1. Hoàn cảnh lịch sử
– Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương được kí kết, nước ta tạm thời bị chia làm hai miền.
+ ở miền Bắc: chế độ chính trị ổn định, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện vừa khôi phục vừa xây dựng vừa chiến đấu chống hai cuộc chiến tranh phá hoại có tính chất huỷ diệt bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; vừa phải đảm bảo yêu cầu về đời sống của nhân dân , vừa phải đáp ứng về nhân lực và vật lực cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, vừa làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.
+ ở miền Nam: chế độ chính trị không ổn định, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, độc quyền chiếm miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh thực dân mới kéo dài suốt hơn 20 mươi năm, với quy mô ngày càng rộng lớn.
– Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đã được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất là sự giúp đỡ, viện trợ của to lớn về nhiều mặt của các nước xã hội chủ nghĩa anh em lúc đó đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ (từ giữa năm 50 đến đầu những năm 70). Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi đó, từ những năm 60, trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cũng nảy ra sự bất đồng, chia rẽ sâu sắc giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc.
– Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa với đặc điểm lớn nhất là từ sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó, mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô và các nước Đông Âu áp dụng có điều kiện , hoàn cảnh, xuất phát điểm không giống nước ta và chứa đựng không ít những nhược điểm, sai lầm rất khó cho ta học tập, rút kinh nghiệm.
2. Những căn cứ
– Trung thành với Cương lĩnh chính trị đã đề ra từ những năm 30.
Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930 đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn ái Quốc khởi thảo. Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt là cương lĩnh đầu tiên của Đảng, tuy còn sơ lược nhưng đã vạch ra cho cách mạng Việt Nam một đường lối cơ bản đúng đắn. Đó là : “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, để đi tới xã hội cộng sản”. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc phạm trù cách mạng vô sản bao gồm ba nội dung gắn bó với nhau: dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội , có nghĩa là làm xong cách mạng dân tộc dân chủ , phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Việc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là thể hiện sự trung thành với đường lối trước sau như một của Đảng ta.
– Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế phát triển của miền Bắc sau ngày được giải phóng. Đồng thời nó cũng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội –với tư tưởng cách mạng tiến công, miền Bắc không thể dừng lại để chờ cách mạng miền Nam và cũng không thể phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa – vì như thế là đi ngược lại với quy luật của lịch sử.
– Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội còn căn cứ vào yêu cầu cách mạng chung của cả nước. Miền Bắc có xây dựng chủ nghĩa xã hội mới đủ chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, mới xứng đáng là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, mới thực sự là căn cứ địa cách mạng của cả nước.
– Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân ta.
3. Chủ trương của Đảng.
– Sau thắng lợi của kế hoạch 3 năm khôi phục nền kinh tế (1955-1957) và tình hình chính trị chung của cả nước cho phép, tháng 4-1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng và Nhà nước tuyên bố tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá I là miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ đi lêm chủ nghĩa xã hội .
– Quá trình đó được bắt đầu bằng kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được thảo luận và nhất trí thông qua.