Thơ mới, Phong trào thơ mới là gì?

Đầu thập niên 1930, văn hoá Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện một làn sóng thơ mới với cá tính sáng tác độc đáo. Cuộc canh tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi Phong trào Thơ Mới.

Thơ Mới nói chung và Phong trào Thơ Mới nói riêng là một thế giới mênh mông mà ở đó mọi cao vọng khám phá tận cùng đều dễ trở nên hoang tưởng.

Chúng ta lại chịu sức ép của một thời gian hạn định nên mục đích “tri ngộ” đầy đủ bản chất của nó càng quá khó.

Vượt ra khỏi quỹ đạo của văn chương trung đại Phương Đông, bỏ qua những quan điểm tư tưởng nghệ thuật Trung Hoa cổ và kiểu sáng tác ước lệ có tính phi ngã, từ chối chất liệu chữ Hán, chữ Nôm và những quy phạm quá chặt chẽ của hình thức văn chương cổ, nền văn học Việt Nam hiện đại những năm đầu thế kỷ đã chuyển động một cách mạnh mẽ về phía trước. Thế nhưng câu hỏi nền thơ hiện đại Việt Nam bắt đầu từ đâu, 1900, 1930 hay trước nữa. Tản Đà tiên sinh được Hoài Thanh đặt ở vị trí đầu cuốn Thi nhân Việt Nam và được gọi là con người thơ của hai thế kỷ nhưng có phải là người mở đầu không ? Vấn đề quả nhiên là khó .

Trong bước tiến ấy, phong trào thơ Mới, một cuộc cách mạng về thi ca về mặt danh chính ngôn thuận có thể được đánh dấu ngày 10-03-1932 khi Phan Khôi in bài Tình già trên tờ Phụ nữ Tân văn số 122. Từ đó qua 10 năm đấu tranh bằng cả lý luận lẫn thực tiễn sáng tạo với một loạt các tên tuổi sáng chói đã khiến phong trào thơ Mới trưởng thành và giành chiến thắng hoàn toàn trước thơ cũ. Tuyên ngôn và hành động đi đôi, Thế Lữ , Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp rồi đến Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Chế lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương… cùng một loạt các tác giả khác trên 10 năm đã tạo nên được một dàn hợp ca với nhiều cung bậc độc đáo và nó đã rung lên mạnh mẽ. Sự kiện được xem như kết thúc phong trào văn chương có một không hai ấy để từ đó nó hoà tan vào nền văn học đương đại và lớn mạnh là lời tựa tập thơ Mùa cổ điển (Quách Tấn) của Chế Lan Viên mà lời lẽ như một khúc khải hoàn ca. Bằng tất cả sự hăng hái nhiệt thành của tuổi 20, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã coi việc làm của Phan Khôi có ý nghĩa mở ra một lối thoát “một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ giữa lúc đang triền miên trong cõi chết” (Phụ nữ Tân Văn , số 153, 6-1932). Thực ra trước một mốc lịch sử ấy, ý hướng đổi mới đã manh nha từ những ý tưởng của Phan Khôi trên Đông pháp thời báo (1928) , và của Trịnh Đình Rư trên Phụ nữ Tân văn số 26 (1929) và cả bản dịch bài ca La cigale et la fourmi (Con ve và cái kiến – La Fontaine ) của Nguyễn Văn Vĩnh. Bài thơ Tình già “trình làng” như là một qủa bom tuyên chiến khởi sự cuộc tranh cãi quyết liệt giữa hai phái thơ cũ và thơ Mới; phái thơ cũ với Nguyễn Văn Hanh, Tản Đà, Thái Phỉ , Huỳnh thúc Kháng…; phái thơ Mới với Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm, Nguyễn Trường Bách, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư,… là tổng kết phong trào thơ mới trong cuốn sách phê bình có tầm thế kỷ: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân.

Lịch sử

 Việc chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào Việt Nam và sau Thế chiến thứ nhất, cùng với việc người Pháp đẩy mạnh phong trào khai phá thuộc địa đã vô tình đẩy nhanh làn gió của văn hóa phương Tây vào Việt Nam.

Giới trí thức trẻ nhanh chóng tiếp thu văn hóa Pháp và nhận ra vần luật, niêm luật của Nho gia đã quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người. Năm 1917 trên báo Nam Phong (số 5), Phạm Quỳnh, nổi tiếng là người bảo thủ, cũng phải thú nhận sự gò bó của các luật thơ cũ:

READ:  Em hãy viết bài văn kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử của em

“Người ta nói tiếng thơ là tiếng kêu của con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho người làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hay hơn nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng tự nhiên vậy.”

Sau đó, Phan Khôi cũng viết nhiều bài báo chỉ trích những trói buộc của thơ văn cũ và đòi hỏi cởi trói cho sáng tác thơ ca.

Trong khoảng 1924-1925, cuốn tiều thuyết của Hoàng Ngọc Phách kể về mối tình Đạm Thủy-Tố Tâm đã gây sóng gió trong giới học sinh và thanh niên thành thị, dù tình yêu ấy chưa vượt qua được rào cản của đại gia đình phong kiến. Tiếp theo đó, năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã phá vỡ vần điệu niêm luật, số câu, số chữ của “thơ cũ” khi dịch bài La cigale et la fourmi (Con ve và con kiến) của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 1929, Trịnh Đình Rư tiếp tục viết trên báo Phụ nữ tân văn (số 26):

“Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy.”

Ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ mới. Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt. Mãi đến năm 1941, cuộc tranh chấp mới chấm dứt do sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường. Một thời kỳ vàng son mới của văn học Việt Nam đã diễn ra với tên gọi quen thuộc là phong trào Thơ mới.

Khuynh hướng

Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1930-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.

Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,… Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.

Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái “tôi”, một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái “tôi” bấy giờ không làm việc “tải đạo” nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định

READ:  Bài văn tả con gà trống tía

Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.

Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.

Theo quan điểm mácxít trên Từ điển văn học

“              Nhân vật trữ tình của “thơ mới” là cái “tôi” tiểu tư sản… Cuộc khủng bố trắng hết sức man rợ của để quốc đối với bạo động Yên bái và cao trào Xô viết Nghệ tĩnh đã gây nên một tâm trạng hoang mang cực độ trong các từng lớp tiểu tư sản…Do bản chất yếu đuối, người trí thức tiểu tư sản không dám đi theo con đường đấu tranh cách mạng… mà bị lôi cuốn theo con đường cải lương, cá nhân chủ nghĩa do giai cấp tư sản đề xướng. Lảng tránh chính trị, họ tìm đến và nắm lấy văn thơ, vì văn, thơ –nhất là thơ- là nơi cái “tôi” có thể thể hiện đầy đủ những khát vọng, những giấc mơ thoát ly của nó, như vậy “thơ mới” ra đời do sự thôi thúc của hai nhu cầu khẩn thiết của lớp thanh niên tiểu tư sản bấy giờ: nhu cầu khẳng định cái “tôi” và nhu cầu thoát ly của cái “tôi” ấy.[4]    ”

Những tác phẩm đầu tiên

Những tác phẩm ra đời đầu tiên được chính nhóm Tự lực văn đoàn chê là “đọc lên nó lủng củng, trục trặc, lại có vẻ ngơ ngẩn” và giáo sư Hoàng Như Mai cho rằng “bây giờ không ai kể nó ra nữa, không phải vì bội bạc mà vì nó dở”

Một đoạn trong bài “Tình già” của Phan Khôi viết:

…Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng.

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau…

Một đoạn trong bài “Trên đường đời” của Lưu Trọng Lư viết:

Lần bước tiếng gieo thầm, bóng ai kia lủi thủi.

Lẳng lặng với sương đeo im lìm cùng gió thổi

Không tiếng không tăm không thưa không hỏi..

Một đoạn trong bài “Hai cô thiếu nữ” của Nguyễn Thị Manh Manh:

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

(Một cô ở chợ, một cô ở đồng)

Hai cô thiếu nữ đi ra đồng

Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen

Hai cô rủ nhau đi xuống đầm

(Cô đi chân không, cô đi dép đầm)

Hai cô rủ nhau đi xuống đầm

Bóng lụa hồng tách bóng vải thâm…

Tác giả, tác phẩm tiêu biểu

  • Thế Lữ: Nhớ rừng, Cây đàn muôn điệu…
  • Xuân Diệu: Vội vàng, Nguyệt cầm, Lời kỹ nữ…
  • Huy Cận: Ngậm ngùi, Tràng giang…
  • Lưu Trọng Lư: Tiếng thu,…
  • Hàn Mặc Tử: Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín…
  • Nam Trân: Đẹp và Thơ – Cô gái Kim Luông…
  • Chế Lan Viên: Thu…
  • Phạm Huy Thông: Tiếng địch sông Ô…
  • Vũ Đình Liên: Ông đồ…
  • Nguyễn Nhược Pháp: Chùa Hương…
  • Tế Hanh: Quê hương…
  • Nguyễn Bính: Mưa xuân…
  • Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian…
  • Thâm Tâm: Tống biệt hành…
  • Vũ Hoàng Chương: Say đi em…
  • T.T.Kh.: Hai sắc hoa Tigôn…