Những bài văn hay độc đáo về đêm giao thừa

Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng, là thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới… Những bài văn về giao thừa luôn hay và làm tâm hôn chúng ta nao núng mong ngày tết đến, được ngồi bên mâm cơm đoàn tụ cả gia đình.

Dưới đây là những chia sẻ, những bài văn hay về đêm giao thừa gửi tới các bạn, chúc các bạn một mùa xuân mới, một tuổi mới sức khỏe và hạnh phúc.

đêm giao thừa

Đề bài: EM hãy viết bài văn thể hiện cảm nghĩ của em về đêm giao thừa

Khi những nụ hoa đào chớm nở và vườn quất nặng trĩu qủa cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân tới. Xuân về, trăm hoa khoe sắc, cảnh vật, con người dường như cũng hoà vào sức xuân, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt. Và thời khắc giao thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người những cảm xúc thật khó tả.

Với người Việt Nam, từ già tới trẻ, dù đi làm ăn xa mấy cũng cố gắng về sum họp với gia đình mấy ngày Tết. Và đêm giao thừa là một trong những giờ phút quan trọng mà mỗi thành viên trong gia đình mong chờ. Cũng chính bởi lý do đó, trước giao thừa, mọi người thường chuẩn bị đón Tết rất kỹ để có được một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm.

Khoảng 20 tháng chạp, các gia đình đã đi xem đào, quất, nhà nào cũng rất cẩn thận để chọn cho được một cây đào, một cây quất thật đẹp, có nhiều lộc hay một bình hoa thuỷ tiên mang về nhà chơi mấy ngày Tết. Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là phải có một mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đầy đủ để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Và bánh chưng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.

Bởi thế ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị mua lá dong, lạt về gói bánh chưng. Và tới khoảng 25, 26 Tết bắt đầu tiến hành gói bánh. Cảm xúc được cùng cả nhà chuẩn bị gói bánh chưng đối với mỗi người cũng thật khác nhau, có người nhớ cảm giác khi còn nhỏ được tự gói riêng cho mình một cái bánh chưng bé, có người lại nhớ cảm giác được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh, chờ tới khi bánh chín, vớt ra, nhìn những chiếc bánh vuông vức với màu xanh mướt của lá thật thú vị …

Có nhà ngoài nấu bánh chưng, vẫn quen nếp xưa: mua thịt lợn về gói giò. Và trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò lợn), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả. Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt.

Các thành viên trong nhà, dù đi làm xa cũng cố gắng có mặt trong bữa cơm tất niên bởi đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong một năm. Cũng bởi thế mà có người đã từng chia sẻ cảm xúc về bữa cơm tất niên như thế này: “Tết đến, được trở về ngôi nhà thân yêu, cùng ăn bữa cơm chiều 30 với cả nhà, tôi cảm thấy sung sướng vô bờ… sung sướng nào hơn được sống giữa tình thương yêu, đùm bọc của những người mà mình hằng yêu quí”.

Quả thực người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa nên khoảnh khắc trước và sau giao thừa đối với mỗi người thật quan trọng và khó quên. Bữa cơm tất niên còn là thời gian tất cả mỗi thành viên trong gia đình ngồi ôn lại những gì đã và chưa làm được trong một năm. Những điều tốt sẽ được tiếp tục phát huy, còn những điều chưa tốt sẽ đựợc khắc phục trong năm tới.

Tới khoảng 10 giờ tối, mâm cỗ cúng bắt đầu được sửa soạn để đúng đến thời khắc 12 giờ đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một thành viên trong gia đình, thường là đàn ông – người trụ cột của gia đình sẽ thắp hương cúng tổ tiên, trời đất cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho cả gia đình một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc, con cái trong nhà học hành giỏi giang, nghe lời ông bà cha mẹ. Chờ cho tới khi hết hương cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, cả nhà cùng nâng chén rượu, dù có ai không uống được rượu nhưng cũng cố gắng nhấp môi để cùng chúc các thành viên trong gia đình một năm mới tràng đầy hạnh phúc và may mắn.

Một nét đẹp nữa của người Việt sau thời khắc giao thừa là cả nhà cùng quây quần bên nhau để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước.

Thông thường nhà nào có ba thế hệ cùng chung sống thì con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ lì xì cho các con, các cháu, mong các con hay ăn chống lớn và sống có ích cho xã hội. Thời xưa, trẻ con thường được lì xì bằng tiền màu đỏ cho may mắn. Thời nay, người lớn thường để tiền lì xì cho trẻ con vào những phong bao màu đỏ in nhiều hình rất ngộ nghĩnh.

Người Việt có thói quen lên chùa xin lộc, cầu may sau những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Những cành lộc khi đêm về thường được cho vào lọ cắm để trên bàn thờ, mong cho mọi may mắn sẽ tới với gia đình trong một năm. Bên cạnh đó mọi người còn có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà, thường mọi người thường hay xin chữ: Phúc , Lộc , Thọ… mong cho may mắn sẽ tới với gia đình trong năm mới.

Những người hàng xóm thường qua nhà nhau chúc Tết ngay sau giao thừa, mọi người cùng chúc nhau đón một năm mới với tất cả sự may mắn và hạnh phúc. Xưa, khi Tết đến nhà nhà được đốt pháo, giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua tiếng pháo nổ đì đùng, thời nay giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua những chùm pháo hoa sáng trên bầu trời với đủ màu sắc. Với những người ngoại quốc, được đón Tết ở Việt Nam là cả một niềm hạnh phúc và thú vị, đặc biệt hơn khi họ đón giao thừa, được cảm nhận hương vị ấm cúng của Tết Việt.

Bởi không phải ở đâu giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được đón nhận trong không khí ấm áp và nồng nhiệt như ở Việt Nam. Có những người ngoại quốc dù chỉ đón giao thừa một lần ở Việt Nam thì cảm xúc đêm giao thừa dường như vẫn còn nguyên vẹn trong họ: đầm ấm và hạnh phúc khó tả.

Dù là ai, làm gì, ở đâu, vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người cũng mong được có mặt ở nhà để được cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ ông bà, cha mẹ, được nhận từ ông bà cha mẹ tiền lì xì đầu năm cùng lời chúc mừng năm mới – một năm tràng đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Đề bài: Tả giao thừa bên Hồ Gươm

Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, người Hà Nội lại bâng khuâng, náo nức trước nhịp quay của thời gian, sự chuyển vần, giao hòa của trời đất. Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người đều hướng về chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm. Đó là hồ Hoàn Kiếm, hay thường gọi là Hồ Gươm.

đêm giao thừa bên Hồ Gươm

Sự phân định của thiên nhiên, địa lý cho miền Bắc cái rét về mùa đông với những cánh đào thắm; cái nắng nồng cho phương Nam mai vàng khoe sắc. Cũng nhờ thiên tạo mà giao thừa ở Hà Nội, đặc biệt là ở Hồ Gươm mang một sắc thái, phong vị rất riêng, không giống bất cứ nơi đâu.

Đêm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa thật thiêng liêng, nhuốm màu tâm linh, lễ hội với mọi người dân thủ đô. Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa đồng nghĩa với đến Hồ Gươm.

Những ngày trước Tết, Hồ Gươm đã được trang hoàng lộng lẫy. Các hàng cây ven hồ được khoác tấm áo muôn sắc bởi các sắc đèn tỏa sáng. Khi tấm voan sương mùa đông bắt đầu buông bóng, cả không gian Hồ Gươm hiện lên rực rỡ, lung linh, huyền ảo đến ngỡ ngàng. Tháp Rùa lộng lẫy mà tao nhã, bồng bềnh như trong mơ, xa xa về hướng bắc rực rỡ mà trang nghiêm hiện lên một quầng ánh sáng, là đảo Ngọc Sơn với đình Trấn Ba và đền Ngọc Sơn. Vắt như dải lụa cong, như vành trăng khuyết, như chiếc lược mềm chải vào mái tóc – nước hồ, là dáng đỏ đến thổn thức, lay động của cầu Thê Húc… Cả một không gian huyền ảo như mơ mà thực, mà náo nức vẫy gọi người Hà Nội đến với giao thừa Hồ Gươm.

Cái giá rét của mùa đông không làm vợi đi lòng người đến với Hồ Gươm vào thời khắc trời đất giao hòa, trái lại như một chút men say khiến lòng người thêm rộn rã, lâng lâng… Sau bữa cơm Tất niên chiều tối 30, sau mọi lo toan của công việc làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm ngày giáp Tết, người Hà Nội thảnh thơi, ung dung đi đón giao thừa, chơi giao thừa. Cái rét xứ Bắc mang theo cả mùa xuân ẩm ướt vào dịp chớm xuân, khiến thời khắc của đêm giao thừa Hồ Gươm mỗi năm mỗi khác: Năm thì khô ráo, se se lạnh; năm vừa mưa phùn vừa rét đậm đến cắt da cắt thịt…

Đề bài:Tả cảnh giao thừa ở gia đình em

Giao thừa là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. giữa điều cũ và điều mới. Bởi vậy, mọi người vẫn xem đây là thời khắc đầy ý nghĩa, là thời khắc mà mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những dự định và ước muốn trong một năm mới. Và giao thừa là điều mà em mong chờ nhất, bởi gia đình em ai cũng vui vẻ và hào hứng.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm báo thời khắc giao thừa, khi tiếng hò hét, reo vui của những gia đình xung quanh vang lên, khi trên bầu trời có những màn bắn pháo hoa lẻ tẻ. Lúc đó em biết thời khắc quan trọng đã đến.

Vì nhà em ở một vùng quê nên bắn pháo hoa không quy mô như ở thành phố lớn, chỉ có một ít nhà có pháo hoa để bắn mà thôi. Đất trời lúc đó bỗng nhiên sáng rực lên, cái lạnh căm căm và những hạt mưa xuân lất phất bay khiến cho trái tim của mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ kì.

Gia đình em lại quây quần bên nhau, mẹ dỡ mâm xôi gà cúng tổ tiên xuống và chúng em cùng nhau ăn bữa ăn đầu tiên của ngày mới, năm mới. Mùi xôi nếp thơm lừng, mùi bánh chưng và mùi thịt gà hòa quyện với nhau tạo nên không khí tết đặc biệt. Khoảnh khắc ấy có lẽ là khoảnh khắc mà mọi người cảm thấy ấm áp và yên lành hơn bao giờ hết.

Trên bàn thờ nhà em bày biện biết bao nhiêu thứ, được trang trí rất đẹp mắt để cúng ông bà tổ tiên, hi vọng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình em một năm nhiều sức khỏe, niềm vui. Giờ giao thừa đến, ba nhẹ nhàng đốt một cây nhang dài, mùi hương thơm dịu nhẹ xông vào cánh mũi. Em rất thích được hít hà mùi hương ấy, nó như hòa quyện vào đất trời tạo nên mùi hương đặc trưng của ngày tết.

Ngoài trời mưa bay lất phất, những cánh hoa đào ở trong nhà bỗng nhiên bừng sắc xuân, lộng lẫy và kiêu sa. Những ánh đèn điện nhấp nháy đầy đủ các màu sắc tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Bầu trời dù đang đêm nhưng đều sáng rực lên những màu sáng của màn bắn pháo hoa, hay lòng người đang rạo rực nên thấy bầu trời rực sáng lạ kì như vậy.

Mẹ bảo rằng giao thừa là thời gian mọi người trong gia đình nên ở cạnh nhau, vì đó là thời khắc ý nghĩa, quan trọng. Nó sẽ gắn bó hơn nữa tình cảm của mọi người với nhau thêm mặn nồng hơn.

Ba gọi những đứa con đến bên và lì xì đầu năm, hi vọng các con ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Đó là điều mà ba mẹ vẫn mong muốn trong năm mới này.

Những tiếng cười nói, tiếng vỗ tay vang lên cả khu xóm. Đêm giao thừa là đêm mà mọi người không ngủ, thức để tận hưởng không khí của một năm mới, mùa mới đang rạo rực đất trời.

Giao thừa là khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình em, vì được quây quần bên nhau, lắng nghe tiếng cười và tiếng nói thân quen của nhau.

Đề bài: Tả cảnh giao thừa ở gia đình em

Mùa xuân là mùa em thích nhất trong 4 mùa, không phải là do cái mưa phùn, gió bấc mà em thích mùa xuân mà do đó là mùa mang hơi thở của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi vậy mà em rất thích tiết trời đó. Và đối với mỗi đứa trẻ thì Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai.

Cứ từ 20 tết đổ ra, trên tất cả các đường phố của thành phố em đều ngập tràn sắc xuân. Sắc xuân từ hoa đào, từ những những câu đối đỏ, từ những hàng quán bày bán những đồ trang trí ngày tết. Mọi người thì bắt đầu tất bật để chuẩn bị mọi thứ cho tết. Chắc là như vậy, nên ai cũng nói, những ngày trước tết bao giờ cũng vui và rộn rã hơn nhiều. Từ 25 tết trở đi, em và mẹ cùng đi sắm đồ chuẩn bị tết. Nào là bánh, là mứt là kẹo,… biết bao nhiêu là thứ. Còn em trai em và bố em thì đi mua cành đào về cắm. Bố em bảo: Tết mà không có đào, không có bánh chưng thì còn gì là tết nữa.

Tối 29 tết, cả gia đình em đều sang nhà ông bà để chuẩn bị gói bánh chưng cho kịp đón tết. Đã từ rất lâu, gia đình em đã không mua bánh chưng ngoài hàng mà tự tay gói, để mọi người trong gia đình đều quay quần bên nhau và bọn em cũng được ông dạy cho cách gói bánh. Sau khi gói bánh xong, bố em và ông cùng bê nồi bánh đặt lên bếp than đã rực lửa và chỉ cần trông lửa và bánh cho đến đúng đêm 30 là được vớt bánh.

Sau khi chuẩn bị xong bữa tất niên vào buổi trưa, đến buổi chiều, cả gia đình em cùng đi dọn dẹp nhà cửa để đón tết. Thời gian cứ trôi qua, chẳng mấy chốc là đã tối. Mẹ em và bố em cùng lên chỉnh sửa lại đồ trên mâm ngũ quả. Em và em trai thì lau lại bàn ghế, cùng nhau trang trí lại cây đào và bật sẵn ti vi để chờ xem Táo quân – chương trình yêu thích của gia đình em mỗi khi Tết đến. Đúng đến 8h, mọi thứ đã được chuẩn bị tinh tươm, cả gia đình em lại ngồi quây quần bên nhau để xem Táo quân và có những tràng cười thật là sảng khoái. Rồi tết năm nay, vì phải chờ đến lúc giao thừa để có thể xem bắn pháo hoa mà em và em trai đều ngủ quên mất. Còn 10 phút nữa là bắt đầu bước sang năm mới, mẹ em lên phòng gọi chúng em dậy chuẩn bị quần áo để cùng đi xem bắn pháo hoa. Do nhà em hướng thẳng ra điểm bắn pháo hoa, nên cả nhà em cùng lên sân thượng để xem bắn. Cả gia đình em cùng lên ngắm những chùm pháo hoa to, rực rỡ đang biểu diễn những màn múa tuyệt đẹp trên bầu trời và cùng đón chào một năm mới đã đến với mọi người.