1.1. Khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa
Để quản lý xã hội, Nhà nước sử dụng tổng hợp các phương thức, các công cụ khác nhau như giáo dục thuyết phục, văn hoá, nghệ thuật. Nhưng phương thức quản lý cơ bản bao trùm nhất lên tất cả các quan hệ xã hội là quản lý bằng pháp luật, tức là thiết lập nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Điều 12, Hiến pháp năm 1992 của nước ta nêu rõ: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Pháp chế là vấn đề không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Trong xã hội ta, pháp chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố chế độ xã hội, chế độ Nhà nước, đảm bảo các mục đích của sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Có thể định nghĩa pháp chế như sau:
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là phương thức quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với xã hội, biểu hiện ở việc thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức Nhà nước các cấp, của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, của mọi công dân đối với pháp luật được Nhà nước ban hành.
Như vậy, pháp chế xã hội chủ nghĩa bao hàm trong bản thân nó có hai nội dung co bản:
– Một là: Nhà nước phải xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại một trật tự pháp luật và kỷ luật.
– Hai là: Phải có cơ chế và biện pháp trong tổ chức thực hiện để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để.
Nếu thiếu một trong hai nội dung trên đều không thể thiết lập được nền pháp chế trong xã hội.
1.2 Đặc điểm pháp chế xã hội chủ nghĩa
Pháp chế xã hội chủ nghĩa nước ta có đặc điểm là có tính thống nhất cao. tính thống nhất đó biểu hiện trước hết ở sự thống nhất chặt chẽ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các quy phạm pháp luật, giữa các văn bản pháp luật với nhau cũng như ở tính thống nhất đồng bộ của toàn bộ hệ thống pháp luật. Điều đó đòi hỏi các cơ quan Nhà nước các cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật trong hoạt động luật pháp, lập quy.
Tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa còn thể hiện ở việc thống nhất mọi pháp luật đã ban hành trong phạm vi cả nước, Nhà nước không thể chấp nhận tình trạng pháp chế ở địa phương này khác với pháp chế ở địa phương khác, cùng một văn bản pháp luật nhưng lại được mỗi nơi, mỗi cấp, mỗi ngành áp dụng khác nhau. Cho nên mọi văn bản pháp luật đang có hiệu lực phải được thực hiện và ý thức pháp luật của các chủ thể trong việc thực hiện pháp luật trong xã hội là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá mức độ của pháp chế ở nước ta hiện nay.