển nagỳ đêm như thác
– Con sông rộng hơn ngàn thước
– Cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

+ Trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn” có các động từ: thoát qua, đổ ra, xuôi về chỉ cùng một hoạt động của con thuyền.

Nếu thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu thì sẽ không thể hiện được các trạng thái hoạt động rất phong phú của con thuyền trong các hoàn cảnh khác nhau.
Trong câu này, tác giả sử dụng từ ngữ rất chính xác và tinh tế, bởi vì:

– thoát qua: diễn đạt sự khó khăn mà con thuyền vừa phải vượt.
– đổ ra: chỉ trạng thái con thuyền từ sông nhỏ đến với dòng sông lớn,
– xuôi về: diễn tả trạng thái nhẹ nhàng của con thuyền xuôi theo dòng nước.

+ Những từ miêu tả màu sắc của rừng đước: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ. Qua những từ đó, vừa thấy được khả năng quan sát và phân biệt các sắc độ của tác giả rất tinh tế, đồng thời cũng thấy được sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của loài đước.

5. Trong bài văn, sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh đặc sắc của cảnh chợ Năm Căn:

– Sự tấp nập, đông vui, trù phú: túp lều lá thô sơ, những ngôi nhà gạch hai tầng, những đống gỗ cao như núi, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, những bến vận hà nhộn nhịp, những lò than hầm gỗ, những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng-sông chiếu rực,…
– Sự độc đáo của chợ Năm Căn: chợ họp ngay trên sông, chỉ cần cập thuyền lại với nhau là có thể mua bán đủ thứ tiêu dùng và ẩm thực. Đây còn là nơi hội tụ đông vui của những người bán vải, bán rượu đến từ nhiều vùng, có nhiều giọng nói, trang phục khác nhau…

6. Qua cách miêu tả từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, tả xen kể… cùng với việc sử dụng các từ ngữ gợi cảm tinh tế của tác giả, có thể cảm nhận được vẻ đẹp trù phú của vùng sông nước Cà Mau. Đó là một nơi có khung cảnh thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ – nơi có những dòng sông rộng lớn và rừng đước bạt ngàn; đồng thời đó cũng là nơi có cảnh chợ Năm Căn đặc sắc, tấp nập đông vui.

READ:  Soạn bài Thứ tự kể trong văn tự sự

III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tóm tắt

Bài văn miêu tả cảnh quan thiên nhiên, sông nước vùng Cà Mau, mảnh đất tận cùng phía nam của Tổ quốc. Cảnh thiên nhiên ở đây thật rộng lớn, hoang dã và hùng vĩ, đặt biệt là những dòng sông và rừng đước. Cảnh chợ Năm Căn là hình ảnh trù phú, độc đáo, tấp nập về sinh hoạt của con người ở vùng đất ấy.

2. Cách đọc

Đoạn văn được viết chủ yếu theo lối miêu tả (tả cảnh, tả người, tả cảnh sinh hoạt). Những đoạn tả cảnh vật cần đọc chậm rãi. Hãy hình dung mình đang ngồi trên con thuyền của tác giả, chầm chậm lướt qua các kênh, rạch, những cảnh vật ở hai bên bờ sông. Đoạn tả cảnh chợ Năm Căn tấp nập, đông vui có thể đọc nhanh hơn, diễn tả không khí sôi động với những âm thanh náo nức, những màu sắc sặc sỡ ở nơi này.

3. Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau đã học.

Gợi ý: Tham khảo đoạn văn sau.

Dưới ngòi bút tài tình của nhà văn Đoàn Giỏi, cả vùng Cà Mau hiện lên thật là sinh động. Cảnh vật biến hoá, màu sắc biến hoá. Những dòng sông, kênh, rạch, rừng đước và cả khu chợ Năm Căn nữa hiện lên vừa hùng vĩ, hoang sơ, vừa dạt dào sức sống, cảnh xa lạ mà vẫn gợi bao yêu mến, nhớ thương. Thiên nhiên Cà Mau bao la, hào phóng; con người Cà Mau mộc mạc, hồn hậu, dễ thương. Đọc những trang văn của Đoàn Giỏi, ta có cảm giác như đang đi giữa sông nước Cà Mau, tận hưởng hương rừng Cà Mau, đến chơi chợ Năm Căn, dừng lại, bước lên những ngôi nhà bè xem và mua một vài món quà lưu niệm. Ôi! Cái cảm giác được chu du giữa cả một miền sông nước như thế mới thú vị biết bao.

4. Kể tên một vài con sông ở quê hương em hoặc địa phương mà em đang ở, giới thiệu vắn tắt về một trong những con sông ấy.

Gợi ý:

– Tuỳ từng miền địa lí, học sinh tự kể những con sông của quê mình.
– Khi viết đoạn giới thiệu về một con sông, cần chú ý chỉ ra những nét đặc trưng riêng của con sông quê mình (cảnh vật, những sinh hoạt thường nhật trên sông,…)

Bạn vừa xem nội dung Soạn bài Sông nước Cà Mau, các bài soạn Ngữ Văn lớp 6 được trình bày đầy đủ trong chuyên mục Soạn bài Ngữ văn lớp 6, hoặc bạn có thể xem thêm chuyên mục Những bài văn mẫu lớp 6. Chúc bạn học tốt môn Ngữ Văn.