Từ Hán Việt là gì?

Từ Hán – Việt là từ vay mượn của tiếng Hán (Trung Hoa), nhưng được đọc theo cách phát âm của tiếng Việt.

Ðất nước ta đã bị các thế lực phong kiến Trung Quốc xâm chiếm, đô hộ hàng mấy trăm năm; sự giao lưu kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Ðặc biệt là chữ Hán đã được dùng làm chữ viết chính thức của ta trong hàng thế kỉ. Vì thế cho nên tiếng Việt đã vay mượn từ tiếng Hán với số lượng rất cao. Hiện nay, số lượng từ Hán – Việt chiếm hơn 60% trong vốn từ vựng tiếng Việt. Ða số từ Hán – Việt là từ đa âm tiết: từ hai âm tiết trở lên.

Ví dụ:

An ninh, ẩn sĩ, bảo vệ, bản lĩnh, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, dân chủ, độc lập, chiến tranh, hoà bình, hạnh phúc v.v…

Cách nhận diện từ Hán – Việt

Nhìn chung, nếu không có vốn hiểu biết sâu rộng về Hán học thì rất khó nhận diện chính xác từ Hán – Việt trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, có thể dựa vào các cách sau đây để nhận biết chúng.

READ:  Văn hóa là gì? Vai trò của văn hóa với con người và xã hội.

1- Dựa vào đặc điểm về ý nghĩa.

Từ Hán – Việt thường có ý nghĩa mang tính trừu tượng, khái quát cao. Vì thế, khi tiếp nhận từ Hán – Việt, chúng ta thường cảm thấy nghĩa của nó mơ hồ, khó giải thích. Chẳng hạn như nghe các từ: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, độc lập, tự do, hoà bình, chiến tranh, du kích, hàm số, hằng số v.v… Hay là chúng ta phải tìm yếu tố tương đương trong từ thuần Việt rồi mới suy ra được ý nghĩa. Chẳng hạn khi nghe các từ: ảo ảnh, ẩn sĩ, thực đơn, danh nhân, cường quốc v.v… chúng ta thường liên hệ đến các yếu tố tương đương rồi suy ra nghĩa của chúng.

2- Dựa vào trật tự phân bố của các yếu tố trong từ.

Trong lớp từ Hán – Việt, có một số lượng khá lớn từ ghép được cấu tạo theo quan hệ chính – phụ, gọi là từ ghép chính – phụ, trong đó, phụ tố thường đứng trước, chính tố thường đứng sau: P + C.

Ví dụ:

Ẩn ý, ẩn sĩ, cường quốc, dịch giả, tác giả, khán giả, văn sĩ, thi sĩ, viễn cảnh, cận cảnh, giáo viên, học viên, hội viên v.v…
Trong khi đó, từ thuần Việt thuộc loại này được cấu tạo theo trật tự ngược lại: C + P.

READ:  Phương pháp trừu tượng hoá khoa học là gì?

Ví dụ:

Người viết, người xem, người nghe, người đọc, nhà văn, nhà thơ v.v…
Dựa vào đặc điểm đã nêu, khi gặp một từ ghép chính phụ được cấu tạo theo trật tự P + C, thì ta có thể xác định đó là từ Hán – Việt

Từ Hán – Việt với ý nghĩa khác với từ Hán trong tiếng Hán

Có một số từ Hán Việt mang ý nghĩa đối với người Việt khác với tiếng Hán chính thống. Ví dụ như ngày nay trong tiếng Trung Quốc từ “bác sĩ” thường dùng để chỉ học vị “tiến sĩ”, còn bác sĩ được gọi là “y sinh”.

Bên cạnh đó. còn tồn tại vài trường hợp thiếu nhất quán trong phiên âm Hán-Việt, như các trường hợp một chữ Hán có 1 âm Quan thoại nhưng có thể có 2 âm Hán-Việt khác nhau được ghi chú trong cùng một từ/tự điển, còn có nhiều trường hợp mỗi sách ghi một âm Hán-Việt khác nhau.