Sự tích cây Quất

Truyện cổ tích Việt Nam

SỰ TÍCH CÂY QUẤT

Ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ có ba người chơi thân cùng nhau từ nhỏ. Bạn nhỏ tên Thư rất thích ngâm thơ đọc sách. Bạn Mộc lại ham hái cỏ, trồng cây. Còn bạn Quân thì lại mê mẩn múa đao, đánh võ. Tuy nhiên, Quân từ nhỏ đã bị câm điếc, lúc muốn nói cho bạn điều gì đó, cậu đều phải dùng tay chân ra hiệu. Vì vậy mà tay chân của cậu vô cùng nhanh nhẹn, chỉ cần nhìn qua người ta cũng hiểu lời cậu muốn nói.

Quân ra ngoài xem được người ta đánh võ, múa đao thì đều về nhà tập theo. Cậu còn mang con dao nhỏ ở nhà ra để tập đánh võ. Vì thế mà bao nhiêu con dao trong nhà, không con nào không sứt mẻ. Sau đó cha mẹ cậu bèn đem hết những dao lớn cùng dao nhỏ giấu đi, rồi đưa cho con trai mấy cành tre nho nhỏ để tập.

Ngày qua ngày, thường thì cha mẹ cậu phải lên rừng chặt củi kiếm cơm, còn Quân thì mang roi, dắt trâu theo sau để kéo củi trở về nhà. Tuy không có dao nhưng cậu vẫn hăng say tập đánh, múa suốt ngày mà không thấy chán.

So với hai người bạn cùng lứa thì Quân lớn hơn hẳn, người cậu cao to và rất khỏe mạnh. Cây roi nhỏ giờ đã không vừa tay, vì vậy cậu lại lấy nhiều cây mây chập lại để luyện tập. Mỗi lần múa, ngọn roi trong tay cậu cứ vù vù hệt như gió bão. Nhiều khi vào rừng gặp phải trăn dữ, cậu chỉ vụt nhẹ một cái, con trăn liền đứt đôi. Khi gặp phải hổ ác, Cậu chỉ quật đúng một roi thì hổ liền toác cả đầu. Dân chúng quanh vùng ấy thấy Quân có tài quất roi thì quen gọi cậu là Quất Giỏi.

Một năm nọ, đất nước đang yên bình thì có tin báo rằng giặc ngoài kéo quân sang đánh chiếm. Bọn giặc đông như kiến, như sóng dữ ào ào kéo vào bờ cõi nước ta, chúng mang theo vô vàn vũ khí, xa trông lại cứ tua tủa y như rừng lau, rừng mía. Hơn nữa tên tướng phía quân giặc còn có phép tinh, dù có bị đao kiếm chặt vào thì ngay lập tức chỗ đứt sẽ liền ngay lại như chưa có chuyện gì. Nhà vua biết chuyện thì vội vàng hạ lệnh sai quân lính đi khắp nơi tìm người tài giỏi để dẹp giặc yên bờ cõi.

Quất Giỏi nghe tin vua tìm người liền xin cha mẹ cho phép mình lên kinh. Trước lúc cậu đi, Thư lấy cây bút đẹp nhất của mình tặng cậu. Còn Mộc thì đem túi gạo ngon nhất cho cậu.

READ:  Tú Uyên, Giáng Kiều

Nhà vua nhìn thấy Quất Giỏi tới bèn hỏi:

– Nhà ngươi liệu có sức để giết được tên tướng giặc bên kia không?

Quất giỏi không nghe thấy gì, lại tưởng vua đang hỏi mình cầm cái gì ở tay thì cậu liền giơ cây bút Thư tặng mình lên. Nhưng do trên đường đi xa, cậu đã vô tình làm rớt đầu cây bút từ lúc nào không hay.

Thấy vậy vị quan dẫn cậu tới liền thưa:

– Anh ta nói sẽ quyết chặt bay đầu tên tướng giặc.

Nhà vua lại tiếp tục hỏi:

– Bao lâu thì diệt được giặc?

Nghe lầm vua hỏi là mang gì trên vai, cậu bèn mở túi ra cho mọi người xem. Vị quan kia lại tâu lên:

– Anh ta nói khi ăn hết chỗ gạo này thì giặc sẽ hết.

Sau đó vua lại hỏi thêm là:

– Dẹp giặc xong, nhà ngươi muốn được thưởng gì?

Lại tưởng rằng vua hỏi mình kiếm đâu, cậu bèn giơ roi mây lớn của mình lên. Vị quan bên cạnh thấy ngọn roi mây của Quất Giỏi chỉ về phía cây chanh trĩu quả nên bẩm vua:

– Thưa bệ hạ, có lẽ biết cây chanh của bệ hạ ra quả vàng nên anh ta muốn xin?

Nhà vua nghe vậy cũng liền gật đầu và nói:

– Được! Ta không tiếc ngươi điều gì.

Xong xuôi, Quất Giỏi liền ra hiệu để vua chuẩn bị cho mình một roi sắt có ba cạnh, dài như cây tre nhưng nhỏ như roi mây. Sau đó cậu cưỡi voi, mang theo roi sắt ra trận.

Tướng giặc vừa lúc đó cũng cưỡi voi đem theo quân lính đến áp sát nơi kinh thành, khi thấy Quất Giỏi một mình một voi đi tới thì hắn liền vuốt râu cười khẩy:

– Nhãi con! Ngươi cầm roi để phủi bụi trên áo giáp của ta à?

Không để hắn dứt lời, Quất Giỏi đã vung roi vụt tới, tiếng roi rít nghe lạnh cả gáy. Và bên hông của tên tướng giặc chạm phải roi liền rách toác ra. Nhưng chỉ trong chớp mắt, da thịt hắn lại liền kín lại như bình thường.

Hắn tức giận liền vùng cây đại đao to hơn cái mái chèo của mình về phía đầu của Quất Giỏi mà chém xuống. Nhưng cậu đã kịp tránh né. Cậu lại nghiến chặt răng, dùng sức vung đường roi tiếp theo về phía tên kia. Bao nhiêu cây cối chung quanh đều rạp cả xuống như có gió lốc vừa ghé qua. Tướng giặc cũng đã cúi xuống và né được roi, nhưng vừa lúc hắn ngẩng đầu lên, đường roi thứ ba của Quất Giỏi nhanh như chớp mà tới khiến hắn không sao tránh kịp. Lãnh trọn một roi này, đầu tên tướng giặc rơi xuống, lăn lông lốc bên cạnh chân voi.

READ:  Người thợ may khôn ngoan

Nhà vua vô cùng mừng rỡ, làm yến tiệc đón tin Quất Giỏi đã thắng trận và trở về.

Khi vua hỏi: “Tên tướng giặc thực bay đầu rồi ư?”. Lúc này Quất Giỏi đột nhiên nghe được và nói được:

– Muôn tâu bệ hạ, tên giặc quả có phép tinh da thịt liền lại được, nhưng lại không thể liền đầu được!

Như lời hứa lúc trước, nhà vua đem cây chanh quý với những quả vàng lấp lánh ban thưởng cho Quất giỏi và dặn rằng:

– Nếu muốn có vàng thì cứ hái quả, còn nếu muốn đuổi rét kêu nắng hãy bẻ cành mà trồng sâu xuống dưới đất.

Được thưởng cây quý, Quất Giỏi liền cảm tạ ơn vua rồi trở về làng mình.

Năm ấy trời bỗng rét dữ, khi Quất Giỏi trở về đến quê nhà thì trông thấy lúa ngô của dân làng sắp hỏng hết đến nơi. Thư thì đang ốm nặng vì không chịu nổi rét lạnh. Còn Mộc thì suốt ngày lo lắng cho mấy cây cối mình trồng bởi vì rét mà sắp chết hết.

Thấy tình cảnh trên, Quất Giỏi không chần chừ thêm phút giây nào, cậu đem cây quý vua ban ra bẻ từng cành, từng cành mà cắm sâu vào lòng đất. Tự nhiên trời đang rét lạnh tan hết, mây mù đều bay đi hết. Sáng ra thì thấy trên cao mặt trời rực rỡ, nắng âm khắp nơi. Mọi người trong vùng đều khỏe mạnh trở lại. Cây cối khắp nơi cũng đâm chồi nảy lộc, chim chóc thì líu lo. Mọi người đều vô cùng mừng rỡ và lạ lùng vì sự này.

Từ ngày đó, Quất Giỏi cùng với hai người bạn của mình thân lại thêm thân, yêu thương nhau nhiều hơn nữa. Năm đó, nhờ chăm chỉ học hành mà Thư đỗ Trạng nguyên. Còn Mộc ham nghiên cứu cây cỏ thì tạo ra được một giống lúa mới hạt rất to, nấu cơm rất dẻo và thơm. Về phần Quất giỏi, cậu vẫn ngày ngày mang theo roi của mình lên rừng giết hết lũ thú dữ để dân làng có cuộc sống yên ổn để làm ăn, buôn bán.

Từ khi đó, hàng năm hễ vào mùa Đông, chỉ cần thấy cây chanh có quả vàng ra hoa kết quả là biết nắng lại về. Lúc Xuân sang, mọi người liền lấy tên của Quất Giỏi để đặt tên cho loài cây kia. Cây Quất xuất hiện từ đó.