Khảo dị Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Truyện Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn giống với truyện Người đi dạo âm phủ cũng do Jê-ni-bren (Génibrel) sưu tập:

Có hai vợ chồng một người ở Nam-định, nhà giàu có lớn. Họ sinh được một cô con gái rất xinh và khôn ngoan tên là Trần Thị Xuân. Đặc biệt là mỗi bàn tay có sáu ngón. Không may năm nàng mười ba tuổi thì bị lên đậu trời mà chết. Thương nhớ con gái, hai vợ chồng không thiết làm ăn gì nữa. Nghe nói ở Quảng-yên có chợ Mạnh-ma, ở đấy dương gian và âm phủ có thể gặp nhau được, hai vợ chồng bèn tìm đến, mong được gặp con. Họ có mang theo một cái quả bằng bạc sắm cho cô gái lúc còn sống. Nhằm ngày mồng một tháng Sáu họ đến chợ giả bày hàng ra bán. Lát sau, người con gái đến hàng mua trầu, trông thấy cái quả của mình liền hỏi chuyện. Cha mẹ nhận ra con nhờ có bàn tay sáu ngón của cô và được con mời đi dạo cảnh âm phủ.

Chồng của cô là một viện quan giám thành, đưa cha mẹ vợ đi coi các cửa ngục. Khi đến cửa thứ nhất, hai vợ chồng thất kinh thấy tên tuổi của họ có yết ở cửa ngục. Họ vờ hỏi chàng rể tại sao có tên yết ở cửa, thì hắn bảo: – “Hai người đó ở dương gian cho người ta vay nợ một lớp vốn năm bảy lớp lời làm cho người ta phải bán vợ đợ con nên yết lên để chờ làm tội”. Hai vợ chồng lại hỏi: – “Vậy chúng nó muốn khỏi tội thì phải làm thế nào?” – “Phải làm chay bố thí cho hết của đó, mới mong khỏi được”. Trở về làng cũ hai vợ chồng dốc của cải ra đón sư làm chay và mạnh tay bố thí. Sau khi hết của họ lại lần mò ra chợ Mạnh-ma tìm con gái và định đòi xuống âm phủ xem thế nào. Nhưng cô gái vừa gặp cha mẹ đã bảo: – “Cha mẹ đã sạch tội rồi, không còn thấy tên ở cửa ngục nữa. Vậy chả cần xuống làm gì”.

READ:  Khảo dị truyện cố tích Việt Nam Sự tích thành Lồi

Cả hai truyện trên có lẽ chịu ảnh hưởng từ một số phật thoại ngoại lai trong đó có truyện Mục Liên thăm mẹ ở địa ngục khá phổ biến ở Việt-nam (xem cuối truyện số19).

Phần cuối truyện Thủ Huồn tương tự với Sự tích sư ông Huyền Chân và Truyện bà Hiếu.

Sự tích sư ông Huyền Chân: Xưa, ở chùa Quang-minh, xã Hậu-bổng (Hải-dương) có một hòa thượng nổi tiếng chân tu. Lúc về già, Phật Di-đà hiện lên báo mộng rằng: -“Nhà người có công với đạo Phật, kiếp sau sẽ cho giáng sinh làm vua Trung-quốc”. Khi hòa thượng chết, đệ tử vâng lời thầy viết vào vai mấy chữ “Hòa thượng Huyền Chân chùa Quang-minh”.

Về sau có lần sứ bộ Việt-nam sang Trung-quốc. Khi yết kiến, chánh sứ Nguyễn Tự Cường được vua Minh Hy Tông cho biết là mình sinh ra trên vai có mấy chữ, rửa mấy cũng không sạch, không biết đầu đuôi vì sao. Nguyễn Tự Cường về dò hỏi mới biết câu chuyện sư Huyền Chân, vội mang nước giếng chùa Quang-minh sang cho vua Trung-quốc. Kết quả, nước rửa đến đâu chữ mất đến đấy.

READ:  Khảo dị Sự tích ông đầu rau

Truyện bà Hiếu: Ở làng Linh-chiểu Đông (Gia-định) có người đàn bà tên là Hiếu nhà giàu, không có con cái. Bà bèn lập chùa Hòa-nghiêm bao vây một khoảng đất rộng để cho kẻ nghèo chôn cất làm phúc. Nhờ có công đức đó nên khi chết được đầu thai làm con gái vua Trung-quốc. Công chúa khi đẻ ra có chữ son “Gia-định, Linh-chiểu Đông, chùa Hoa-nghiêm” vua Trung-quốc cho là sự lạ, gửi giấy sang hỏi bên ta. Sau đó vua sai cúng vàng bạc vào chùa và xin đưa bài vị sang để thờ. Làng không chịu, chỉ làm một bài vị khác đưa sang cho vua Trung-quốc.

Theo Trương Quốc Dụng trong Thoái thực ký văn.

Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn, và tham khảo Thơ ông Thủ Huồn của Nguyễn Hữu Rằng.

Theo Vũ Phương Đề. Công dư tiệp ký.

Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.