TÓM TẮT VĂN BẢN THUYẾT MINH
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Yêu cầu của việc tóm tắt văn bản thuyết minh
Để nắm chắc nội dung cơ bản của các văn bản thuyết minh và để dễ nhớ hoặc để tiện sử dụng, người ta thường tiến hành tóm tắt chúng với một nội dung thích hợp. Tóm tắt nghĩa là viết một văn bản ngắn gọn, trình bày chính xác những ý chính của văn bản được tóm tắt. Tóm tắt phải trung thành với nguyên bản.
2. Cách tóm tắt một văn bản thuyết minh
– Đọc kĩ văn bản cần tóm tắt, xác định ý chính
– Ghi lại những câu mang ý chính
– Trình bày lại bằng lời của mình về nội dung văn bản dựa theo các ý chính đã xác định
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm và ghi lại những câu mang ý chính của bài văn sau:
TRI THỨC VỀ VĂN HOÁ
“Sự hiểu biết về vũ trụ mênh mông, huyền bí luôn luôn là khát vọng cháy bỏng của con người. Ta là ai? Ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Đâu là điểm tựa cho đức tin duy trì sự trường tồn của nhân loại? Những câu hỏi huyết mạch muôn thủa ấy đã thôi thúc con người tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ, của vật chất, của không gian và thời gian. Và chính những quan niệm (hay là sự hiểu biết) ấy là nguồn gốc của mọi nền văn minh và văn hoá.
Trong suốt hơn năm chục vạn năm lịch sử của mình, loài người mới chỉ có hai lần may mắn được chứng kiến những thay đổi có tính cách mạng trong những quan niệm đó. Lần thứ nhất do nhà thiên văn học Ba Lan kiệt xuất, Cô-péc-ních (1473 – 1543), mở đầu bằng một kết luận khoa học bác bỏ quan điểm “Trái đất là trung tâm vũ trụ”. Kết luận ấy đã xé tan bức màn đen của đêm dài Trung cổ, đưa loài người sang thời kì Phục hưng. Đó chính là cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất với sự hình thành và phát triển vật lí – thiên văn cổ điển do công lao sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà khoa học, mà tiêu biểu là Kép-lơ (Ba Lan), Ga-li-lê (Ý) và Niu-tơn (Anh).
Anh-xtanh là người đột phá trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai, đúng vào lúc khoa học cổ điển tưởng chừng như sắp có thể hoàn chỉnh sự mô tả toàn bộ vũ trụ bằng giả thuyết chất ête (ether) tràn ngập không gian. Với trí tưởng tượng siêu đẳng và trực giác bẩm sinh, Anh-xtanh đã làm đổ vỡ nền móng của khoa học cổ điển bằng lập luân khoa học xác đáng, phủ nhận sự tồn tại của chất ête, và do đó phủ nhận luôn cả hai cái tuyệt đối của khoa học cổ điển (không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối) bằng Thuyết tương đối bất hủ của mình. Lúc đó, cả thế giới triết học lẫn khoa học đã chao đảo như có ai đó (hẳn là Anh-xtanh rồi !) rút mạnh tấm thảm dưới chân mình. Cùng với Thuyết lượng tử mà Anh-xtanh cũng đóng góp một phần không nhỏ, Thuyết tượng đối của riêng Anh-xtanh là phiến đá tảng của nền khoa học và công nghệ hiện đại – một trong vài ba nét đặc trưng quan trọng nhất của thế kỉ XX. Vì thế, Anh-xtanh đã được cộng đồng các nhà khoa học thế giới chọn làm biểu tượng của thế kỉ vừa qua – thế kỉ của khoa học và công nghệ…”.
(Theo Chu Hảo, tạp chí Tia sáng, 4 – 2000)
Gợi ý:
Bài văn gồm 3 đoạn, dưới đây là tóm lược những câu mang ý chính của các đoạn:
– Đâu là điểm tựa cho đức tin duy trì sự trường tồn của nhân loại?
– Cô-péc-ních bác bỏ quan điểm “Trái đất là trung tâm vũ trụ”, xé tan bức màn đen của đêm dài Trung cổ, đưa loài người sang thời kì Phục hưng.
– Anh-xtanh đã làm đổ vỡ nền móng của khoa học cổ điển bằng lập luân khoa học phủ nhận sự tồn tại của chất ête, và do đó phủ nhận luôn cả hai cái tuyệt đối của khoa học cổ điển (không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối) bằng Thuyết tương đối bất hủ.
2. Diễn đạt các ý chính của văn bản Tri thức về văn hoá thành văn bản tóm tắt.
Gợi ý:
– Dựa vào các câu then chốt đã tìm được ở trên để xác định ý chính của văn bản;
– Tham khảo văn bản tóm tắt sau:
Đâu là điểm tựa cho đức tin duy trì sự trường tồn của nhân loại? Đó là tri thức về thế giới. Chính tri thức về thế giới là cơ sở của mọi nền văn minh và văn hoá.
Cô-péc-ních bác bỏ quan điểm “Trái đất là trung tâm vũ trụ”, xé tan bức màn đen của đêm dài Trung cổ, đưa loài người sang thời kì Phục hưng.
Anh-xtanh đã làm đổ vỡ nền móng của khoa học cổ điển bằng lập luân khoa học phủ nhận sự tồn tại của chất ête, và do đó phủ nhận luôn cả hai cái tuyệt đối của khoa học cổ điển (không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối) bằng Thuyết tương đối bất hủ, đặt ra nền tảng cho khoa học và công nghệ hiện đại.
3. Tóm tắt phần Tiểu dẫn của bài Phú sông Bạch Đằng.
Trương Hán Siêu làm quan dưới bốn đời vua Trần, là người nổi tiếng về tài đức.
Bài Phú sông Bạch Đằng, một trong những bài phú viết bằng chữ Hán hay vào bậc nhất nước ta thời trung đại, vừa chứa chan lòng tự hào dân tộc, vừa đọng một nỗi đau hoài cổ và có tư tưởng triết lí.
Bài phú được viết theo lối cổ phú.