Khái niệm chung về tài sản
Theo bộ luật dân sự thì tài sản bao gồm những vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản và có quyền chuyển giao trong giao lưu dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, tài sản bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản trước hết là những vật có thực của thế giới vật chất mà con người có thể chiếm hữu bằng các hành vi cụ thể như: nhà cửa, máy móc, nguyên vật liệu, vàng bạc..v..v phục vụ hoạt động của con người.
Tài sản được phân loại theo nhiều cách khác nhau, một trong những cách đó là tài sản được chia thành bất động sản và động sản. Bất động sản là tài sản không di dời được bao gồm: đất đai, nhà ở, các công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng đó, các tài sản gắn liền với đất đai, các loại tài sản khác do pháp luật quy định còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Khái niệm sở hữu và quyền sở hữu
Trước hết cần phải hiểu sở hữu là gì ?
Sở hữu là một phạm trù kinh tế, xác định hình thức chiếm đoạt của cải vật chất trong xã hội, và biểu thị mối quan hệ kinh tế trong việc chiếm hữu sử dụng và định đoạt tài sản. Đây là quan hệ giữa người với người mang nội dung tài sản chứ không phải quan hệ giữa người với tài sản tuy nhiên quan hệ sở hữu luôn luôn gắn liền với một tài sản nhất định và nó tồn tại trong mọi xã hội có quan hệ xã hội và có tài sản. Mỗi chế độ xã hội có một chế độ sở hữu tương ứng là cơ sở cho nền sản xuất xã hội đó. Ở nước ta hiện nay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân là nền tảng.
Quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản, tư liệu sản xuất cá nhân, tổ chức. Quyền sở hữu được hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa khách quan: quyền sở hữu được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực chiếm hữu. sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trong xã hội.
Theo nghĩa chủ quan: quyền sở hữu được hiểu là cách xử sự của các chủ sở hữu trong việc chiếm hữu. sử dụng và định đoạt tài sản trong phạm vi luật định.
Như vậy quyền sở hữu là quyền dân sự của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản, xuất hiện trên cơ sở của các quy phạm pháp luật. Quyền sở hữu chính là biểu hiện về mặt pháp lý của các quan hệ sở hữu.
Nội dung của quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm ba quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Quyền chiếm hữu: là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Thông thường quyền chiếm hữu được thực hiện bởi chủ sở hữu. Những người không phải chủ sở hữu cũng có quyền chiếm hữu tài sản trong trường hợp được chủ sở hữu bàn giao hoặc do pháp luật quy định. Có hai loại chiếm hữu là: chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Quyền sử dụng: là quyền chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Thông thường quyền sử dụng này thuộc về người chủ sở hữu nhưng những người khác cũng có thể được thực hiện quyền này nếu họ được chủ sở hữu chuyển giao cho trên cơ sở pháp luật cho phép.
Quyền định đoạt là quyền chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Các hình thức định đoạt như bán, trao đổi, tặng, cho vay, thừa kế. Chủ sở hữu tự mình uỷ quyền cho người khác định đoạt tài sản của mình.