1. Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc vào tháng 12-1946
Thành quả nổi bật của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là thiết lập được Chính quyền cách mạng.
Từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946, Đảng ta đã đề ra các chủ trương về các mặt chính trị, kinh tế, tăng cường đoàn kết toàn dân, giữ vững chính quyền. Để giữ vững hoà bình, Đảng ta đã đề ra sách lược hoà hoãn với Tưởng rồi hoà hoãn với Pháp bằng việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, đàm phán tại Hội nghị Phôngtennơblô và ký Tạm ước 14-9-1946.
Nhưng thực dân Pháp đã bội ước. Chiến sự ở miền Nam vẫn nổ ra gay gắt. Còn ở miền Bắc, chúng gây nhiều vụ khiêu khích trắng trợn, cụ thể là:
– Ngày 20-1-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn.
– Từ ngày 7 đến 15-12-1946, Pháp đánh chiếm Tiên Yên, Đình Lập, Hải Dương, Đà Nẵng.
– Ngày 18-12-1946, Pháp gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún, Hà Nội, đánh chiếm trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chính. Chúng còn gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi kiểm soát tình hình Hà Nội.
Trước hành động ngày càng lấn tới của địch, ta không thể nhân nhượng với chúng được nữa, vì nhân nhượng nữa là mất nước, quay lại cuộc đời nô lệ. Vì vậy, tối ngày 19-12-1946, Đảng và Chính phủ đã phát động toàn quốc kháng chiến.
2. Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống Pháp
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra “Chỉ thị toàn dân kháng chiến”. Hai văn kiện này đã nêu một cách khái quát nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến. Nội dung ấy được đồng khí Trường Chinh bổ sung, phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” năm 1947.
Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến thể hiện qua các văn kiện trên là:
– Cuộc kháng chiến nhằm vào kẻ thù chính là bọn thực dân phản động Pháp đang dùng vũ lực cướp lại nước ta, giành độc lập tự do và thống nhất thật sự, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân.
– Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là tiếp tục sự nghiệp của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nên nó có tính chất dân tộc giải phóng. Lúc này, nhiệm vụ giải phóng dân tộc là yêu cầu nóng bỏng và cấp bách nhất.
– Cuộc kháng chiến chống Pháp còn mang tính chất dân chủ mới. Trong quá trình kháng chiến, phải từng bước thực hiện cải cách dân chủ và thực chất của vấn đề dân chủ lúc này là từng bước thực hiện người cày có ruộng.
– Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính.
– Cuộc kháng chiến của ta là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc; đánh giặc bằng bất cứ thứ vũ khí gì có trong tay; đánh giặc ở bất cứ nơi nào chúng tới.
– Kháng chiến toàn dân là xuất phát từ so sánh lực lượng giữa ta và địch và xuất phát từ chân lý: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
– Kháng chiến trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá… nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.
– Kháng chiến lâu dài, tích cực phát triển lực lượng, tranh thủ giành thắng lợi ngày càng lớn. Kháng chiến lâu dài còn do tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch. Ta cần có thời gian để củng cố, xây dựng lực lượng, nhằm chuyển hoá so sánh lực lượng có lợi cho ta.
– Dựa vào sức mình là chính, trước hết phải độc lập về đường lối chính trị, chủ động xây dựng và phát triển thực lực của cuộc kháng chiến, đồng thời coi trọng sự viện trợ quốc tế.
– Vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân chủ mới trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội để có sức mạnh đưa kháng chiến đến thắng lợi và tạo tiền đề cần thiết cho xây dựng xã hội mới sau khi giải phóng đất nước.
Đường lối kháng chiến của Đảng là ngọn cờ hướng đạo quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ dẫn đến chiến công Điện Biên Phủ (1954).