Soạn bài Tôi yêu em – Pu-skin

TÔI YÊU EM

(A.X.PU-SKIN )

I/ KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Tác giả

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga”, là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không những trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga”. (N.A.Đô-brô-liu-bốp).

Thiên tài văn học của Pu-skin thể hiện trên nhiều thể loại. Ngoài hơn 800 bài thơ tình, ông còn viết tiểu thuyết bằng thơ Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga, được xem là một kiệt tác của văn học thế giới, bi kịch lịch sử hoành tráng Bô-rít Gô-đu-nốp, nhiều trường ca sâu lắng tRu-xlan và Li-út-mi-la, Người tù Cápca-dơ những truyện ngắn xuất sắc (Cô tiểu thư nông dân, Con đầm pích,…), những ngụ ngôn thâm trầm và truyện cổ tích thơ nổi tiếng,…

Các sáng tác phong phú của Pu-skin đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn nhân dân Nga khao khát tự do và tình yêu. Ở thể loại nào, văn chương Pu-skin cũng luôn là một tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực. Pu-skin là niềm vinh quang kiêu hãnh của nhân dân Nga, hiện thân đầy đủ nhất của sức mạnh tinh thần dân tộc Nga.

B. Tác phẩm: Tôi yêu em

Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin. Bài thơ vốn không tên, nhan đề Tôi yêu em là do người dịch đặt.

Bài thơ được viết năm 1829, xuất phát từ một mối tình có thực (nhưng không thành) của nhà thơ. Tác phẩm không dừng lại ở mối tình cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa của thi sĩ, mà gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu.

Bài thơ ngắn, chỉ có hai khổ, mỗi khổ là một phần của tác phẩm:

Ở khổ 1, nhân vật trữ tình – tôi (tác giả), khẳng định tình yêu vẫn còn nhưng không muốn gây phiền muộn cho người mình yêu; ở khổ 2, là những cung bậc khác nhau của tinh yêu và lời khẳng định tình yêu đằm thắm, chân thành của mình, lời cầu chúc một tình yêu tốt đẹp cho người mình yêu. Hai khổ thơ liên kết với nhau trong mạch trữ tình của bài thơ, các cảm xúc của thi nhân diễn biến một cách chân thực, phức tạp nhưng hợp lí và tất cả đều được thể hiện tinh tế và có chiều sâu trong tác phẩm.

1. Điệp khúc tôi yêu em làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

Tám dòng thơ mà có đến ba lần điệp khúc tôi yêu em được láy đi láy lại ở dòng 1, 5, 7 và từng dòng thơ để nhấn mạnh ý. Điệp khúc tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ, nó vang lên như tiếng lòng say đắm, mãnh liệt, vững bền của tình yêu thi sĩ đối với người yêu. Phải yêu chân thành, say đắm. Thì mới láy lại ba lần cái điệp khúc ấy trong một bài thơ ngắn. Bài thơ dường như là lời từ giã cho một mối tình không thành. Đúng là như vậy. Pu-skin đã yêu một thiếu nữ đẹp tên là A.A.Ô-lê-nhi-a, và mùa hè năm 1828, nhà thơ ngỏ lời cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Và bài thơ tôi yêu em ra đời năm 1829 là lời từ giả cho mối tình vô vọng ấy. Đây là lời từ giã của cả lí trí và tình cảm của nhà thơ.

Nếu bốn câu thơ đầu, cảm xúc bị ghìm nén do lí trí chi phối, thì ở bốn câu thơ sau, mạch cảm xúc lại tuôn trào, không tuân theo mệnh lệnh của lí trí để khẳng định một tình yêu mãnh liệt không che giấu của nhà thơ. Lời từ giã thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng nhưng vẫn đầy ắp một tình yêu nồng cháy, đằm thắm vang lên trong điệp khúc tôi yêu em tha thiết, vững bền. Vậy là từ giã mà vẫn yêu, càng yêu mãnh liệt, nhưng phải từ giã để không làm phiền muộn đến người mình yêu, và nhất là để cầu mong cho người yêu được hạnh phúc trong tình yêu. Bởi thế tuy có buồn nhưng đây là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Trong lời từ giã này có cái điềm tĩnh, đúng đắn của lí trí và cả cái cao thượng, đẹp đẽ của tình cảm. Một lời từ giã như vậy, không chỉ cao đẹp cho riêng nhà thơ, mà nó còn vươn tới những giá trị tinh thần cao cả của loài người.

READ:  Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 11

2. Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế qua sự chuyển biến của giọng điệu trữ tình trong bài thơ:

– Từ hai câu 1-2 sang hai câu 3-4:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng, không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Chú ý sẽ thấy hai cặp thơ diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đây có sự “đấu tranh” giữa tình cảm và lí trí. Hai câu 1 – 2, giọng thơ có chút gì như cân nhắc, dè dặt (chừng có thể, chưa hẳn) nhưng vẫn là một sự khẳng định trong tình cảm của nhà thơ: Tình yêu em vẫn “chưa tắt hẳn trong lòng tôi” (nguyên bản tiếng Nga). Tình yêu ấy âm thầm, dai dẳng, nhưng vững bền của một trái tim chung thủy, không phải là sự đam mê bột phát vụt lóe sáng rồi lụi tàn ngay. Mạch thơ chuyển đột ngột:

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Rõ ràng ở đây đã có sự can thiệp của lí trí khiến cảm xúc phải ghìm nén lại. Nguyên văn ghi rõ: “Nhưng mong sao nó không làm em băn khoăn thêm nữa, tôi chẳng muốn làm em buồn vì bất cứ lẽ gì” nói lên một điều dứt khoát trong suy nghĩ của nhân vật trữ tình: cần phải dập tắt ngọn lửa tình yêu (dù chỉ là âm thầm, dai dẳng) để tránh cho em phải bận lòng và chẳng muốn làm em buồn. Điều quan trọng không phải là tình yêu của nhà thơ mà là sự yên tĩnh, thanh thản của “hồn em”, của người mình yêu: đó mới là cái cao thượng trong tình yêu của tác giả.

– Từ hai câu 5-6 sang hai câu 7-8:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Ở khổ thơ này, mạch cảm xúc lại tuôn trào, không bị dồn nén như ở khổ đầu. Điệp khúc tôi yêu em được láy lại ba lần thì khổ này chiếm hết hai chính là vì thế! Hai câu 5-6 bộc lộ rõ mối tình đơn phương của nhà thơ: một tình yêu âm thầm, không hi vọng. Đó là tình yêu “rất con người” với mọi sắc thái muôn thuở: có nỗi đau khổ âm thầm, có niềm tuyệt vọng chua xót, và nhất là cũng rụt rè, ghen tuông như mọi người đàn ông khác. Nhân vật trữ tình không ngại ngần mà chân thành bày tỏ, thú nhận những cái “đời thường” trong tình yêu mà ai cũng có, cũng bị giày vò. Câu thơ dịch khá đạt “khi hậm hực lòng ghen”, nhưng ý thơ trong nguyên tác còn rõ hơn.

READ:  Soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Khi thì bị sự rụt rè, khi thì bị niềm ghen tuông giày vò; bị giày vò như vậy, diễn biến tâm trạng của nhà thơ sẽ ra sao? Người đọc bỗng ngạc nhiên và thú vị trước một ý thơ mới lạ, vượt lên trên thực tế đời thường của tình yêu con người để vươn tới một tình yêu cao thượng, đẹp đẽ, hiếm có:

Tôi yêu em, yêu chân thành, đầm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Điệp khúc tôi yêu em được láy lại lần thứ ba để khẳng định bản chất của mồi tình này – Dù nó chỉ là mối tình đơn phương của nhà thơ – trong hai chữ: chân thành, đằm thắm. Đó là một nét đẹp cần ghi nhận. Nhưng còn đẹp hơn nừa là lời cầu mong tha thiết, đầy vị tha của thi nhân đối với người mình yêu mà không được đền đáp:

Tôi (đã) yêu em chân thành, đằm thẳm đến mức. Cầu trời cho em được người khác yêu em cũng như thế. (dịch nghĩa)

Cái đẹp nằm trong mối liên hệ của hai câu thơ: chính vì yêu em chân thành, đằm thắm nên mới cầu mong em có được một người yêu em cũng chân thành, đằm thắm như mình. Mọi suy nghĩ của nhà thơ đều hướng về người yêu, mong người yêu được hạnh phúc. Điều này không dễ ai cũng có được như Pu-skin trong mối tình vô vọng đó.

3. Hai câu cuối thật bất ngờ chứa nhiều ý vị. Điều này đã được đề cập đến trong câu 2. Ở đây chỉ nhấn mạnh một số điểm:

– Bất ngờ vì nó không giống tình yêu của đa số con người trong đời thường mà đã vượt lên đến một tầm cao hơn, đẹp hơn. Hoàn cảnh của Pu-skin có thể gọi là trớ trêu: yêu mà không được đền đáp. Tình yêu khi không được đền đáp thường là nỗi khổ đau, dễ đưa đến lòng tự ái, hận thù. Nhưng nếu đó là một tình yêu chân thành, đằm thắm, nhân hậu, thì dù bị cự tuyệt, con người vẫn có thế có những xử sự cao thượng. Ớ góc độ xử thế như là một nét văn hóa của con người mà chính là bản chất của tình yêu, sức mạnh của tình yêu đã khiến thi nhân có lời cầu mong ấy một cách thật tự nhiên như là điều tất yếu vậy. Bởi vì khi đã thật sự yêu một con người thì bao giờ cũng muốn cho người đó được hạnh phúc cho dù mình khổ đau, bất hạnh, không được đền đáp trong tình yêu.

– Hàm chứa nhiều ý vị vì nó đem đến cho ta một điều thật mới lạ trong tình yêu, khẳng định một vẻ cao thượng của tình yêu con người. Cầu mong người yêu có hạnh phúc với người khác, nhưng người ấy cũng yêu chân thành, đằm thắm như mình: phải chăng đó chính là cái ý vị của câu kết? Cái ý thơ đó đã nâng con người thi nhân lên tầm cao hơn, đưa bài thơ của Pu -skin vươn tới những giá trị nhân văn mới trong kho tàng thơ tình nhân loại.

4. Cảm nghĩ về tâm hồn Pu-skin, về tình yêu mà bài thơ đã gợi ra

Câu này anh (chị) tự làm theo suy nghĩ riêng của mình. (Có thể trao đổi thêm trong nhóm, tố để cảm nghĩ được đầy đủ và sâu sắc hơn).