Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính bao gồm các giai đoạn tố tụng cơ bản sau:

* Khởi kiện và thụ lý vụ án:

Khi khiếu nại những quyết định hành chính không được giải quyết hoặc những quyết định hành chính, hành vi hành chính , quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cán bộ, công chức đã được giải quyết lần đầu, những người khiếu nại không đồng ý thì họ có quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án có thẩm quyền.
Khi có đầy đủ các điều kiện và người kiện nộp tiền tạm ứng án phí làm phát sinh sự kiện pháp lý, toà án thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết.

* Chuẩn bị xét xử:

Sau khi thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải nghiên cứu hồ sơ và trong thời gian luật định phải ra được một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, đình chỉ việc giải quyết vụ án.

* Phiên toà sơ thẩm:

Phiên toà xét xử sơ thẩm được tiến hành công khai với sự có mặt của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, bản án và quyết định của phiên toà sơ thẩm chỉ có hiệu lực pháp luật khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị 10 ngày mà không có kháng cáo, kháng nghị. Còn nếu có kháng cáo, kháng nghị thì toà án sẽ xem xét để xét xử phúc thẩm.

READ:  Vi phạm hành chính và trách nhiệm hành chính - PLĐC

* Xét xử phúc thẩm:

Là phiên toà xét xử lại bản án hoặc quyết định của phiên toà sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà có kháng cáo hoặc kháng nghị. Sau khi xét xử toà án cấp phúc thẩm có quyền bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm, sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm, huỷ bản án, quyết định sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm xét xử lại, tạm đình chỉ giải quyết vụ án. sau khi xét xử phúc thẩm thì bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay.

* Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:

– Thủ tục giám đốc thẩm được áp dụng trong những trường hợp sau:

+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
+ Phần quyết định trong bản án, quyết định bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.
+ Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

READ:  Thẩm quyền và thủ tục xét xử vụ án hình sự - PLĐC

– Thủ tục tái thẩm được áp dụng trong trường hợp:

+ Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết trong khi giải quyết vụ án.
+ Đã xác định được lời khai của người làm chứng, kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch rõ ràng không đúng sự thật hoặc có giả mạo bằng chứng.
+ Thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký toà án cố ý làm sai lệch vụ án.
+ Bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước mà toà án dựa vào đó đã bị huỷ bỏ.