Cách đây ba năm, trong một lần đi chợ tỉnh, ba em mang về một chiếc đồng hồ để bàn. Từ đó “bác” trở thành người một người bạn thân của gia đình.
Đó là một chiếc đồng hồ nội hóa, loại lên dây. Cả đồng hồ là một hình hộp chữ nhật, rộng độ hai mươi phân, cao mười phân, dày sáu phân. Vỏ đồng hồ bằng nhựa trắng, mép ngoài mạ nhôm bóng lộn. Sau tấm kính trắng là mặt đồng hồ. Bên trái, có một ô vuông nhỏ, có số chỉ ngày. Phần chính là bên phải, gồm một hình bầu dục có ghi mười hai chữ số, từ số một đến số mười hai. Trên mặt đồng hồ có ba cây kim dài ngắn khác nhau và tốc độ di chuyển cũng không giống nhau. Kim giây dài nhất, mảnh mai, màu đỏ, quay nhanh liên tục. Kim phút tuy to hơn, nhưng ngắn hơn, chốc chốc mới nhích tới một bước ngắn. Chậm hơn cả và cũng ngắn hơn cả là kim giờ. Mặt sau đồng hồ có ba chiếc núm: núm để lên dây, núm để điều chỉnh giờ và núm hẹn giờ báo thức.
Trên chiếc bàn tròn của phòng khách, bác đồng hồ cần mẫn đếm thời gian. Tiếng “ tích tắc, tích tắc “ đều đặn phát ra từ chiếc đồng hồ không kể đêm ngày. Sáng sớm, đúng năm giờ, bác lên tiếng “ reng… reng” một hồi dài để đánh thức mọi người dậy. Chưa một lần nào bác bê trễ công việc, nếu mỗi ngày ta đừng quên lên dây cho bác.
Nhờ bác đồng hồ mà suốt mấy năm qua, em luôn đi học đúng giờ. Tiếng “ tích tắc, tích tắc” đều đặn của bác như luôn nhắc nhở em : “ giờ nào việc ấy! Thời gian trôi qua không sao níu lại được!”.