1/. Tính khoa học của hệ mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh:
Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được Đảng ta xác định dựa trên các cơ sở khoa học sau:
1- Dựa trên phương pháp luận của Triết học Mác- Lênin, là phương pháp luận của mọi khoa học, trước hết là khoa học xã hội- nhân văn;
2- Lý luận kinh tế học Mác- Lênin, đặc biệt lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
3- Lý luận, học thuyết về chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu, tôn chỉ mục đích của việc xây dựng một xã hội tốt đẹp nhất cho con người, là cơ sở, kim chỉ nam cho việc định hướng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
4- Tư tưởng Hồ Chí Minh, là hệ quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đó là tư tưởng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về sức mạnh của nhân dân, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
2/. Tính thực tiễn của hệ mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh:
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, mục tiêu xây dựng một chế độ tốt đẹp, tất cả vì lợi ích của dân của Đảng chính là “tâm điểm” thu hút và tạo được sự hưởng ứng của cả dân tộc.
Những kinh nghiệm quý báu đã được Đảng ta rút ra trong đổi mới cũng đã minh chứng cho việc xác định hệ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là hoàn toàn hợp quy luật, hợp lòng dân, những kinh nghiệm đó là:
1- Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
2- Dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn và luôn luôn sáng tạo.
3- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
4- Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công.
Với mục hệ mục tiêu trên, trong những năm gần đây đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội: đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, thuộc loại cao nhất so với các nước và vùng lãnh thổ Châu Á cũng như trên thế giới; phát triển mạnh lực lượng sản xuất gắn với xây dựng quan hệ sản xuất mới; đẩy lùi lạm phát, giảm thất nghiệp và tỉ lệ đói nghèo; nâng cao đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại được phát triển, tạo ấn tượng tốt đẹp về một đất nước Việt Nam năng dộng, đang trên đà phát triển mạnh mẽ.