Tìm hiểu ca dao hài hước, châm biếm

I. GỢI DẪN

1. Ca dao là nơi nhân dân gửi gắm tâm sự. Đó là niềm vui, nỗi buồn, là tự hào, là cay đắng của những kiếp người. Ca dao còn là nơi kết tụ tinh hoa trí tuệ của nhân dân. Khi thì chế giễu kẻ lười biếng, khi thì chê cười những kẻ khoác lác. Có khi thì chế giễu một cách hài hước thói mê tín dị đoan qua hình ảnh của những ông thầy cúng, thầy địa lí.

Cùng với truyện cười, vè sinh hoạt, những bài ca dao hài hước, châm biếm đã thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam.

2. Chùm ca dao hài hước, châm biếm trong bài học thể hiện những tiếng cười châm biếm, phê phán xã hội – thể hiện tâm hồn lạc quan yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh trong cuộc sống vất vả lo toan của người dân khi xưa.

3. Cách đọc

Đọc nhấn giọng ở một số từ ngữ, thể hiện nổi bật đối tượng và tính chất hài hước, châm biếm trong các bài ca dao. Ví dụ ở bài Bắc thang lên đến cung mây, nhấn giọng ở các từ và cụm từ “cung mây”, “ấp cây cả đời”, “Cuội cười” ; bài Làm trai cho đáng nên trai nhấn giọng ở “làm trai”, “nên trai”, “đám cỗ”, “chẳng sai đám nào”, bài Anh hùng là anh hùng rơm nhấn giọng ở các từ “anh hùng rơm”, “cơn anh hùng”. ..

Tham khảo: Soạn bài Ca dao hài hước

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Về bài : Bắc thang lên đến cung mây,…

Hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa được giải thích một cách bất ngờ. Khác với chú Cuội trong truyện Chú Cuội ngồi gốc cây đa đáng thương, ở bài ca dao này, chú Cuội đã được “lạ hoá”, mang ý nghĩa hài hước : “ấp cây cả đời” vì cái tật hay nói dối.

Cái cười và lời đáp của Cuội cho thấy tính cách hài hước, láu lỉnh của nhân vật này đã trở thành yếu tố cố định trong tâm thức dân gian. Cuội biết rõ mình bị phạt vì tội hay nói dối và dường như không hề thấy buồn bực, ân hận gì nhiều lắm về điều này. Tiếng cười hài hước đi liền với hình ảnh so sánh có ý nghĩa phê phán : “nói dối như Cuội”.

2. Về các bài :

– Làm trai cho đáng nên trai,…

– Làm trai cho đáng sức trai,…

– Anh hùng là anh hùng rơm,…

Quan niệm của nhân dân ta về “Làm trai cho đáng nên trai”, “Làm trai cho đáng sức trai” khác hẳn với quan niệm trong những bài ca dao này. Đó là quan niệm “làm trai”, “sức trai” không tách rời với sự khẳng định, tin tưởng vào bản lĩnh, sức mạnh, ý chí xông pha. Có thể so sánh quan niệm về “Làm trai cho đáng nên trai”, “Làm trai cho đáng sức trai” trong những bài ca dao trên với một số bài ca dao sau :

– Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.

– Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.

– Làm trai quyết chí tang bồng,

Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.

Như vậy, trong các bài ca dao hài hước trên, dân gian đã “nói ngược” với quan niệm tích cực thông thường để tạo ra tiếng cười châm biếm.

Để tạo nên tiếng cười châm biếm, tác giả dân gian đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc :

– Biện pháp đối lập (hay còn gọi là tương phản) : biện pháp này chính là cơ sở cho lối nói ngược đã nói đến ở trên.

– Biện pháp ngoa dụ (hay còn gọi là phóng đại, nói quá), cường điệu quá mức bình thường những hiện tượng châm biếm tạo ra chân dung hài hước, tô đậm ý nghĩa tương phản, đối lập : làm trai chỉ “giỏi giang” trong chuyện “ăn cỗ”, “Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”.

– Biện pháp chơi chữ : sử dụng thành ngữ “anh hùng rơm” kết hợp với các từ ngữ “lửa”, “hết cơn anh hùng”, nhằm tạo ra tiếng cười châm biếm, phủ nhận thói anh hùng giả tạo, huênh hoang.

Các biện pháp trên được tác giả dân gian sử dụng kết hợp với nhau tạo nên sắc thái mỉa mai, chế giễu nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà lại chứa đựng ý nghĩa phê phán sâu sắc đối với thói ham ăn, hoặc giả tạo, huênh hoang của những kẻ luôn tỏ ra “nam nhi đại trượng phu” không phải không phổ biến trong xã hội.

3. Về bài : Chồng người đi ngược về xuôi,…

Cùng với cảm hứng “Làm trai cho đáng nên trai…”, bài ca dao sau lại là lời than về thân phận hẩm hiu của người phụ nữ khi lấy phải chồng hèn. Người chồng trong bài ca dao này là người đàn ông “không đáng làm trai” :

READ:  Đọc hiểu bài Nhưng nó phải bằng hai mày

Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Người phụ nữ bình dân vốn rất trân trọng tình cảm vợ chồng, vì thế ít khi họ cất tiếng chê chồng. Thậm chí còn luôn khẳng định :

Chồng em áo rách em thương,

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Song bài ca dao trên không hướng đến nội dung nói về tình vợ chồng, mà hướng đến mục đích châm biếm đả kích. Vì thế cách nói “chồng em” chỉ là một cái cớ, một cách mở đầu để làm đa dạng hoá hình thức của đề tài “Làm trai cho đáng nên trai” mà thôi.

“Chồng em” được đặt trong thế so sánh với chồng người. Cũng là chồng, nghĩa là cùng là trai, nhưng trong khi những người đàn ông khác đi ngược về xuôi, làm những việc dời non lấp bể thì người đàn ông này lại “ngồi bếp” và làm một việc giống như một trò nghịch ngợm của trẻ con. Người ta đi bẫy hùm bắt hổ, còn “chồng em” thì “ngồi bếp” và “sờ đuôi con mèo”. Trong câu ca dao này, tác giả dân gian đã vận dụng triệt để biện pháp tu từ ngoa dụ để gây cười, để phê phán những người đàn ông hèn nhát, lười biếng.

Gây cười bất ngờ bằng cách đặt đối tượng trong tình huống đối lập giữa “đi ngược về xuôi” với “ngồi bếp sờ đuôi con mèo”, bài ca dao đã tạo nên sức châm biếm rất mạnh mẽ, hóm hỉnh.

4. Về bài : Lỗ mũi mười tám gánh lông,…

Trong ca dao, khi nói về người phụ nữ, nhân dân lao động thường thể hiện thái độ trân trọng, cảm thông chia sẻ. Nhưng bài ca dao này lại khác, nói về người phụ nữ với một cách nói lạ, vui tươi dí dỏm : nửa như chê bai, nửa như cảm thông nhưng trước hết là tạo ra tiếng cười mua vui giải trí, châm biếm nhẹ nhàng.

Bài ca dao được chia thành từng cặp câu thơ với cấu trúc song hành :

Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o…

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Mỗi câu 6 miêu tả một đặc điểm “đáng yêu” của người phụ nữ, ứng với một câu 8 thể hiện sự “chia sẻ” của người chồng. Theo nhịp độ tăng tiến, tiếng cười cất lên thật sảng khoái :

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Bằng cấu trúc lặp sóng đôi, bút pháp phóng đại và trí tưởng tượng phong phú, tác giả dân gian thể hiện cái nhìn nhân hậu và lời châm biếm nhẹ nhàng đối với những người phụ nữ vô duyên, luộm thuộm, hay ăn quà vặt.

Thực ra trên đời không thể có một người phụ nữ nào có những đặc điểm “trời phú” cho như vậy. Cũng không thể có người chồng “độ lượng” nào có thể bao dung hết tất cả những điều vô tâm như thế. Cười để để ngẫm ngợi cười để khuyên răn – đó là tiếng cười tình nghĩa của dân gian Việt Nam.

5. Về bài : Bao giờ cho đến tháng ba,…

Hàng loạt các hiện tượng phi lí, ngược đời, không thể có và không thể xảy ra trong thực tế xuất hiện trong bài ca dao : ếch cắn cổ rắn, lợn liếm lông hùm, quả hồng nuốt lão tám mươi, nắm xôi nuốt trẻ,… và nhiều hiện tượng không gắn với tháng ba hoặc nếu có xảy ra thì không cứ là phải trong tháng ba (Nắm xôi nuốt trẻ lên mười – Con gà, be rượu nuốt người lao đao). Như vậy, tác giả dân gian đã sử dụng cách nói ngược.

Cách nói ngược nêu ra những hiện tượng phi lí, ngược đời có thể có những ý nghĩa sau :

– “Lạ hoá” cái thông thường, tạo ra cái nghịch dị để bật lên tiếng cười, sự hài hước nhằm mua vui, giải trí ;

– Nhằm chế giễu, mỉa mai những hiện tượng ngược đời, đảo lộn quy luật, trái với lẽ thường trong đời sống xã hội ;

– Có thể qua những hiện tượng ngược đời để thể hiện khát vọng về sự đổi thay táo bạo, phá vỡ những ràng buộc cố hữu vốn được xem là chính thống, ngự trị, nhất là trong xã hội phong kiến hà khắc,…

6. Về bài : Cưới nàng anh toan dẫn voi,…

Lạc quan là một trong những phẩm chất đẹp đẽ của người dân lao động, nhờ tinh thần lạc quan mà họ có thể vượt lên mọi nỗi vất vả để sống, để cảm thông. Trong những lúc tuyệt vọng nhất, nhân dân vẫn khuyên nhau :

Chớ than phận khó ai ơi,

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

Và cũng để thể hiện niềm lạc quan ấy, để cất đi những gánh nặng của lo toan và dẹp đi nỗi tủi hờn của cảnh nghèo, họ đã cất lên tiếng cười vui. Một câu chuyện dẫn cưới trong một cuộc đối đáp vui đùa mà sao nghĩa tình đến thế.

READ:  Soạn bài Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cưới nàng anh toan dẫn voi,

……

Để cho con lợn, con gà nó ăn…

Chuyện dẫn cưới là chuyện vui. Câu chuyện vui mà buồn nhưng buồn mà lại vui. Buồn vì chuyện dẫn cưới sao nhiều điều phải suy nghĩ thế. Đó là lẽ thường của người dân nghèo. Nhiều đôi trai gái vì món đồ dẫn cưới quá nặng mà phải đứt gánh giữa đường. Nhưng vui vì câu chuyện dẫn cưới đã được giải quyết một cách rất thông minh. Nó lại trở thành một câu chuyện vui. Chàng trai là chủ thể của phát ngôn thứ nhất, nói về chuyện dẫn cưới của mình :

Cưới nàng anh toan dẫn voi,

Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.

Dẫn trâu, sợ máu họ hàn,

Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.

Sự thật là lễ dẫn cưới đầy đủ theo lệ làng là quá sức đối với anh. Nhưng chàng trai ấy lại rất tự tin và thông minh, anh đưa ra những lí lẽ thật thuyết phục. Vừa giải thích cho lễ dẫn cưới khiêm tốn của mình, vừa thể hiện được anh là người biết quan tâm đến mọi người. Song điều quan trọng hơn là anh đã thể hiện được thái độ trân trọng đối với cô gái. Tất cả những thứ “anh toan dẫn cưới” đều rất lớn. Và anh biết “Cưới nàng…” anh muốn có một lễ cưới xứng đáng. Anh đưa ra những lễ vật ấy để thể hiện sự trân trọng của anh đối với cô gái. Vui, hóm hỉnh và thật kín đáo, người dân lao động đã khôn ngoan khi mượn câu chuyện dẫn cưới vui vẻ ấy để thể hiện sự cảm thông chia sẻ của những người cùng cảnh nghèo.

Lễ cưới tuy nhỏ song vẫn đủ đầy :

Miễn là có thú bốn chân,

Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.

Lời nói vui mà ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa. Dẫn cưới bằng con chuột không có nghĩa là coi thường người con gái, anh đã đưa ra đủ lí do rồi.

Đáp lại tấm lòng của chàng trai chân thành ấy, lời của cô gái đầy cảm thông, chia sẻ :

Chàng dẫn thế, em lấy làm sang.

Nỡ nào em lại phá ngang như là…

Trân trọng biết bao lời đối đáp của người con gái. Họ cùng cảnh lao động nghèo nên họ hiểu và cảm thông cho nhau. Họ đến với nhau bằng nghĩa tình.

Người ta thách lợn thách gà,

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.

Một lời thách cưới thật bình dân. Thách như thế khôngcó nghĩa là cô không tôn trọng lệ làng. Lời đáp của người con gái thể hiện sự cảm thông, thể hiện tấm lòng và nghĩa tình sâu nặng của cô đối với chàng trai.

Dưới hình thức lời đối đáp vui đùa của thanh niên nam nữ trong những giờ phút nghỉ ngơi, bài ca dao đã thể hiện những quan điểm nhân sinh rất đẹp đẽ. Là tiếng cười tự trào nhưng bài ca dao đã thể hiện quan điểm của người bình dân về hôn nhân, một quan điểm rất tiến bộ. Hôn nhân trên cơ sở cảm thông, trân trọng tình cảm giữa con người đối với con người hơn là tiền bạc vật chất.

Để vượt qua những vất vả tủi cực của cuộc sống nghèo, người dân lao động đã cất lên tiếng hát, tiếng cười. Và đó là tiếng hát tiếng cười đầy nghĩa tình.

III. LIÊN HỆ

Đọc một số bài ca dao phê phán tệ nạn tảo hôn, phê phán thầy bói, thầy cúng, thầy phù thuỷ trong xã hội :

1. Bồng bồng cõng chồng đi chơi,

Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.

Chị em ơi cho tôi mượn chiếc gầu sòng,

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.

2. Quả cau nho nhỏ

Cái vỏ vân vân

Nay anh học gần

Mai anh học xa

Lấy anh từ thủa mười ba

Đến năm mười tám em đà năm con.

3. Chập chập thôi lại cheng cheng,

Con gà trống thiến để riêng cho thầy.

Đơm xôi thì đơm cho đầy,

Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng.

4. Số cô không giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

5. Tiền buộc giải yếm bo bo,

Trao cho thầy bói, đâm lo vào mình.