Một số điểm lưu ý khi làm Văn tự sự lớp 10

1. Tìm hiểu đề

– Đề bài yêu cầu tạo lập kiểu văn bản nào (kể chuyện hay miêu tả)? Để tạo lập văn bản ấy cần sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?

– Nội dung cần biểu đạt là gì?

– Để thực hiện yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị những tri thức và kĩ năng gì?

2. Lập dàn ý

– Mở bài:

Mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp? Xác định những nội dung cần biểu đạt trong phần Mở bài tuỳ theo từng cách mở bài.

+ Đối với đề bài kể chuyện: Giới thiệu câu chuyện (tên câu chuyện, chủ đề truyện,…)
+ Đối với đề bài miêu tả: Giới thiệu khái quát về đối tượng miêu tả.

Trong trường hợp đề bài yêu cầu viết đoạn văn thì giới thiệu đối tượng miêu tả ở câu mở đoạn.

– Thân bài:

+ Đối với đề bài kể chuyện: Kể lại diễn biến câu chuyện theo trình tự mở đầu, diễn biến, kết thúc.

Chú ý: Phát huy trí tưởng tượng để xây dựng nội dung kể phong phú, sinh động; Lựa chọn ngôi kể cho hợp lí (khi nhập vai nhân vật để tự kể về mình thì ngôi kể phải là “tôi”); Có thể kết hợp giữa kể với tả hoặc biểu cảm để câu chuyện thêm sinh động, bộc lộ được thái độ, suy nghĩ của mình về sự việc, chi tiết.

+ Đối với đề bài miêu tả: Tả lại đối tượng theo trình tự nhất định. Đối với văn tả người, chú ý tả từ đặc điểm về chân dung, cử chỉ, hành động đến tiếng nói; có thể điểm xuyết khung cảnh.

Trong trường hợp đề bài yêu cầu viết đoạn, thì đây là phần thân đoạn.

– Kết bài:

+ Đối với đề bài kể chuyện: Có thể kết bài bằng chính sự kết thúc của câu chuyện hoặc kết bài theo kiểu mở rộng. Tuy nhiên, tốt nhất là biết đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của mình về câu chuyện vừa kể đồng thời có thể mở rộng liên tưởng, tưởng tượng.

+ Đối với đề bài miêu tả: Nêu cảm nghĩ của mình về đối tượng vừa tả.

Trong trường hợp đề bài yêu cầu viết đoạn văn, có thể phần này tương ứng với câu kết đoạn.

3. Gợi ý thực hành

Đề 1: Kể lại một truyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh (chị) yêu thích (Ví dụ: Sọ Dừa, Bến quê, Những ngôi sao xa xôi…).

Gợi ý: Bài làm phải đảm bảo vừa đúng vừa đủ nội dung cốt truyện. Kể lại câu chuyện bằng lời văn của mình. Tuy nhiên, trong khi kể vẫn có thể dẫn y nguyên câu văn hoặc lời đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm. Có thể tham khảo dàn ý dưới đây (kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa).

(A) Mở bài

– Kể giới thiệu gia cảnh bố mẹ Sọ Dừa

– Sự ra đời thần kì và hình ảnh dị dạng của Sọ Dừa.

(B) Thân bài

Lần lượt kể các sự việc sau:

– Sọ Dừa đi chăn bò cho nhà Phú ông những tưởng sẽ rất khó khăn nhưng cậu chăn rất giỏi.

– Phú ông cắt cử ba cô con gái đưa cơm cho Sọ Dừa.

+ Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa.
+ Cô út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

– Cô út nhiều lần bắt gặp Sọ Dừa biến thành chàng trai tuấn tú khôi ngô đem lòng yêu thương chàng.

– Sọ Dừa đòi mẹ sang hỏi cho mình con gái Phú ông.

– Hai cô chị xấu tính nên từ chối. Cô út vì biết được thân hình của Sọ Dừa nên cúi mặt, e lệ bằng lòng,

– Sọ Dừa đi thi. Trước khi đi còn dặn dò và trao cho vợ những vật hộ thân.

– Hai cô chị bày mưu ác rồi đẩy cô em vào bụngcá.

READ:  Văn tự sự là gì

– Cô em không chết, giạt vào sống ở đảo hoang rồi may mắn nhờ vào những vật hộ thân mà gặp được chồng mình.

(C) Kết bài

– Hai cô chị thấy cô em trở về thì xấu hổ bỏ đi biệt tích.

– Vợ chồng quan trạng từ đấy sống hạnh phúc bên nhau.

* Lưu ý : Với kiểu loại đề bài này, người viết phải biết lựa chọn những chi tiết, những sự việc tiêu biểu trong tác phẩm rồi diễn đạt lại bằng văn phong của mình, tránh kể dài dòng, quá tham chi tiết.

Đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi-mông, kể lại chuyện Bố của Xi-mông.

Gợi ý: Đây là kiểu loại để kể chuyện tưởng tượng nhập vai. Muốn làm tốt cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của Xi-mông, biến chuyện của Xi-mông thành lời tự thuật của mình. Có thể xây dựng dàn ý kể chuyện như sau:

(A) Mở bài

– Giới thiệu:

+ Tôi là Xi-mông, là con của mẹ Blăng-sốt và bố Phi-líp yêu thương.

+ Thế nhưng, các bạn biết không, trước đây tôi đã vô cùng đau khổ vì bị coi là đứa trẻ không có bố.

(B) Thân bài

Kể lại lần lượt các sự kiện trong đoạn trích “Bố của Xi-mông”.

(1) Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi đi học:

– Bị bạn bè trêu như thế nào ?

– Bản thân đau đớn ra sao ? (trong suy nghĩ, hành động,…)

– Cảm giác sợ hãi, muốn lẩn tránh, xa lánh bạn bè

(2) Tôi đã bỏ lên bờ sông, trong đầu vướng vấn ý định tự tử ngay lúc ấy.

– Kể lại tâm trạng vô cùng tuyện vọng lúc ở bờ sông.

– Cảnh vật lúc đó thế nào ? Nó khiến “tôi” cảm giác ra sao ?

(3) Đang tuyệt vọng, bỗng nhiên có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi. Đó là bác thợ rèn Phi-líp.

– Kể lại việc bác thợ rèn nói chuyện với mình ra sao.

– Bác đưa mình về và nói chuyện với mẹ thế nào.

(4) Vô cùng sung sướng khi Bác Phi-líp đồng ý nhận làm cha của mình.

– Muốn khoe với các bạn và tự hào vì mình có bố.

(C) Kết bài

– Đây là câu chuyện có ý nghĩa nhất đối với bản thân tôi.

Kể từ ngày ấy tôi luôn hạnh phúc và tự hào vì được sống trong tình thương yêu của cả bố mẹ tôi.

Đề 3: Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thuỷ cung, Trọng Thuỷ đã tìm gặp lại Mị Châu. Những sự việc gì đã xảy ra? Hãy kể lại câu chuyện đó.

Gợi ý: Đây là loại đề yêu cầu kể chuyện tưởng tượng và sáng tạo. Để làm tốt loại bài này cầnn phát huy khả năng tưởng tượng liên tưởng (các sự việc, các chi tiết để tạo thành cốt truyện). Yêu cầu các chi tiết, sự việc phải đảm bảo lôgic, phải phù hợp với tâm lí, tính cách của các nhân vật. Không những thế cách giải quyết được đưa ra cũng phải làm hài lòng người đọc.

Có thể tham khảo một dàn ý dưới dây:

(A) Mở bài

– Sau khi an táng cho vợ, Trọng Thuỷ ngày đêm buồn rầu khổ não.

– Một hôm đang tắm, Trọng Thuỷ nhìn thấy bóng Mị Châu ở dưới nước bèn nhảy xuống giếng ôm nàng mà chết.

(B) Thân bài

(1) Trọng Thuỷ lạc xuống Thuỷ cung.

– Vì trong lòng luôn ôm nỗi nhớ Mị Châu nên sau khi chết, linh hồn Trọng Thuỷ tự tìm đến thuỷ cung.

– Miêu tả cảnh cảnh ở dưới thuỷ cung (cung điện nguy nga lộng lẫy, người hầu đi lại rất dông…).

(2) Trọng Thuỷ gặp lại Mị Châu.

– Đang ngơ ngác thì Trọng Thuỷ bị quân lính bắt vào đại điện.

– Trọng Thuỷ được đưa đến quỳ trước mặt một người mà lính hầu gọi là công chúa.

READ:  Em có cảm nghĩ gì khi mình thấy mình đã khôn lớn

– Sau một hồi lục vấn, Trọng Thuỷ kể rõ mọi sự tình. Lúc ấy Mị Châu cũng rưng rưng nước mắt.

(3) Mị Châu kể lại chuyện mình và trách Trọng Thuỷ.

– Mị Châu chết, được vua Thuỷ Tề nhận làm con nuôi.

– Mị châu cứng rắn nặng lời phê phán oán trách Trọng Thuỷ.

+ Trách chàng là người phản bội.

+ Trách chàng gieo bao đớn đau cho hai cha con nàng và đất nước.

– Mị Châu nhất quyết cự tuyệt Trọng Thuỷ rồi cả cung điện tự nhiên biến mất.

(4) TrọngThuỷ còn lại một mình: Buồn rầu, khổ não, Trọng Thuỷ mong ước nước biển ngàn năm sẽ xoá sạch lầm lỗi của mình.

(C) Kết bài

Trọng Thuỷ hoá thành một bức tượng đá vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.

* Lưu ý: Người viết có thể vẫn dựa vào dàn ý nêu trên nhưng có thể chọn nội dung câu chuyện khác, ví dụ:

– Trọng Thuỷ và Mị Châu gặp gỡ nhau. Hai người tỏ ra ân hận. Nhưng rồi họ quyết định từ bỏ mọi chuyện ở dương gian để sống cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nơi đáy nước.

– Mị Châu gặp Trọng Thuỷ. Nàng phân rõ lí tình về những chuyện lúc hai người còn sống. Hiểu lời vợ, Trọng Thuỷ tỏ ra ân hận, nhận tất cả lầm lỗi về mình. Hai người hứa hẹn sẽ làm những điều tốt đẹp để bù đắp những lầm lỗi trước đây.

Đề 4 : Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Gợi ý: Kể niệm được chọn cần có chọn lọc (phải quan trọng, phải giàu ấn tượng và giàu cảm xúc). Khi kể cần chú ý đảm bảo đúng ngôi người kể (ngôi thứ nhất).

Có thể tham khảo dàn ý như sau:

(A) Mở bài

– Giới thiệu mối quan hệ của bản thân với người mà mình đã có được kỉ niệm giàu ấn tượng và sâu sắc (ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô…).

– Kể lại hoàn cảnh nảy sinh kỉ niệm ấy (trong một lần về thăm quê, trong một lần cùng cả lớp đi chơi, đi học nhóm hoặc trong một lần được điểm tốt, hay một lần mắc lỗi được thầy cô rộng lượng phân tích và tha thứ…).

(B) Thân bài

(1) Giới thiệu chung về tình cảm của bản thân với người mà ta sắp xếp (tình cảm gắn bó lâu bền hay mới gặp, mới quen, mới được thầy (cô) dạy bộ môn hay chủ nhiệm…).
(2) Kể về kỉ niệm.

– Câu chuyện diễn ra vào khi nào ?

– Kể lại nội dung sự việc.

+ Sự việc xảy ra thế nào ?

+ Cách ứng xử của mọi người ra sao ?

Ví dụ : Vào giờ kiểm tra, tôi không học thuộc bài nhưng không nói thật. Tôi tìm đủ lí do để chối quanh co (do mẹ tôi bị ốm…). Nhưng không ngờ hôm trước cô có gọi điện cho mẹ trao đổi về tình hình học tập của tôi.

Nhưng ngay lúc ấy cô không trách phạt. Để giữ thể diện cho tôi, cô mời tôi cuối giờ ở lại để “hỏi thăm” sức khoẻ của mẹ tôi…

– Kỉ niệm ấy đã để lại trong bản thân điều gì? (Một bài học, thêm yêu quý ông bà, bạn bè, thầy cô hơn…).

(C) Kết bài

– Nhấn mạnh lại ý nghĩa của kỉ niệm ấy.

– Tự hào và hạnh phúc vì có được người ông (bà, cha mẹ, bạn, thầy cô…) như thế.