Hai ông tướng Đá Rãi

 HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI

(Truyện cố tích Việt Nam)

Dưới thời nhà Lý, có một ông vua, nhân một hôm đi du ngoạn về miền núi xứ Đoài, tự nhiên thấy ở sườn núi nứt ra một khe rộng, rồi từ trong đi ra hai người to lớn lạ thường, mỗi người vác trên vai một phiến đá tảng như cái bồ, coi bộ không có tý gì là mệt nhọc.

Lấy làm lạ quá, ông vua cho gọi hai người đến hỏi: -“Các ngươi quê ở đâu ta?”. Họ đáp: – “Chúng tôi là hai anh em sinh đôi ở trên núi này”. – “Các ngươi có tài nghề gì chăng?” – “Chúng tôi chỉ giỏi môn vật!”. Nhà vua bèn đưa họ về kinh thành cho tỷ thí với các đô vật khỏe nhất của mình. Nhưng không có một tay nào trụ nổi họ. Hễ ai sơ hở để cho họ mó phải một chỗ nào ở trên người là y như chỗ ấy không gãy xương cũng nát thịt. Nhiều người thấy run sợ lảng tránh, không dám đọ sức.

Nhà vua rất kính phục và mừng rỡ, cho họ làm thị vệ, lúc nào cũng bắt hầu bên mình. Người ta gọi là Đô Nghê và Đô Voi. Họ không quen mặc phẩm phục của triều đình; dù trời nóng hay lạnh, lúc nào cũng trần mình đóng khố như lúc họ mới về triều. Nhà vua cũng không thể bắt buộc họ được. Nhiều lúc vua đi về các hành cung ở địa phương sai họ canh cửa. Hai ông đứng canh luôn mười mấy ngày giữa mưa nắng gió sương mà không mệt mỏi, không đau ốm. Bởi thế người ta cũng gọi là hai ông tướng Đá Rãi. Thường thường vào những ngày hội ở triều đình, họ vật nhau và múa nhảy cho người bốn phương thưởng ngoạn.

Trong những năm chinh chiến, hai ông lập được nhiều công trạng. Giữa chiến trận, hai ông đóng khố bao, đầu đội mũ lưỡi búa, mỗi tay cầm một cây roi xông vào giữa đám thiên binh vạn mã như vào chỗ không người. Bởi vì gươm giáo chém vào mình họ chỉ quằn lại chứ thịt da không hề xây xát. Nhà vua phong cho họ làm tướng và yêu mến vô cùng.

READ:  Giáp hải

Thấy điều trái tai gai mắt, hai ông tướng Đá Rãi thường nói thẳng không kiêng nể ai cả. Bởi vậy trong triều có nhiều người kính phục nhưng cũng có nhiều kẻ ghen ghét.

Buổi ấy nhà vua rất sùng đạo Thích Ca. Những công trình đúc chuông tô tượng làm chùa mỗi ngày một nhiều. Theo lệnh vua, giữa kinh đô bắt đầu dựng lên một cái tháp đồ sộ có thể đứng trên tháp nhìn thấy khắp bốn phía ngoài thành. Có hàng ngàn người phải bỏ nhà đến đấy phục dịch. Hai ông tướng Đá Rãi một hôm đi qua đó thấy mọi người xúm nhau lại khiêng một cây cột lớn lên tường cao. Không may nửa chừng dây đứt, cây cột rơi xuống nghiến nát mấy người. Hai ông bước tới, cùng một lúc nhấc bổng cây cột lên, vứt đi chỗ khác và than thở:

– Phật chỉ làm chết dân!

Không ngờ câu nói đó vô tình lọt vào tai một tên nịnh thần. Hắn vốn căm ghét hai ông từ lâu. Hắn về kể chuyện cho vua biết và nói thêm:

– Thần thấy hai tên đô vật ấy ngày càng lộng quyền. Sự lộng quyền sẽ dẫn tới sự thoán nghịch. Nếu không sớm trừ đi ắt về sau sẽ có họa lớn.

Thế là qua hôm sau, hai ông bị đưa ra pháp trường. Nhưng đao phủ chém chặt băm vằm thế nào cũng không thể nào làm họ chết được. Người ta lại cho bốn ngựa phanh thây, nhưng ngựa không chạy nổi. Cho là thần linh, ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, sợ xanh cả mắt. Mãi về sau có một tên hung đồ, tay chân của viên nịnh thần, hiến một kế là vót một thanh nứa lấy đằng cứa thật sắc, rồi tống ngược từ hậu môn đến mồm.

READ:  Chồng xấu, chồng đẹp

Viên nịnh thần nghe theo, quả nhiên hai ông chết thật, nhưng hai ông còn lớn tiếng chửi rủa bọn tham quan ô lại trong chiều cho đến lúc tắt thở[1].

KHẢO DỊ

Về đoạn kết của truyện (hành hình hai ông tướng Đá Rãi bằng cách thọc cây nhọn vào hậu môn), một truyền thuyết của người Thái cũng có hình tượng tương tự:

Ăm Poi là tướng của người Xá rất gan dạ, đặc biệt là bắn không thủng, đâm không vào, chém không đứt. Vì vậy, địch thủ cho ông là người thần, hết sức khiếp sợ, tấn công nhiều lần mà không ăn thua. Cuối cùng tướng người Thái là Lạng Chượng phải xin kết hôn với con gái Ăm Poi là nàng Pha Nhắng để dùng mưu độc. Trong bữa tiệc cưới, Lạng Chương đề nghị: hai bên nay đã hòa hiếu nên đem tất cả giáo mác và nỏ cùng đặt ở giá. Nói rồi tự mình làm trước. Ăm Poi tin là thật cũng làm theo, không ngờ chàng rể lật lọng, bất thình lình cho quân bắt sống bố vợ và đem hành hình ngay. Sau khi làm đủ cách mà Ăm Poi không chết, hắn mới chuyển sang dùng cây nhọn thọc vào hậu môn, ngược lên, mới giết được[2].

[1] Theo lời kể của người Bắc-ninh, Hưng-yên. Đoạn cuối có người kể: việc dùng nứa giết hai ông Đá Rãi là do hai ông chỉ cho chúng, chứ không phải do tên hung đó bày mưu.

[2] Theo Quắm tô mướn (Cầm Trọng và Cầm Quynh dịch)