Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự – PLĐC

Để xét xử một vụ án dân sự phải trải qua những trình tự, thủ tục nhất định, cụ thể bao gồm các giai đoạn sau:

* Khởi kiện và khởi tố vụ án dân sự

Quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền tố tụng của công dân, pháp nhân và các tổ chức xã hội yêu cầu toà án nhân dân bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình, của tập thể, của Nhà nước hay của người khác đang bị chanh chấp hoặc vi phạm.

Quyền khởi tố vụ án dân sự là quyền của Viện kiểm sát nhân dân.

Các công dân, pháp nhân khởi kiện vụ án dân sự bằng một đơn viết nộp tại toà án nhân dân. Còn viện kiểm sát khởi tố hoặc tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung bằng văn bản gửi cho toà án.

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu đơn khởi kiện đảm bảo những điều kiện khởi kiện thì toà án sẽ thụ lý vụ án. Toà thụ lý vụ án kể từ ngày nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí. Thụ lý vụ án dân sự là việc thẩm phán chấp nhận đơn của người khởi kiện hoặc văn bản khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân vào sổ thụ lý của toà án.

* Điều tra vụ án dân sự

Điều tra vụ án dân sự là tổng hợp những hành vi tố tụng dân sự mà toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cần tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thu thập, nghiên cứu và bước đầu đánh giá chứng cứ để giúp toà án có những quyết định đúng đắn về vụ án trong giai đoạn xét xử và trong thời gian bốn tháng nghiên cứu và thu thập chứng cứ kết thúc điều tra toà án phải ra được một trong các quyết định sau:

READ:  Trách nhiệm dân sự - Pháp luật đại cương

– Công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
– Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự.
– Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự.

* Hoà giải vụ án dân sự

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hoà giải không chỉ là một nguyên tắc mà còn là một thủ tục bắt buộc mà toà án và người tham gia tố tụng buộc phải thực hiện. Do vậy trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, toà án phải tiến hành hoà giải để các đương sự tự thoả thuận, tự điều chỉnh và thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án. Trong quá trình hoà giải nếu thành thì toà án quyết định công nhận hoà giải thành còn nếu không thành thì quyết định đưa vụ án ra xét xử.

* Thủ tục sơ thẩm dân sự

Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì toà án phải mở phiên toà sơ thẩm, thủ tục này bao gồm:
– Chuẩn bị cho xét xử: nghiên cứu các vấn đề thuộc về nội dung, thủ tục tố tụng trong vụ án cần phải giải quyết, ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
– Xét xử tại phiên toà: phiên toà được tiến hành với dự có mặt của những người tham gia tố tụng. Thủ tục xét xử tại phiên toà bao gồm thủ tục bắt đầu phiên toà (chuẩn bị cho xét xử ), xét hỏi tại phiên toà, tranh luận tại phiên toà, nghị án, tuyên án.
– Những thủ tục cần tiến hành sau phiên toà: biên bản phiên toà, cấp trích lục, bản sao bản án hoặc quyết định của toà án.

READ:  Khái niệm về vụ án dân sự và tố tụng dân sự - PLĐC

* Thủ tục phúc thẩm dân sự

– Phúc thẩm dân sự là việc toà án cấp trên trực tiếp xét lại những bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Toà án cấp phúc thẩm có quyền y án, sửa đổi bản án sơ thẩm, huỷ bỏ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.

* Thủ tục xét lại bản án và quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật (thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm).

Thủ tục giám đốc thẩm là một giai đoạn đặc biệt của tố tụng dân sự, trong đó toà án cấp trên xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới nếu phát hiện thấy sai lầm, trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền.
Thủ tục tái thẩm là toà án cấp trên xét xử lại bản án, quyết định của toà án cấp dưới nếu phát hiện thấy những tình tiết mới quan trọng làm thay đổi nội dung vụ án trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền.

* Thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là giai đoạn độc lập, giai đoạn kết thúc quá trình bảo vệ quyền lợi của đương sự, trong đó các bản án, quyết định của toà án được đưa ra thi hành, do cơ quan thi hành án thực hiện.