Khảo dị Sự tích chim hít cô

Truyện sự tích chim hít cô theo người Hà-tĩnh, Quảng-bình kể cũng tương tự, nhưng có một tình tiết hơi khác:

Ngày xưa có hai cô cháu nhà nghèo, sống chung với nhau. Một năm nọ đói kém lớn, người chết như rạ. Hai cô cháu hết gạo, sức yếu, đành ngồi nhà đợi chết. Giữa khi đó người cháu bỗng trông thấy một con chuột nhắt. Hắn bảo chuột: – “Thôi từ giã chuột nhé! Chúng tao chết đói đây!”. Chuột bảo: – “Gạo đang còn trong bồ sao đã chết vội thế!”. Người cháu chạy vào buồng vét mãi trong bồ gạo chỉ thấy còn có mỗi một hạt cuối cùng. Thấy hắn ném xuống đất, chuột bảo: – “Ngọc của trời đấy. Cứ giữ lấy rồi mỗi ngày đưa ra hít ba lần là đủ sống rồi!”.

Cháu bèn nhặt lấy, trân trọng đưa cho cô, kể chuyện vừa rồi và nói: – “May quá chúng ta sẽ sống, o ạ”. Người cô cho là cháu mê hoảng nói càn không đề ý đến. Nhưng mấy ngày sau, trong khi cô cất bước không nổi thì cháu vẫn vui vẻ ca hát. Cô ngạc nhiên về sự mầu nhiệm của “hạt ngọc”. Từ đó hai cô cháu cứ đến bữa ăn là đem “hạt ngọc” mỗi người hít một tý, nhờ vậy họ kéo dài sự sống được vài mươi ngày.

Nhưng sau đó một hôm, trong khi hít, người cô buột tay để cho “hạt ngọc” chui tuột vào cổ họng của mình. Cô khạc mãi nhưng “hạt ngọc” vẫn không ra.

READ:  Khảo dị truyện sự tích Cô gái lấy chồng hoàng tử

Cháu giục cô ho, giục cô nôn ọe rối rít. Nhưng tuy cô đã làm đủ mọi cách mà “hạt ngọc” vẫn không chịu vọt ra.

Và sau đó cháu chết hóa thành chim hít cô, luôn mồm nhắc mãi sự bất cẩn của người cô vô ý. Có người lại bảo cháu chết hóa thành chim o ho. Ngày nay con chim đó vẫn còn kêu những tiếng “O ho! O ho!” là tiếng cháu giục cô ho khạc cho ra hạt gạo.

Người Nghệ-an cũng có một truyện kể như trên nhưng thay cho hạt gạo là hạt đỗ. Và ở đây đáng lý người cô hít “hạt ngọc” tuột vào cổ họng, thì lại là cháu. Dĩ nhiên cháu sống mà cô thì chết. Sau đó, cháu thương cô, hễ đến mùa đậu có quả thì van lên rằng: “Cô hỡi, cô hời, về ăn cơm với đậu ương”.

Có người kể: cháu sau đó cũng chết hóa làm chim tu hú. Cho nên về sau đến mùa đỗ, loài chim tu hú có cái ăn thì nhớ đến cô, kêu lên:

Cô hố cô hố.

Lúa đã trổ,

Đỗ đã chín,

Bay về mà ăn!

Có lẽ đây cũng là một dị bản, nhưng người kể đã nhớ lẫn lộn và không được trọn vẹn.

Người Nùng cũng có một truyện ít nhiều giống với truyện của ta:

READ:  Khảo dị Sự tích chim tu hú

Có hai cô cháu ở với nhau. Cháu tên là Pít-tu. Gặp nạn đói, trong nhà hết gạo, cô và cháu theo người ta vào rừng đào củ mài. Mãi đến gần trưa mới tìm được một dây. Cô bảo cháu ngồi chờ cho mình đào. Cô đào mãi vẫn chưa thấy củ mà bụng thì đã mấy ngày chưa có miếng gì. Khi đào gần đến củ, cô cúi người xuống móc lên, không ngờ tuột tay đâm đầu xuống hố. Cháu chạy đến kéo cô lên, nhưng vì người bé, sức yếu, lại đói, kéo mãi không lên. Cô chết, Pít-tu sau đó được tiên làm cho hóa thành chim tu hú, luôn mồm kêu “a ơ!” (a: tiếng Nùng nghĩa là cô).

Truyện còn thêm tình tiết: chim tu hú bay vào tận cung điện, mổ vào mắt nhà vua là kẻ đã gây ra nạn đói. Có lẽ tình tiết này là do các nhà sưu tập gần đây mới thêm vào.

Theo báo Tràng-an.

O: cô (tiếng Nghệ – Tĩnh).

Theo Bản khai của thôn Hướng-dương.

Theo Nguyễn Văn Ngọc. Truyện cổ nước Nam (B. Muông chim), quyển I.

Theo Truyện cổ Việt-bắc.