Đọc hiểu bài Dế chọi của Bồ Tùng Linh

Đọc hiểu bài Dế chọi của Bồ Tùng Linh

(Trích “Liêu Trai chí dị”)

I. GỢI DẪN

1. Tác giả

Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) tự Lưu Tiên, còn có tự là Kiếm Thần, hiệu Liễu Tuyền, người tỉnh Sơn Đông. Ngoài tập truyện Liêu Trai chí dị, ông còn để lại 4 quyển Văn tập, 6 quyển Thi tập. Năm 1980, ông được thế giới kỉ niệm như một Danh nhân văn hoá.

2. Tác phẩm

Liêu Trai chí dị (Những chuyện quái dị chép ở Liêu Trai) là tập truyện ngắn gồm hơn 400 thiên. Đề tài của truyện do tác giả sưu tầm trong dân gian hoặc rút từ truyện Chí quái lục triều hay Truyền kì Đường rồi gia công sáng tạo thêm. Tác giả đã mượn truyện thần tiên ma quái để chỉ trích nền chính trị tàn bạo của người Mãn Thanh, phê phán những thói hư tật xấu của bọn nho sĩ, thể hiện khát vọng tự do trong tình yêu và hôn nhân.

Liêu Trai chí dị là tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật viết truyện ngắn cổ điển Trung Quốc. Với nghệ thuật tả chân sâu sắc, tác giả đã phản ánh diện mạo xã hội thời đầu Mãn Thanh. Lúc đó xã hội còn thịnh hành tư tưởng mê tín dị đoan, chịu ảnh hưởng của tư tưởng định mệnh, của thuyết luân hồi báo ứng. Điều đó thể hiện rất rõ trong tác phẩm và đem lại màu sắc riêng cho tác phẩm. “Riêng nói về bộ Liêu Trai này, chuyện hồ quỷ chiếm quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay. Cái hay của Liêu Trai, như nghìn vạn cảnh tượng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kĩ, sẽ thấy được rõ ràng” (Tản Đà, Tuyển tập “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, NXB Văn học, 2003).

Dế chọi thuộc loại truyện đả kích chế độ chính trị tàn bạo, vạch mặt bọn quan lại tham nhũng, cường hào ác bá, đồng thời bày tỏ sự cảm thông đối với những con người “bé nhỏ” bị chà đạp, hãm hại. Đó là một truyện tiêu biểu cho tinh thần phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời.

3. Tóm tắt

Câu chuyện xoay quanh s­ự việc Thành Danh – một chức dịch hiền lành không dám bổ bán dân chúng tìm dế chọi dâng vua nên phải tự đi tìm dế chọi. Bi kịch của gia đình anh bắt nguồn từ đó.

Bọn quan lại muốn lấy lòng vua nên đem dâng vua con dế chọi. “Vua thấy chọi hay quá đòi phải cung tiến th­ường xuyên”. Vì phải tìm mua dế dâng vua mà bao gia đình lâm vào thảm cảnh. Nhiều gia đình khuynh gia bại sản khi đến lượt nộp dế. Một trong những thảm cảnh do lệ nộp dế chọi gây ra chính là thảm kịch của gia đình Thành Danh. Thành Danh hiền lành nên không dám sách nhiễu dân chúng, lo lắng quá nên phải tự đi tìm dế. Tìm mãi không được, hạn nộp dế đã hết, Thành Danh bị quan phạt, bị đánh đập, lo lắng muốn tự vẫn. Vợ Thành đi xem bói, biết nơi có dế tốt. Thành đã bắt được một con dế chọi như ý. Nhưng không may con Thành làm dế bị chết. Bị mẹ mắng, nó sợ hãi nhảy xuống giếng và bị chết đuối. Thành mất con, mất dế. Con Thành sống lại nhưng vô hồn. Hồn con Thành hoá thân vào con dế chọi. Dế nhỏ nhưng nhanh nhẹn và chọi rất giỏi. Dế mang dâng vua, chọi giỏi lại biết nhảy múa, vua rất vừa lòng và ban thưởng cho quan tỉnh. Gia đình Thành Danh được giàu sang phú quý, “Ruộng đồng trăm khoảnh… ngựa xe vượt cả các bậc quyền thế.

4. Cách đọc

Chú ý nhấn giọng ở các từ ngữ và chi tiết lột tả sự thối nát của hệ thống chính trị của xã hội đương thời mà tác phẩm đề cập. Ví dụ :

– “Thời Tuyên Đức trong cung rất chuộng trò chơi chọi dế, hằng năm trưng thu dế trong dân“.

– “Mỗi lần phải nộp một con dế, đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà“,…

Tham khảo: Soạn bài Dế chọi – Trích Liêu Trai chí dị

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Dế chọi là câu chuyện mang nhiều yếu tố hoang đường, một đặc trưng nổi bật trong bút pháp nghệ thuật của Liêu Trai chí dị. Câu chuyện đã tái hiện một mảng hiện thực đen tối của xã hội, vì thế truyện có giá trị hiện thực sâu sắc. Chỉ một câu chuyện dâng dế chọi lên vua mà phản ánh được cả bộ mặt của giai cấp thống trị tàn bạo, ăn chơi sa đoạ và những thảm cảnh mà nhân dân lao động phải chịu đựng. Một con dế chọi có thể mang đến thảm kịch cho một gia đình, một tỉnh nhưng cũng có thể mang vinh hoa phú quý đến cho cả một tỉnh, một dòng họ.

Con dế chọi chỉ là một phương tiện vui chơi giải trí của vua quan nơi cung cấm nhưng lại là yếu tố quyết định sống chết của người dân. Gia đình Thành Danh là một minh chứng tiêu biểu. Dế chọi đã mang tai hoạ đến cho gia đình Thành Danh song cũng chính dế chọi (con dế do linh hồn con trai Thành Danh hoá thân vào) lại mang đến cho gia đình Thành Danh vinh hoa phú quý.

Lệ cung tiến dế chọi hàng năm là một cái cớ để quan lại sách nhiễu dân chúng, bọn tay chơi thì có cơ hội làm tiền. Vì thế, “mỗi lần phải nộp một con dế, đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà”. Vì đến lượt làng nộp dế mà Thành Danh ngày đêm lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Trước đó, gia đình Thành Danh đã khốn đốn vì “Anh ta vốn người chất phác, ít nói, cho nên bị bọn hương chức quyền thế ép phải giữ chân chức dịch trong làng. Tuy muôn phương nghìn kế chối từ mà vẫn không thoát. Mới chưa đầy một năm mà cái gia sản nhỏ mọn của anh ta cơ hồ đã kiệt”. Thành Danh “lo buồn quá chỉ muốn chết đi cho rảnh”. Không dám sách nhiễu dân làng nộp dế, Thành phải tự đi tìm, không tìm được dế, anh đã bị quan phạt đòn : “đôi mông máu me bê bết mà chẳng có con dế nào để nộp… chỉ còn nghĩ đến chuyện tự tử mà thôi”.

Thế nhưng số phận của Thành Danh cũng hé sáng khi vợ Thành Danh được cô đồng chỉ nơi có dế. Thành Danh tìm được dế tốt, nhưng con dế ấy lại gây ra thảm kịch thứ hai, bi thảm hơn của gia đình anh. Đó là cái chết của đứa con trai. Tai hoạ ập lên tai hoạ. Người cha không tìm được dế muốn “chết quách cho rảnh”, con trai vô tình làm dế chết, sợ hãi quá nhảy xuống giếng chết đuối. Khi thấy xác con dưới giếng, Thành Danh “chuyển giận thành thương”, “vật vã kêu trời muốn chết”. Sau đó nỗi lo lắng làm cho Thành Danh “nhìn cái lồng dế rỗng không lại như đứt hơi, tắc họng, không nghĩ gì đến con nữa, Thành nằm dài, lòng buồn rười rượi”. Hai nỗi đau, nỗi lo lắng dồn lên anh chức dịch hiền lành. Gia đình rơi vào bế tắc. Con thì chết đi sống lại, cha thì đau khổ tuyệt vọng, liên tục trải qua các trạng thái căng thẳng thần kinh, khi thì “lạnh toát xương sống”, khi thì “vật vã kêu trời muốn chết”, khi “như đứt hơi, tắc họng”, lúc lại “nằm dài, lòng buồn rười rượi”… Đó là cảnh ngộ riêng của Thành Danh và gia đình Thành Danh, nhưng cũng có thể hiểu đó là tình cảnh chung của những người dân lương thiện khác trong xã hội đương thời. Quả thật, lệ hiến dế chọi đã làm nhiều gia đình tiêu tán gia sản, nhân lực, sức khoẻ, thậm chí tính mạng nữa. Đúng là một “tấm ảnh nhỏ” mà đã thu vào “nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian” như thi sĩ Tản Đà đã bình luận.

Nếu chỉ dừng lại ở đây thì sức tố cáo của tác phẩm chưa có gì đặc sắc và mới lạ. Tác phẩm hay hơn là ở cảnh hai. Đứa con vì sợ hãi, vì thương cha mẹ mà đã hoá thân vào chú dế nhỏ nhanh nhẹn, chọi giỏi lại còn biết nhảy múa. Con dế do chú bé hoá thân đã biết lấy lòng vua quan. Nó đã mang đến vinh hoa phú quý cho biết bao nhiêu người. Vua đẹp lòng vì có trò chơi thú vị nên quan tỉnh được thưởng. Quan tỉnh vừa lòng nên gia đình Thành Danh được thơm lây.

Vì có con dế hay dâng vua mà Thành Danh được học tiếp và thi đỗ tú tài. Con dế đã giúp anh chức dịch hiền lành “thành danh”. Khi biết con dế chọi độc đáo ấy là hoá thân của con trai Thành Danh thì gia đình anh đã được vinh hiển, “vượt qua các bậc quyền quý”. Đó cũng là tính chất châm biếm của câu chuyện. Tính chất này còn được thể hiện ở lời bình luận ở cuối tác phẩm : “Còn ơn trời đền đáp sao mà dài lâu hậu hĩ vậy, khiến cho quan tỉnh, quan huyện đều được hưởng ân huệ và phúc ấm của dế. Ta từng nghe : “Một người thăng thiên, gà chó cũng thành tiên”. Đáng tin vậy thay”. Câu văn đầy tính chất mỉa mai, châm biếm dành cho bọn quan tỉnh, quan huyện. “Phúc ấm” nguyên văn chữ Hán để chỉ công danh, chức tước triều đình ban cho con cháu do cha ông lập được nhiều công tích. Như thế, nguyên văn của từ này nếu được dùng đúng nghĩa là nghĩa tốt, là sự ban thưởng xứng đáng cho người có công với dân với nước. Còn ở đây, chữ “phúc ấm” được dùng với nghĩa mai mỉa – “phúc ấm” lại do dế chọi đem lại.

Tác giả đã khéo léo tạo nên những tình huống may rủi, hoạ phúc đan cài nhau. Nó vừa thể hiện được sự bấp bênh của số phận những người dân lao động nghèo, vừa tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện. Số phận, sự sống chết, nghèo hèn hay giàu sang của người dân thấp cổ bé họng hoàn toàn phụ thuộc vào niềm vui hay sự phật ý thất thường của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc thời Tuyên Đức. Những tình huống may rủi mà Thành Danh từng gặp trong tác phẩm làm cho câu chuyện tăng phần hấp dẫn nhưng về nội dung lại khiến người đọc phải suy nghĩ về cuộc sống con người trong xã hội đương thời.

READ:  Soạn bài Lập kế hoạch cá nhân lớp 10

Thông qua câu chuyện ngắn gọn với một số chi tiết li kì, biến ảo về việc gia đình Thành Danh tìm bắt, nuôi nấng dế chọi để cống nạp cho nhà vua, tác giả đã phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời đã đè nén, áp bức, gây ra bao đau thương cho những người dân hiền lành lương thiện. Truyện có kết cấu hết sức chặt chẽ. Chặt chẽ mà vẫn có những biến hoá khôn lường, hợp lí và lôgíc chứ không đơn điệu, cứng nhắc. Từ đầu đến cuối truyện mọi tình tiết đều xoay quanh câu chuyện dế chọi. Truyện chỉ viết về một gia đình cụ thể là gia đình Thành Danh với những tình huống may rủi xen kẽ, tất cả đều gắn với chuyện tìm dế chọi, luyện dế chọi để cống nạp nhưng đã để lại những ấn tượng khó quên vì những diễn biến bất ngờ và thú vị.

Dế chọi là câu chuyện tiêu biểu cho đặc điểm nghệ thuật của bộ Liêu Trai chí dị. Những câu chuyện li kì đầy chất quái dị hấp dẫn và giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc đã làm nên sức sống cho tác phẩm.

III. LIÊN HỆ

1. Lời bình Liêu Trai của thi sĩ Tản Đà :

Đêm thu dưới trăng, một mình ngồi nghĩ ngợi. Nghĩ rằng : Hằng Nga Quảng Hàn liệu khó có thể là có, mà tự mình không muốn bảo là không ; lại cả như Khiên Ngưu, Chức Nữ, Ngân Hà, có lẽ cũng là không, mà thế gian vẫn cứ nói như có. Vậy phàm câu chuyện của người đời có nói, tai ta có nghe, cứ chi là có là không ; không hay có, ở tự lòng ta vậy.

Bộ Liêu Trai nguyên Hán văn của ông Bồ Tùng Linh soạn ra, tất cả 448 truyện từ đời Khang Hi nhà Thanh đến nay, kể có 260 năm. Hiện nay, có bản có chú giải, đồ hoạ điểm xuyết, tranh in ra để lưu hành. Vậy tất có lí thú như sao, cho nên mới được người đời mến chuộng thế.

Tôi từ tuổi trẻ thôi sự học khoa cử, trong lúc vô liêu thường hay xem Liêu Trai, chỉ thấy chuyện vui mà văn hay, đủ cả một tập sách tiêu khiển có giá trị. Mới đây, dịch bộ sách đó, nhân xem lại và nhận kĩ, thời thấy có hương vị hơn xưa, thấy rằng :

Bộ Liêu Trai của Tàu, cùng với quyển Truyện Kiều của ta, tuy văn xuôi, văn vần khác nhau, mà cái tài học của tác giả, cái giá trị của văn chương thực có giống nhau lắm. Hai tác giả cùng bực học rộng, mà văn có đại tài. Cụ Nguyễn Du viết quyển Kiều, bao nhiêu câu lục bát, mà không câu nào phảng phất với câu nào. Ông Bồ Tùng Linh viết Liêu Trai, bao nhiêu truyện dài, ngắn, mà không truyện nào phảng phất với truyện nào, điển tích dẫn dùng, lời lẽ gọt chuốt, đều hoành bác mà tinh thông. Cho nên đều được người đời mến chuộng về lâu dài, là một lẽ xứng đáng. Tác giả Liêu Trai là người ở Trung Quốc, sinh vào đời Mãn Thanh, chắc có chỗ u phẫn mà mượn tập truyện đó để khiển hoài ; cũng như cụ Nguyễn Du ta là cố thần nhà Lê, mà bùi ngùi vì thân thế xuất xứ vậy.

Riêng nói về bộ Liêu Trai này, chuyện hồ quỷ chiếm có quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay. Cái hay của Liêu Trai, như nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian, đều thu vào những phiên ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kĩ, sẽ thấy được rõ ràng. Lại những ý tưởng quang minh chính đại, những kiến thức khoáng đạt cao siêu, đều tuỳ thế chuyện, mượn mồm người, mà phát ra ngôn luận, đặt làm văn chương. Cho nên cái hay không những chỉ là đáng yêu mà phần đáng trọng rất không ít. Cho nên không thể coi như một bộ tiểu thuyết tầm thường, mà cũng không phải như Chức Nữ, Hằng Nga, chỉ thanh thú mà không có thiết đến nhân thế. ấy là cái giá trị xác thực của Liêu Trai…

(Tư liệu văn học 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2001)

2. Đọc truyện Tịch Phương Bình – một truyện tiêu biểu cho loại truyện vạch trần chế độ chính trị hà khắc, đả kích quan tham ô lại, cường hào ác bá, bênh vực những người bị oan ức bị bức hại,… của Bồ Tùng Linh :

Tịch Phương Bình, người Đông An, cha tên là Liêm, thẳng tính nhưng nóng vụng ; nhân cùng một người nhà giàu họ Dương trong làng có chuyện hiềm khích. Họ Dương chết trước, mấy năm sau Liêm mắc bệnh nguy kịch, bảo mọi người rằng :

– Lão Dương nay đang lo lót ở dưới âm ti(1), sai người bắt tôi.

Được một chốc, mình mẩy tấy đỏ lên, kêu gào mấy tiếng rồi chết.

Tịch buồn thảm, không ăn, nói :

– Cha tôi thực thà, chất phác, nay bị loài quỷ dữ lăng nhục, tôi phải đánh đường xuống đất thân oan cho cha mới được.

Từ bấy giờ không nói năng gì nữa, lúc thì ngồi, lúc lại đứng, tình trạng giống hệt như người ngây, thì ra hồn đã lìa khỏi xác.

Thoạt đầu, Tịch cảm thấy mình ra khỏi cửa, không biết đi đâu. Nhìn trên đường thấy có người đi, bèn hỏi thăm đâu là thành quách của ấp. Một lát, vào đến thành, thì cha mình đã bị giam vào ngục. Đi đến cửa ngục, xa xa trông thấy cha đang nằm dưới thềm, có vẻ khổ sở lắm. Ngước lên nhìn thấy con, nước mắt bỗng trào ra, liền gọi :

– Bọn lại ngục đứa nào cũng nhận hối lộ và được rỉ tai trước cả, nên ngày đêm đánh đập tra khảo, đùi vế giập nát đến tệ hại.

Tịch nổi nóng, lớn tiếng mắng quân canh ngục :

– Nếu như cha ta có tội thì đã có phép vua, đồ quỷ chết dấp chúng bây, há lại có thể hoành hành như thế được sao ?

Mắng rồi bèn trở ra, kiếm giấy bút làm đơn. Vừa gặp phiên hầu buổi sớm của Thành hoàng, chàng đệ đơn lên kêu oan. Họ Dương sợ, đút lót từ trong đến ngoài rồi mới ra công đường đối chất. Thành hoàng lấy cớ lời tố cáo của Tịch không có bằng cứ, chẳng coi ra gì cả. Tịch uất ức mà không còn chỗ nào để giãi bày, bèn cứ mò mẫm mà đi, chừng hơn trăm dặm thì đến quận, đem tình trạng quan lại, chức dịch tư túi trình lên viên quan đầu quận. Việc trì hoãn đến nửa tháng mới được đem ra xử. Quan quận cho Tịch một trận đòn, rồi phê vào đơn, trả về cho Thành hoàng xét lại án.

Tịch trở về ấp cũ, chịu đủ mọi thứ gông cùm, đau đớn, oan ức không biết trút đi đâu cho hả. Thành hoàng sợ chàng lại kiện nữa, bèn sai nha dịch áp giải về nhà. Nha dịch đưa đến cổng mới bỏ đi. Tịch không chịu vào, lại trốn xuống cõi âm, đến tận phủ Diêm Vương, tố cáo tội tham tàn của quận và ấp. Diêm Vương lập tức cho bắt cả hai đến đối chất. Hai viên quan mật sai người tâm phúc đến thương thuyết với Tịch, hứa biếu Tịch ngàn vàng. Tịch không nghe. Mấy hôm sau, chủ nhà trọ nói với Tịch rằng :

– Anh giữ ý khăng khăng quá, quan phủ đã cầu hoà mà cứ cố chấp không nghe. Nay nghe đâu người nào cũng đều có thư riêng dâng lên Diêm Vương, sợ hỏng việc mất.

Tịch cho là lời đồn vu vơ ngoài đường, cũng chưa tin lắm. Chốc lát có người mặc áo đen gọi vào hầu.

Lên giữa công đường, trông thấy Diêm Vương mặt có sắc giận không cho nói năng gì, truyền đánh ngay hai mươi roi. Tịch xẵng giọng hỏi :

– Kẻ tiểu nhân này có tội gì ?

Diêm Vương tảng lờ như không nghe. Tịch chịu đòn, kêu to lên :

– Phải đòn là đáng lắm ! Ai bảo mi không có tiền !

Diêm Vương càng giận, truyền đặt lên giường lửa. Hai tên quỷ liền tóm hai chân Tịch. Trông sang thềm phía đông thấy có chiếc giường sắt, lửa đốt ở phía trước, cả mặt giường đều đỏ rực. Bọn quỷ cởi áo Tịch ra, bắt chàng đặt lên giường đưa tay lăn qua lăn lại. Đau buốt, xương thịt cháy đen, khổ không chết đi được. Ước chừng hơn một giờ, quỷ bảo :

– Đủ rồi !

Bèn đỡ chàng dậy, bắt xuống giường mặc áo, may còn tập tễnh mà đi được. Lại dẫn đến trước công đường. Diêm Vương hỏi :

– Còn dám kiện nữa không ?

Tịch đáp :

– Oan to chưa giải, tấc lòng này vẫn không nguội lạnh ! Nếu nói rằng không kiện nữa thì chính là lừa dối đại vương thôi. Nhất định còn kiện nữa !

– Lấy lời lẽ gì mà kiện ?

Tịch đáp :

– Những cái thân tôi phải chịu đây đều là lời lẽ cả đấy.

Diêm Vương lại nổi giận, hạ lệnh dùng cưa, xẻ thân thể chàng. Hai tên quỷ liền kéo đi, nhìn thấy một cây gỗ dựng đứng cao hơn tám chín thước, lại có hai tấm ván đặt ngửa ở phía dưới ; từ trên xuống dưới máu còn đọng bê bết. Đang sắp chịu trói, bỗng trên công đường có tiếng gọi to :

– Họ Tịch kia !

Hai tên quỷ lại điệu chàng về ngay chỗ cũ. Diêm Vương lại hỏi :

– Còn dám kiện nữa không ?

Đáp rằng :

– Nhất định kiện nữa !

Diêm Vương truyền lệnh bắt ra cưa mau. Đến dưới cây gỗ, bọn quỷ bèn dùng hai mảnh ván kẹp Tịch vào giữa, rồi trói vào thân cây. Lưỡi cưa vừa hạ xuống, đã cảm thấy đỉnh đầu tách dần ra, đau không sao chịu nổi, nhưng cũng cố chịu đau không kêu. Nghe bọn quỷ nói với nhau :

READ:  Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam

– Gan thay anh chàng này !

Lưỡi cưa đưa xoèn xoẹt, xuống dần đến dưới ngực. Lại nghe một tên quỷ nói :

– Người này chí hiếu, không có tội gì, hãy cho chệch lưỡi cưa đi một tí, đừng để hại đến quả tim của hắn.

Liền cảm thấy lưỡi cưa cong chênh chếch mà ấn xuống, càng đau đớn khổ sở gấp bội. Chỉ giây lát, nửa thân thể đã tách rời. Vừa cởi ván ra, hai mảnh thân đều đổ ụp. Quỷ lên công đường lớn tiếng trình báo. Trên công đường truyền gọi, bảo khớp thân thể lại, rồi lên bái kiến. Hai tên quỷ tức thì đưa tay đẩy, khiến cho hai mảnh thân hợp ngay lại, rồi kéo dậy bảo đi. Tịch cảm thấy ở chỗ đường cưa đã dính liền đau nhức nhối chừng như lại muốn xẻ ra, đi nửa bước lại ngã dúi. Một tên quỷ rút ngay dải thắt lưng bằng dây tơ của mình ra, trao cho chàng, nói :

– Tặng cái này, để đền đáp lòng hiếu của ngươi.

Chàng nhận lấy đeo vào thì thân thể đột nhiên khoẻ khoắn trở lại không còn nhức nhối khổ sở chút nào. Bèn lên công đường sụp lạy. Diêm Vương lại vẫn hỏi như trước. Tịch sợ lại phải tái diễn những cực hình tàn ác, bèn đáp rằng không kiện nữa. Diêm Vương lập tức ra lệnh đưa chàng trở về dương gian(1). Sai nha đưa ra khỏi cửa bắc chỉ vẽ đường về cho chàng rồi quay đi. Tịch nghĩ các công sở dưới cõi âm lại còn mờ ám hơn ở trên trần thế, nhưng không còn đường nào để kêu thấu đến tai Thượng Đế thì biết làm gì được ! Thế gian vẫn truyền rằng có thần Nhị Lang ở Quán Khẩu là thân thuộc về bên ngoại của Thượng Đế. Vị thần này công minh chính trực, đến đấy kêu, tất có linh ứng khác thường. Lại mừng thầm hai tên sai nha đã đi rồi, bèn quay sang hướng nam. Giữa lúc đang rong ruổi, bỗng có hai người đuổi theo nói :

– Đại vương ngờ ngươi không chịu về, nay quả thế thực.

Rồi tóm lấy chàng, đưa trở lại yết kiến Diêm Vương. Bụng nghĩ chắc Diêm Vương sẽ càng bực bội hơn, tai vạ lại càng thảm khốc, ấy thế mà Diêm Vương không hề có sắc giận, chỉ bảo Tịch rằng :

– Lòng hiếu của người thực chí thành. Những nỗi oan của cha ngươi ta đã rửa sạch rồi. Nay được đầu thai(2) vào nhà giàu sang, chẳng cần ngươi phải kêu nài làm gì nữa. Nay đưa ngươi về, cho ngươi một sản nghiệp đáng giá nghìn vàng, lại ban cho tuổi thọ thì đã mãn nguyện hay chưa ?

Bèn ghi vào sổ, đóng ấn lớn vào, sai lính đưa cho chàng nhìn tận mắt. Tịch tạ ơn lui xuống. Quỷ đưa chàng trở ra. Ra đến đường đuổi và mắng rằng :

– Thằng giặc gian hoạt này luôn luôn tráo trở, khiến cho người ta phải chạy ngược chạy xuôi muốn chết ! Nếu còn tái phạm thì phải bắt bỏ vào cối xay lớn, nghiền cho nát nhừ ra.

Tịch trừng mắt quát :

– Đồ ma quỷ gì thế ? Tính ta chịu được dao cưa, nhưng không chịu được roi vọt đâu. Xin hãy trở lại yết kiến đại vương, nếu vương cho ta tự về lấy thì cũng chẳng việc gì phải vất vả các anh đưa tiễn.

Nói rồi liền chạy trở lại. Hai tên quỷ sợ, dùng lời ôn tồn khuyên dỗ chàng về. Tịch cố đi thật chậm rãi, đi được vài bước lại nghỉ ở bên đường. Quỷ nuốt giận không dám nói gì nữa. Chừng nửa ngày, đến một thôn kia, có ngôi nhà cánh cửa nửa mở nửa khép, quỷ kéo chàng cùng ngồi xuống. Tịch nhân tiện ngồi tựa trên bậc cửa. Hai tên quỷ thừa lúc chàng không đề phòng, đẩy luôn chàng vào bên trong cửa. Chàng thất đảm(1), kịp định thần nhìn lại, thì thân mình đã hoá thành trẻ sơ sinh. Phẫn uất, chỉ kêu khóc, không bú, ba ngày sau chết.

Vong hồn phiêu diêu đây đó mà vẫn không quên Quán Khẩu. Bôn tẩu chừng vài chục dặm, bỗng thấy một cỗ xe cắm lọng lông chim đi tới, cờ quạt, kiếm kích đứng chắn ngang đường. Đang vượt đường để tránh, chẳng may chạm vào nghi trượng, chàng bị mấy người cưỡi ngựa đi trước bắt được, trói lại, giải đến trước xe. Ngẩng lên thấy ở trong xe có một người trai trẻ, tướng mạo khôi ngô, kì vĩ, hỏi Tịch là người nào. Giữa lúc lòng đầy oan ức mà chưa có chỗ để tuôn ra, lại nghĩ đây tất là một vị quan lớn, hoặc giả cũng là người có thể ra oai tác phúc được, Tịch bèn kể hết mọi nỗi thống khổ đau đớn của mình. Người trong xe truyền lệnh cởi trói cho chàng, và bảo đi theo xe. Lát sau, đến một nơi, có hơn mười viên quan ra đón ở bên đường. Người trong xe hỏi han từng người một. Thế rồi, trỏ vào Tịch, bảo một vị quan rằng :

– Đây là người dưới âm, đang muốn lên đây tố tụng(2). Nên giúp anh ta làm rõ trắng đen ngay.

Tịch hỏi dò những người theo hầu, mới biết người ngồi trong xe là Cửu Vương điện hạ, con trai Thượng Đế, còn người mà ông dặn dò chính là Nhị Lang. Tịch nhìn Nhị Lang mình cao râu rậm, không giống như lời thế gian vẫn đồn.

Sau khi Cửu Vương đi khỏi, Tịch theo Nhị Lang đến một toà dinh thự, thì cha mình và đám họ Dương đã có mặt. Chỉ thoáng chốc, trong xe tù lại có những tù nhân bước ra, đó là Diêm Vương, viên quan đầu quận và Thành hoàng.

Tất cả đều phải lên công đường đối chất và thẩm vấn. Những lời Tịch khai không có một chỗ nào là dối trá. Ba viên quan run lẩy bẩy, trông bộ dạng y như những con chuột bò mọp dưới đất. Nhị Lang cầm bút phê ngay bản án, khoảnh khắc sau truyền đưa phán quyết xuống cho mấy người can án cùng xem. án rằng :

“Kẻ giữ ngôi báu dưới Diêm La, chức phong đến tước vương, thân chịu ơn Thượng Đế. Tự mình phải giữ lòng cao khiết để nêu gương dẫn dắt quần thần. Không nên vấy mực đua tham, chuốc lấy tiếng gièm quan nhuốc. Thế mà cũng yên đai, kiếm kích, luống khoe phẩm trật cao sang. Gớm thay loài dê độc lang tham, làm điếm nhục cả nhân thần khí tiết. Đục đánh khăng dùi liền đánh đục, vợ con người còn trơ mỗi xương da ; kình vồ cá, tôm bị cá vồ, mạng sâu kiến nhỏ nhoi đáng xót. Vậy nên vốc nước Tây Giang, vì ngươi rửa ruột ; tất phải đốt giường Đông Bích, mời bác vào vò.

Thành hoàng, quận thú, là chức quan phụ mẫu của dân, giúp Thượng Đế trâu dê chăn dắt. Dẫu phẩm trật đứng vào hàng thấp, mà tận tâm nào sợ gãy lưng. Hoặc có khi chịu sức ép quan trên, người vững chí hẳn cũng cần cứng cổ. Thế mà : trên dưới vung tay làm diều làm ó, quên phắt đi dân chúng khốn cùng ; lại nữa : dương dương đắc chí giảo hoạt gian manh, nào sá kể mình là quỷ đói. Vì của đút mà bẻ cong pháp luật, thật là quân dạ thú mặt người ; cho nên cần phải rút tuỷ nhổ lông, liệt vào tội chết, kể cũng đáng lột da xé xác, bắt phải đầu thai.

Bọn sai nha : đã phiên chế vào nha môn ma quỷ, còn làm sao giữ được tính người ; nơi cửa công lẽ ra nên tu tỉnh hành vi, ngõ hầu còn có dịp hoàn sinh ; chốn bể khổ cớ sao dám khuấy cho nổi sóng, gây thêm một trời oan nghiệt ! Tung hoành như cường khấu, mặt chó gầy tháng sáu sinh sương ; phá phách lại kêu làng, cậy oai hổ chặn đường chín ngả. Chốn u minh mặc sức ra uy, ai cũng biết cai tù thần thế ; giúp hôn quan làm điều bạo ngược, người đều kinh đồ tể to quyền. Thật đáng đem ra trước pháp trường, chân tay chặt hết ; lại phải ném vào nước sôi trong vạc, rút hết gân xương.

Dương mỗ kia : giàu có mà bất nhân, ranh ma thêm điêu trá ; đem vàng choé che trùm địa phủ, khiến cõi âm tăm tối mịt mù, điện Diêm La khuất lấp mây mù ; để hơi đồng xông thấu trời cao, làm trong thành chết uổng bao người, không được chứng đôi vầng nhật nguyệt. Mùi tiền tanh còn khiến sai được quỷ, sức bạc mạnh thông suốt thẳng đến thần. Cần tịch thu gia sản họ Dương, để đền đáp hiếu tình chàng Tịch”.

Lập tức áp giải phạm nhân ra núi Đông Thành thi hành bản án. Lại nói với Tịch Liêm :

– Nghĩ đến lòng hiếu thảo của con ngươi, tính ngươi cũng hiền lành, vậy cho tăng tuổi thọ thêm ba kỉ nữa.

Nhân sai hai người đưa họ về làng. Tịch bèn sao chép lại bản án, trên đường đi hai cha con cùng xem. Về tới nhà Tịch tỉnh lại trước, bảo người nhà mở áo quan để nhìn cha thì xác còn cứng đờ, lạnh như băng. Đợi suốt một ngày, mới nóng dần lên rồi sống lại. Kịp đến khi tìm tờ sao bản án thì không thấy đâu nữa.

Từ đấy, nhà ngày càng thịnh ; trong khoảng ba năm ruộng tốt đầy đồng. Mà con cháu họ Dương thì trở nên nghèo hèn ; lầu gác, ruộng nương, hết thảy đều về tay họ Tịch. Trong làng cũng có người mua những ruộng ấy, đêm nằm mộng thấy thần nhân đến mắng :

– Đấy là sản vật của nhà họ Tịch, ngươi làm sao có được !

Trước còn chưa tin lắm, đến khi trồng trọt thì suốt năm không thu hoạch được lấy một đấu thóc ; vì thế lại phải bán về cho Tịch.

Cha Tịch sống đến hơn chín mươi tuổi mới mất.

(Nguyễn Huệ Chi dịch,

Liêu Trai chí dị, NXB Văn học, 1989)