Câu trả lời cho câu hỏi “Tồn tại xã hội, ý thức xã hội và mối quan hệ biện chứng giữa chúng?” gồm ba ý lớn như sau:
1) Tồn tại xã hội là khái niệm dùng để chỉ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, là những mối quan hệ vật chất-xã hội giữa con người với tự nhiên và giữa con người với nhau; trong đó, quan hệ giữa con người với tự nhiên và quan hệ vật chất, kinh tế giữa con người với nhau là hai quan hệ cơ bản. Những mối quan hệ này xuất hiện trong quá trình hình thành xã hội loài người và tồn tại không phụ thuộc vào ý thức xã hội.
Tồn tại xã hội gồm các thành phần chính như phương thức sản xuất vật chất; điều kiện tự nhiên-môi trường địa lý; dân số và mật độ dân số v.v, trong đó phương thức sản xuất vật chất là thành phần cơ bản nhất. Các quan hệ vật chất khác giữa gia đình, giai cấp, dân tộc v.v cũng có vai trò nhất định đối với tồn tại xã hội.
2) Ý thức xã hội là mặt tinh thần của đời sống xã hội, bao gồm tình cảm, tập quán, truyền thống, quan điểm, tư tưởng, lý luận v.v nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển khác nhau. Nói cách khác, ý thức xã hội là những quan hệ tinh thần giữa con người với nhau, là mặt tinh thần trong quá trình lịch sử. Ý thức xã hội có cấu trúc bên trong xác định, bao gồm những mức độ khác nhau (ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận (khoa học); tâm lý xã hội và hệ tư tưởng) và các hình thái của ý thức xã hội (ý thức chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, triết học, khoa học v.v).
Kết cấu của ý thức xã hội gồm
a) Tâm lý xã hội bao gồm toàn bộ tình cảm, ước muốn, thói quen, tập quán v.v của con người, của một bộ phận xã hội hoặc của toàn xã hội được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống hàng ngày và phản ánh đời sống đó. Quá trình phản ánh này thường mang tính tự phát, chỉ ghi lại những biểu hiện bề mặt bên ngoài của xã hội.
b) Hệ tư tưởng xã hội (hệ tư tưởng) là trình độ cao của ý thức xã hội được hình thành khi con người đã có được nhận thức sâu sắc hơn các điều kiện sinh hoạt vật chất của mình; là nhận thức lý luận về tồn tại xã hội, là hệ thống những quan điểm, tư tưởng (chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo v.v) kết quả sự khái quát hoá những kinh nghiệm xã hội.
Có hai loại hệ tư tưởng là:
- Hệ tư tưởng khoa học- phản ánh chính xác, khách quan tồn tại xã hội
- Hệ tư tưởng không khoa học- phản ánh sai lầm, hư ảo hoặc xuyên tạc tồn tại xã hội.
3) Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội
a) Tồn tại xã hội quy định ý thức xã hội.
- Tồn tại xã hội là cái thứ nhất, ý thức xã hội là cái thứ hai. Tồn tại xã hội quy định nội dung, bản chất, xu hướng vận động của ý thức xã hội; ý thức xã hội phản ánh cái lôgíc khách quan của tồn tại xã hội.
- Tồn tại xã hội thay đổi là điều kiện quyết định để ý thức xã hội thay đổi. Mỗi khi tồn tại xã hội, đặc biệt là phương thức sản xuất biến đổi thì những tư tưởng và lý luận xã hội cũng dần biến đổi theo.
- Tồn tại xã hội quy định ý thức xã hội không giản đơn, trực tiếp mà thường thông qua các khâu trung gian. Không phải bất kỳ tư tưởng, quan niệm, lý luận, hình thái ý thức xã hội nào cũng phản ánh rõ ràng và trực tiếp những quan hệ kinh tế của thời đại, mà chỉ khi xét cho đến cùng mới thấy rõ những mối quan hệ kinh tế được phản ánh, bằng cách này hay cách khác, trong các tư tưởng ấy. Như vậy, sự phản ánh tồn tại xã hội của ý thức xã hội phải được xem xét một cách biện chứng.
b) Tính độc lập tương đối và sự tác động ngược trở lại của ý thức xã hội.
Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội thể hiện ở
+) ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội do không phản ánh kịp những thay đổi của tồn tại xã hội do sức ỳ của thói quen, truyền thống, tập quán và tính bảo thủ của một số hình thái ý thức xã hội v.v tiếp tục tồn tại sau khi những điều kiện lịch sử sinh ra chúng đã mất đi từ lâu; do lợi ích nên không chịu thay đổi.
+) ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội. Do tính năng động của ý thức, trong những điều kiện nhất định, tư tưởng, đặc biệt là những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội; dự báo được quy luật và có tác dụng tổ chức, hướng hoạt động thực tiễn của con người vào mục đích nhất định.
+) ý thức xã hội có tính kế thừa. Quan điểm, lý luận của mỗi thời đại được tạo ra trên cơ sở kế thừa những thành tựu lý luận của các thời đại trước. Kế thừa có tính tất yếu khách quan; có tính chọn lọc và sáng tạo; kế thừa theo quan điểm lợi ích; theo truyền thống và đổi mới. Lịch sử phát triển của các tư tưởng cho thấy những giai đoạn hưng thịnh và suy tàn của tư tưởng nhiều khi không phù hợp hoàn toàn với những giai đoạn hưng thịnh và suy tàn của nền kinh tế.
d) Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội cũng gây ảnh hưởng tới tồn tại xã hội.
Thông thường, trong mỗi thời đại, tuỳ theo những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có những hình thái ý thức xã hội nào đó nổi lên hàng đầu tác động và chi phối các hình thái ý thức xã hội khác. Điều này nói lên rằng, các hình thái ý thức xã hội không chỉ chịu sự tác động quyết định của tồn tại xã hội, mà còn chịu sự tác động lẫn nhau. Mối liên hệ và tác động lẫn nhau đó giữa các hình thái ý thức xã hội làm cho mỗi hình thái ý thức xã hội có những tính chất và những mặt không thể giải thích trực tiếp được bằng các quan hệ vật chất.
e) Sự tác động ngược trở lại của ý thức xã hội lên tồn tại xã hội là biểu hiện quan trọng của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Đó là sự tác động nhiều chiều với các phương thức phức tạp. Sự tác động này thể hiện mức độ phù hợp giữa tư tưởng với hiện thực; sự xâm nhập của ý thức xã hội vào quần chúng cả chiều sâu, chiều rộng và phụ thuộc vào khả năng hiện thực hoá ý thức xã hội của giai cấp và đảng phái. Như vậy, ý thức xã hội, với tính cách là thể thống nhất độc lập, tích cực tác động ngược trở lại lên tồn tại xã hội nói riêng và lên đời sống xã hội nói chung.