Sự tích quả roi

Truyện cổ tích Việt Nam

SỰ TÍCH QUẢ ROI

Ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ có một ông thầy đồ có tiếng là hiền lành và dạy rất giỏi. Vì vậy có ba người tuổi trẻ đến và xin vào học cùng một ngày. Trong đó có hai người là con cái nhà nghèo. Người con lại là con của nhà giàu có, anh ta không muốn đi học nhưng bị cha ép đi học vì muốn con biết vài chữ, sau đó nhờ người chạy chọt để được thi đỗ, tiếp theo dùng tiền kiếm lấy chức quan to rồi ngồi chơi đếm tiền. Nhà đã vốn giàu có, nay mà lại thêm được chức quan to thì chẳng còn gì mong hơn nữa.

Khi thầy đồ nhận cả ba người vào học thì có nói trước rằng:

– Các anh học tôi thì sẽ phải học được cái tốt, cái hay trước hết, sau đó mới học đến chữ nghĩa. Giỏi thì sẽ được khen. Kém thì chắc chắn phải chịu phạt. Tôi đây không dùng roi vọt mà thay nó bằng con ốc này, nó gọi là ốc roi. Chính nó sẽ là người khen chê công bằng. Nếu các anh chăm chỉ học giỏi thì tự nó sẽ sáng như đèn và giúp người đó được thành đạt. Nhưng nếu học kém, nó sẽ đen dần như than vậy, lúc ấy thì chỉ đem bỏ xó mà thôi.

Sau đó thầy đồ đem trao cho ba người mỗi người nhận lấy một con ốc roi có màu xám tro, chỉ to như ngón chân út. Họ đem xỏ dây và đeo lên cổ.

Thầy đồ lại dặn:

– Trong thiên hạ này có tất thảy ba bồ chữ, tôi chỉ có một bồ thôi. Vì vậy học hết bồ chữ chỗ tôi thì mấy anh cứ đi tìm thầy khác để mà học hỏi thêm.

Cả ba người học trò cùng nhau ở tại chỗ thầy đồ vừa ăn vừa học, ngót một năm trôi qua, ba con ốc đều đổi màu. Con ốc của hai người nhà nghèo thì càng ngày càng sáng hẳn ra, một con thì sáng trắng, con kia thì lại sáng hồng. Còn anh nhà giàu kia, con ốc đeo ở cổ anh ta cứ ngày thêm đen thẫm.

Hai người nhà nghèo kia vừa đến chỗ thầy đồ học, thời gian rảnh lại đi kiếm việc làm thuê để lấy cơm gạo sống qua ngày. Hai người này không những học giỏi mà cũng rất biết đối nhân xử thế, với ai họ cũng lễ phép và tử tế.

Nhưng cái anh con nhà giàu kia thì trái ngược hẳn. Anh ta học thì quên trước quên sau, suốt ngày mải mê cờ bạc, rượu chè, đàn đúm gái trai, hơn nữa anh ta đối với ai cũng một vẻ kênh kiệu, hỗn xược. Với thầy đồ anh ta cũng chẳng khá hơn chút nào, lúc nào cũng một miệng chê:

– Lão ta có mỗi một bồ chữ thì tao học làm gì! Vài bữa nữa cha ta sẽ tìm thầy giỏi có được ba bồ chữ của thiên hạ về dạy tao!

Khi anh ta nhìn thấy con ốc của hai anh nhà nghèo cứ càng ngày lại càng sáng, đẹp như ánh đèn, như viên ngọc, trong khi đó ốc của mình lại đen thui, xấu xí thì tức lắm. Vừa ghen tức với hai người bạn cùng học, lại thêm căm ghét thầy đồ, anh ta liền về nhà mách chuyện với cha mình, vừa bịa chuyện vùa nói xấu thầy đồ rằng:

– Lão già ấy bảo con học kém như vậy là do cha ngu dốt, dù cho có mò khắp trên dưới cha cũng không ra được nửa chữ, mong gì được một chữ!

Nghe con trai nói vậy thì lão nhà giàu cay cú lắm, lại nhủ thầm con mình có học người đó sau cũng chẳng ra gì được, hắn liền bảo:

READ:  Bợm lại gặp bợm hay bợm già mắc bẫy cò ke

– Được rồi! Sau này lão sẽ biết tay!

Ba ngày sau buổi nói chuyện cùng con trai, lão nhà giàu sai gia nhân trong nhà tới đốt nhà thầy đồ. Lão ta còn dặn con trai tới đó đứng canh để không cho thầy đồ chạy thoát, cốt là muốn thiêu chết ông cùng với căn nhà.

May mắn sao hai người học trò nghèo kia đã liều chết lao vào trong đám cháy để cứu thầy cứu sách. Một người thì cõng thầy, người kia thì cõng sách. Khi ra đến ngoài, mọi người liền thấy được hóa ra thầy đồ đã khiêm tốn mà nói ít đi, chứ sự thật là ông đã có được cả ba bồ chữ trong thiên hạ rồi.

Khi cứu thầy thoát chết xong, hai người học trò bèn ngỏ ý muốn rước thầy về nhà mình, vừa tiện cho việc chăm sóc người vừa mong thầy tiếp tục dạy chữ cho mình.

Từ đó, hai con ngọc của hai người ngày càng rực rỡ như châu ngọc. Và con ốc mà thằng con lão nhà giàu kia đeo thì giờ đen ngòm, nhìn như hòn than xỉ vậy.

Biết chuyện, tên nhà giàu vì quá tức giận nên đem bứt con ốc kia ra rồi ném thẳng xuống dưới ao. Bỗng nhiên ngực hắn nhói lên ở nơi mà con ốc nằm trước đây, ngay sau đó hắn lăn ra đất, hộc máu và chết tươi.

Lão nhà giàu thấy con trai bị như vậy, trong lòng vừa tức vừa sợ liền sai gia đinh trong nhà tới nhà thầy đồ gọi thầy tới để hỏi tội. Khi tên đó tới nhà thầy đồ thì gặp đúng lúc thầy đồ gọi cả hai người học trò tới nói chuyện. Vốn sẵn tính tình xảo quyệt, ranh ma hơn người, hắn nhẹ nhàng tới gần và rình nghe mọi chuyện.

Khi đó thầy đồ đang hỏi hai người kia rằng:

– Hai con nói thật cho thầy nghe tại sao hai con ốc của các con lại có màu khác nhau thế kia?

Cả hai người đều ngơ ngác nhìn nhau, rồi bối rối mà trả lời:

– Thưa thầy, thực chúng con cũng chẳng hiểu sao!

Thầy đồ lúc đó mời cười rồi quay ra nói với người học trò dáng người bé nhỏ hơn:

– Con không cần giấu thầy nữa đâu. Con ốc đã nói cho thầy biết sự thật rồi. Con là nữ giả trang nam phải không?

Nghe thầy nói mà người học trò kia mặt tái cả đi, mất một lúc lâu mới nói:

– Thưa thầy, chỉ vì phép vua không cho phép con gái đi học đi thi nên con đành phải làm vậy… Xin thầy tha tội cho con lần này!

Thầy đồ liền bảo:

– Thầy biết. Nếu việc này mà bị lộ thì con sẽ phải tội chém đầu, thầy cũng chẳng sống yên!

Cả ba thầy trò đều im lặng mà nhìn nhau. Sau thầy đồ lại tiếp:

– Tuy nhiên, thầy biết rõ cả hai con đều là người tài giỏi, lại có chí lớn. Vì thế thầy chắc chắn sẽ giữ kín việc này, hai con cứ yên tâm mà học tiếp. Sau này chắc chắn cả hai con sẽ giúp ích cho đời…

Ở ngoài cửa, tên gia nhân của lão nhà giàu vốn nấp ở đó đã nghe hết tất cả mọi chuyện. Hắn lập tức trở về nhà và báo lại cho chủ mình biết. Lão nhà giàu vui mừng lắm vì đã nghĩ được cách để trừng trị mấy thầy trò kia.

Hai người học trò nghèo ngày nào cũng chăm chỉ đèn sách dùi mài kinh sử, năm đó đi thi, người con gái đóng giả trai đỗ nhất bảng. Còn người con trai thì đỗ thứ nhì. Vừa lúc bảng vàng treo lên thì lão nhà giàu lập tức vào cung bẩm báo vua rằng ba thầy trò nọ dám chống lệnh và lừa gạt nhà vua.

READ:  Anh em sinh năm

May mắn thay, trong cung vua có một cụ già chuyên giữ ngựa, vốn là người tốt bụng, lại luôn căm ghét cái tên vua độc ác cùng lũ quan tham kia. Vì vậy khi nghe tin cụ liền tìm người chạy tới chỗ hai người học trò kia báo tin chuyện sắp xảy ra.

Cả hai người nhanh chóng khăn gói trở về nhà. Vì chung sống, học tập cùng nhau đã lâu, hai người giờ đây rất hiểu ý nhau và vô cùng yêu thương nhau. Vì vậy họ liền bàn bạc và quyết định trở lại làng đón thầy đồ cùng nhau trốn đi nơi khác để lánh nạn. Không may thay, khi họ về tới thì người thầy đồ vẫn ốm nặng, không thể nào theo hai người rời đi đâu được. Không chỉ mang ơn dạy học mà hai người còn nợ thầy tình thương yêu như cha như mẹ, vì vậy cả hai không nỡ lòng bỏ thầy lại mà đi.

Biết cả hai thương tiếc mình nên mới nấn ná ở lại, thầy đồ bèn bảo:

– Thầy hiểu tấm lòng của các con. Nhưng nếu còn ở đây thì cả hai khó thoát tội chết. Các con phải đi ngay, các con đi rồi thầy mới an lòng được. Nghe thầy, mau chạy đi thật xa…

Sau đó thầy đồ lôi từ dưới gối ra chuỗi ốc roi rất dài, trao lại cho hai người và dặn:

Cả đời thầy chỉ có nghề dạy học cùng chuỗi ốc này mà thôi. Giờ thầy trao lại cho các con để các con kế tục thầy, dùng kiến thức của mình dạy cho đời sau học lấy cái hay, cái tốt, học đủ chữ nghĩa, đem tài của mình đóng góp cho đất nước.

Có thể là do muốn hai người học trò cưng của mình an tâm mà chạy trốn, thầy đồ khi đã dặn dò hết lời liền nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng. Cả hai cùng ôm lấy xác thầy than khóc lần cuối, sau đó nhanh chóng rời đi. Họ dẫn nhau trốn vào trong rừng sâu để lánh nạn.

Sau này, tên vua khét tiếng tàn độc cùng lũ quan tham bị trừ khử, nhân dân đề cử một vị hoàng tử đủ đức đủ tài lên thay. Hai người học trò lúc ấy mới vâng lệnh thầy ngày trước dặn, họ cùng nhau trở về làng và mở lớp dạy học. Học theo cách dạy của thầy mình khi trước, khi nhận học trò vào, họ cũng trao cho mỗi người một con ốc roi, thông qua nó để kiểm tra quá trình học tập cũng như đức tính của học trò.

Ngày hai người qua đời, họ chỉ chết cách nhau vài hôm. Từ mộ của hai người bỗng nhiên mọc lên hai loại cây lạ. Sau khi cây lớn, đơm hoa kết trái, trái cây nhìn rất lạ, hình dáng giống như con ốc roi.

Những quả mọc ra từ cây ở mộ người con gái thì có màu hồng. Cây bên mộ người con trai lại kết ra những quả màu trắng. Mọi người liền gọi nó là cây ốc roi. Nhưng sau này mọi người chỉ gọi ngắn gọn là cây roi. Chính là cây roi ngày nay chúng ta thường thấy. Gọi là roi nhưng không phải dùng đánh đập người. Gọi là roi nhưng lại tươi mát và hiền lành. Và nó là để nhắc cho người đời sau biết về câu chuyện cảm động của ba thầy trò nọ.