Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã kiểm điểm, đánh giá thành tựu và thiếu sót, khuyết điểm của 10 năm (1975-1986) đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa như thế nào?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã kiểm điểm, đánh giá thành tựu và thiếu sót, khuyết điểm của 10 năm (1975-1986) đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa như thế nào?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) là đại hội mở đầu quá trình đổi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với thái độ khách quan khoa học, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã đánh giá đúng thực trạng của đất nước, từ đó xác định các mục tiêu, bước đi và nhiệm vụ cách mạng trước mắt, tiếp tục đưa cách mạng nước ta tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Đánh giá thành tựu và thiếu sót

1. Về thành tựu

Từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, lại chịu hậu quả chiến tranh lâu dài, nhân dân ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, vừa thực hiện nhiệm vụ dân tộc, vừa làm nghĩa vụ quốc tế. Trong hoàn cảnh đó nhân dân ta đã anh dũng phấn đấu khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã ngăn chặn được đà giảm sút của những năm 1979 – 1980. Từ năm 1981 đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt. Nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,9% so với 1,9% hàng năm của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hàng năm từ 13,4 triệu tấn thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981 – 1985. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 9,5%. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hàng năm 6,4% so với 0,4% thời kỳ 1976-1980.

Về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đã hoàn thành hàng trăm công trình tương đối lớn và hàng ngàn công trình vừa và nhỏ, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi-măng, cơ khí, thuỷ lợi, giao thông. Các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Trị An đã được xây dựng.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, đã áp dụng những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, thực hiện rộng rãi phương thức khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong nông nghiệp, đã góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển của nông nghiệp, mở ra phương hướng đúng đắn cho việc xây dựng quan hệ kinh tế ở nông thôn.

READ:  Trình bày mục tiêu, quan điểm xây dựng hệ thống chính trị thời kỳ đổi mới của Đảng. Kết quả, ý nghĩa, hạn chế và nguyên nhân?

Các ngành kinh tế đã thu hút thêm 4 triệu lao động. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn học nghệ thuật phát triển và có đóng góp nhất định vào việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Các hoạt động khoa học, kỹ thuật được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất. Nhanh chóng thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, củng cố nhà nước xã hội chủ nghĩa trong cả nước, tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và làm nghĩa vụ quốc tế giành được những thắng lợi to lớn.

Công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã đạt được kết quả đáng kể. Sự tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa phát triển, quan hệ hữu nghị với các nước độc lập dân tộc, các lực lượng tiến bộ và hoà bình đã có bước phát triển mới.

2. Về khó khăn, khuyết điểm

Thực trạng kinh tế – xã hội của nước ta đang đứng trước những khó khăn to lớn: sản xuất tăng chậm so với yêu cầu và khả năng vốn có của nền kinh tế, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, năng suất lao động giảm, chất lượng sản phẩm sút kém.

Những mất cân đối lớn của nền kinh tế giữa cung và cầu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… giữa thu và chi, giữa sản xuất và nhập khẩu chậm được thu hẹp, có mặt còn gay gắt hơn trước.

  • Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh suy yếu. Các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa chưa được cải tạo và sử dụng tốt.
  • Đời sống nhân dân, nhất là công nhân viên chức còn nhiều khó khăn. Nhiều người lao động chưa có việc làm. Nhiều nhu cầu chính đáng, tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất và văn hoá chưa được bảo đảm.
  • Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp… chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời.

Thực trạng nói trên làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và của các cơ quan nhà nước. Trong các nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI)
Đảng ta đã chỉ rõ thêm thực trạng đất nước trong nhiều năm qua đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội.

READ:  Trình bày hoàn cảnh lịch sử và nội dung đường lối đổi mới do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. ý nghĩa lịch sử của của Đại hội VI (12/1986)?

3. Về nguyên nhân của tình hình nói trên

Đại hội chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước và phân tích những nguyên nhân dẫn đến sai lầm.

Những sai lầm, khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình, chưa nhận thức được đầy đủ thời kỳ quá độ là một quá trình lịch sử tương đối dài phải trải qua nhiều chặng đường. Còn chủ quan, nóng vội muốn bỏ qua những bước đi cần thiết. Sai lầm trong việc bố trí cơ cấu kinh tế thiên về công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, không tập trung sức giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Biểu hiện nóng vội trong việc xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, không thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, không thừa nhận nền kinh tế hàng hoá. Còn nhiều sai lầm trên lĩnh vực phân phối, lưu thông. Còn sai lầm trong việc phát huy sức mạnh của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc quản lý đất nước…

Đại hội cũng chỉ ra rằng: “Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm nói trên là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội; là khuynh hướng buông lỏng quản lý kinh tế – xã hội. Đó là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản vừa “tả” khuynh, vừa hữu khuynh.

Những sai lầm và khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng ta”.