1 – Khái niệm, những đặc điểm chung
1.1. Khái niệm và quy phạm pháp luật.
Quy phạm pháp luật là những quy tác xử sự trong các trường hợp cụ thể, có tính bắt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, do Nhà nước đặt ra và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.
1.2 Những đặc điểm cơ bản của quy phạm pháp luật.
- Quy phạm pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị (lực lượng cầm quyền).
- Quy phạm pháp luật là quy tắc của hành vi có tính bắt buộc chung phổ biến đối với tất cả mọi người tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh.
- Quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra và được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
- Quy phạm Nhà nước có tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.
2 – Cơ cấu của quy phạm pháp luật
Cơ cấu (cấu trúc) của quy phạm pháp luật được hiểu là sự cấu tạo bên trong, là các bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật. Thông thường quy phạm pháp luật được hợp thành với ba bộ phận: Giả định, quy định, chế tài:
- Giả định: Là phần mô tả những tình huống thực tế, khi mà tình huống đó xảy ra cần phải áp dụng quy phạm pháp luật đã có. Nó thường nêu lên trong những trường hợp nào, đối tượng nào thì thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật.
Giả định là một bộ phận không thể thiếu của quy phạm pháp luật vì: nếu thiếu phần giả định thì không biết được chủ thể phải áp dụng quy phạm là ai, và khi ở những điều kiện nào, hoàn cảnh nào thì phải xử sự theo đúng quy định của pháp luật.
- Quy định: Là phần nêu rõ nội dung cụ thể của các xử sự buộc chủ thể phải tuân theo khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu ra trong phần giả định.
Quy định là bộ phận chủ yếu của quy phạm pháp luật. Nó thể hiện một cách trực tiếp, bản chất và giá trị xã hội của pháp luật, mang tính quy định bắt buộc của Nhà nước.
- Chế tài: Là phần nêu lên những biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với những chủ thể không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở phần quy định.
Chế tài chính là hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật, nó thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật đồng thời nó cũng chính là biểu hiện cụ thể của tính cường chế của pháp luật.