Mặc dù có sự khác nhau về bản chất nhưng mọi Nhà nước đều có những đặc trưng chung (dấu hiệu) để nhận biết và phân biệt giữa tổ chức Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Có thể thấy Nhà nước có 5 dấu hiệu đặc trưng sau:
– Nhà nước là một tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt, có bộ máy chuyên thực hiện cưỡng chế và quản lý những công việc chung của xã hội. Nó không còn hòa nhập với dân cư mà hầu như tách khỏi xã hội. Quyền lực chính trị công cộng này là quyền lực chính trị chung, mà quyền lực của chủ thể này là giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị. Để thực hiện quyền lực và quản lý xã hội, Nhà nước phải có một lớp người đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ quản lý. Lớp người này được tổ chức thành các cơ quan Nhà nước và hình thành bộ máy cường chế để duy trì địa vị của giai cấp thống trị.
– Nhà nước có lãnh thổ, phân chia và quản lý dân cư theo các đơn vị hành chính lãnh thổ. Không phụ thuộc vào chính kiến, huyết thống , nghề nghiệp hoặc giới tính. Việc phân chia này quyết định phạm vi tác động của Nhà nước trên quy mô rộng lớn nhất và dẫn đến việc hình thành các cơ quan quản lý trong bộ máy Nhà nước. Đây là dấu hiệu cơ bản đã làm xuất hiện chế định quốc tịch – là chế định quy định sự phụ thuộc của một vào một Nhà nước và một lãnh thổ nhất định.
– Nhà nước có chủ quyền quốc gia. Nhà nước là một tổ chức có quyền lực, có chủ quyền quốc gia (các tổ chức xã hội khác không có) mang nội dung chính trị – pháp lý, được thể hiện ở quyền tự quyết của Nhà nước về chính sách đối nội và chính sách đối ngoại, không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, Chủ quyền quốc gia là thuộc tính không thể tách rời Nhà nước và có tính tối cao.
– Nhà nước ban hành pháp luật và thực hiện sự quản lý bắt buộc đối với mọi công dân. Tất cả các quy định của Nhà nước đối với mọi công dân được thể hiện trong pháp luật do Nhà nước ban hành. Trong xã hội chỉ có Nhà nước mới có quyền ban hành pháp luật. Các tổ chức xã hội khác không có quyền này. Và cũng chính Nhà nước đảm bảo cho pháp luật được thực thi trong cuộc sống.
– Nhà nước quy định và thực hiện thu các loại thuế dưới hình thức bắt buộc. Chỉ có Nhà nước mới có quyền đặt thuế và thu thuế vì Nhà nước là tổ chức duy nhất có tư cách đại biểu chính thức của toàn xã hội.
Những đặc trưng trên nói lên sự khác nhau giữa Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội khác, đồng thời nêu rõ bản chất của Nhà nước trong xã hội có giai cấp. Những đặc trưng trên làm cho Nhà nước trở thành một tổ chức đặc biệt, giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị, có thể tác động một cách toàn diện, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất đối với đời sống xã hội, thể hiện và thực hiện lợi ích của giai cấp thống trị một cách tập trung nhất.