Luật đất đai năm 2013 đã liệt kê 08 quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai tại Điều 13 bao gồm:
– Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
– Quyết định mục đích sử dụng đất (thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất).
– Quy định hạn mức sử dụng đất (gồm: hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp), thời hạn sử dụng đất (cho sử dụng đất ổn định lâu dài và cho sử dụng đất có thời hạn).
– Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất (vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; do vi phạm pháp luật về đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Đối với trưng dụng đất, Nhà nước chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai)
– Quyết định giá đất (Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất và Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể).
– Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất (Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; công nhận quyền sử dụng đất).
– Quyết định chính sách tài chính về đất đai (Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai; Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi).
– Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).