Trình bày Ưu thế của sản xuất hàng hóa

So với sản xuất tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hóa có những ưu thế hơn hẳn:

Thứ nhất: Sản xuất hàng hóa ra đời trên cơ sở của phân công lao động xã hội, chuyên môn hóa sản xuất. Do đó, nó khai thác được những lợi thế về tự nhiên, xã hội, kỹ thuật của từng người, từng cơ sở sản xuất cũng như từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, sự phát triển của sản xuất hàng hóa lại có tác động trở lại, thúc đẩy sự phát triển của phân công lao động xã hội, làm cho chuyên môn hóa lao động ngày càng tăng, mối liên hệ giữa các ngành, các vùng ngày càng trở nên mở rộng, sâu sắc. Từ đó, nó phá vỡ tính tự cấp tự túc, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu của mỗi ngành, mỗi địa phương làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng, nhu cầu của xã hội được đáp ứng đầy đủ hơn. Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa mở rộng giữa các quốc gia, thì nó còn khai thác được lợi thế của các quốc gia với nhau.

READ:  Nội Dung Công Nghiệp Hóa Và XHCN ở Liên Xô 1926 - 1937

Thứ hai: Trong nền sản xuất hàng hóa, quy mô sản xuất không còn bị giới hạn bởi nhu cầu và nguồn lực mang tính hạn hẹp của mỗi cá nhân, gia đình, mỗi cơ sở, mỗi vùng, mỗi địa phương, mà nó được mở rộng, dựa trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực của xã hội. Điều đó lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất… thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thứ ba: Trong nền sản xuất hàng hóa, sự tác động của quy luật vốn có của sản xuất và trao đổi hàng hóa là quy luật giá trị, cung – cầu, cạnh tranh… buộc người sản xuất hàng hóa phải luôn luôn năng động, nhạy bén, biết tính toán, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cải tiến hình thức, quy cách và chủng loại hàng hóa, làm cho chi phí sản xuất hạ xuống đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.

READ:  Ứng xử của người Việt với Nho giáo và vai trò của Nho giáo đối với đời sống tư tưởng và văn hóa tinh thần của người Việt xưa và nay?

Thứ tư: Trong nền sản xuất hàng hóa, sự phát triển của sản xuất, sự mở rộng và giao lưu kinh tế giữa các cá nhân, giữa các vùng, giữa các nước… không chỉ làm cho đời sống vật chất mà cả đời sống văn hóa, tinh thần cũng được nâng cao hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sản xuất hàng hóa cũng có những mặt trái của nó như phân hóa giàu – nghèo giữa những người sản xuất hàng hóa, tiềm ẩn những khả năng khủng hoảng, phá hoại môi trường sinh thái, xã hội, v.v..