Thế nào là tuần hoàn và chu chuyển của tư bản?

Thế nào là tuần hoàn và chu chuyển của tư bản? Những nhân tố nào làm tăng tốc độ chu chuyển tư bản? Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề này?

1. Tuần hoàn của tư bản.

– Mọi tư bản sản xuất trong quá trình vận động đều qua ba giai đoạn, tồn tại dưới ba hình thức và thực hiện ba chức năng. Giai đoạn I, tư bản mang hình thức tiền tệ, thực hiện chức năng mua các yếu tố sản xuất tư liệu sản xuất và sức lao động; Giai đoạn II, tư bản mang hình thức tư bản sản xuất, thực hiện chức năng sản xuất ra hàng hóa và tạo ra giá trị thặng dư; Giai đoạn III, tư bản mang hình thức tư bản hàng hóa với chức năng thực hiện giá trị và giá trị thặng dư.

– Sự vận động của tư bản qua ba giai đoạn, tồn tại dưới ba hình thức, thực hiện ba chức năng, rồi quay về hình thức xuất phát của nó, gọi là tuần hoàn của tư bản.

2. Chu chuyển của tư bản.

Nếu được xem xét như là quá trình định kỳ đổi mới diễn ra liên tục, lắp đi lắp lại, thì sự tuần hoàn của tư bản sản xuất được gọi là chu chuyển của tư bản. Chu chuyển của tư bản nói lên tốc độ vận động của tư bản nhanh hay chậm.

– Nhân tố làm tăng tốc độ chu chuyển của tư bản.

READ:  Cách mạng xã hội chủ nghĩa và nguyên nhân của nó?

Nghiên cứu tốc độ chu chuyển của tư bản, chúng ta cần nghiên cứu thời gian chu chuyển của tư bản. Thời gian chu chuyển của tư bản là khoảng thời gian từ khi tư bản ứng ra dưới một hình thức nhất định đến khi nó trở về hình thức đó nhưng có thêm giá trị thặng dư. Như vậy, để chu chuyển một vòng, tư bản phải trải qua hai giai đoạn lưu thông và một giai đoạn sản xuất. Do đó, muốn tăng tốc độ chu chuyển của tư bản phải giảm bớt thời gian lưu thông và thời gian sản xuất của nó. Muốn giảm bớt thời gian lưu thông, phải có phương tiện giao thông vận tải tốt, đầy đủ và thuận tiện; đồng thời, các sản phẩm sản xuất ra phải có giá trị sử dụng cao, giá thành hạ, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Muốn giảm thời gian sản xuất phải tăng năng suất lao động, giảm thời gian gián đoạn bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật v.v..

– Nghiên cứu chu chuyển của tư bản, cần hiểu được việc chu chuyển hai bộ phận giá trị của tư bản sản xuất là tư bản cố định và tư bản lưu động.

+ Tư bản cố định là bộ phận của tư bản sản xuất (nhà xưởng, thiết bị, máy móc) tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng giá trị của nó được chuyển dần dần vào sản phẩm. Tư bản cố định sử dụng lâu dài và bị hao mòn dần. Có hai loại hao mòn: hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Hao mòn hữu hình là hao mòn về giá trị sử dụng, do quá trình sử dụng và do tác động của tự nhiên mà bị hao mòn. Còn hao mòn vô hình là hao mòn về giá trị do quá trình hiện đại hóa của khoa học kỹ thuật, nhiều máy móc mới được sản xuất ra tốt hơn với giá rẻ hơn, làm cho máy móc cũ đang được sử dụng bị giảm giá trị ban đầu.

READ:  Cơ sở khách quan và những tác dụng của quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa

+ Tư bản lưu động là bộ phận của tư bản sản xuất (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phụ…) được tiêu dùng hoàn toàn trong một chu kỳ sản xuất và giá trị của nó được chuyển toàn bộ vào sản phẩm.

– Nghiên cứu chu chuyển của tư bản là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn trong việc sử dụng tiền vốn trong sản xuất và kinh doanh hợp lý, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Cần tăng tốc độ chu chuyển tư bản cố định, tận dụng tối đa công suất máy móc, thiết bị. Phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng để đưa công trình vào sản xuất càng sớm càng tốt.