1. Con đường từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin của Nguyễn Ái Quốc
Mấy chục năm đầu thế kỷ XX, các cuộc vận động chống Pháp cứu nước của nhân dân ta liên tiếp bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Phong trào yêu nước bế tắc, chưa xác định được đường lối đúng đắn.
Giữa lúc đó, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc) đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước mới, đã bôn ba khắp năm châu bốn biển xem xét tình hình, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của cách mạng các nước nhất là cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp; đã lao động và tham gia đấu tranh trong hàng ngũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở nhiều nước để có kiến thức và kinh nghiệm về giúp nước mình. Người nhận xét: Ở đâu bọn thực dân thống trị cũng đều tàn ác, ở đâu nhân dân lao động cũng đều bị áp bức, bóc lột, cũng quật khởi và cần được giải phóng.
– Sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Người đã hướng đến cuộc Cách mạng Tháng Mười và chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng vĩ đại đó.
Năm 1919, Người gửi đến Hội nghị Vécxay (của các nước đế quốc thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ I) bản yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Yêu sách đó cũng được Hội nghị chấp nhận.
Từ đó, Người rút ra kết luận quan trọng: Các dân tộc bị áp bức muốn được độc lập tự do thật sự, trước hết phải dựa vào lực lượng của bản thân mình, phải tự mình giải phóng cho mình.
– Tháng 7-1920, bản Sơ thảo lần thứ nhất đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã đến với Nguyễn Ái Quốc.
Nó đã đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết mà Người đang ấp ủ: độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Người viết: “Bản luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao!…”. Người dứt khoát đi theo con đường của Lênin.
– Tháng 12 – 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở Tua; đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và thành lập Đảng Cộng sản Pháp vì cương lĩnh của Quốc tế III cũng như của Đảng Cộng sản Pháp đều quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Người đã từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản; đã tìm được con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Ngay từ lúc đó, Người đã nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
2. Những quan điểm tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc
– Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, là kẻ thù trực tiếp nguy hại nhất của nhân dân các nước thuộc địa.
– Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận cách mạng trong thời đại đế quốc và cách mạng vô sản. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân.
– Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở “chính quốc” có quan hệ khăng khít với nhau vì chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa có 2 vòi: một vòi hút máu giai cấp công nhân và những người lao động ở “chính quốc” còn một vòi hút máu các dân tộc thuộc địa. Muốn đánh đổ bọn đế quốc thì phải cắt cả 2 cái vòi ấy. Phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng ở thuộc địa và “chính quốc”. Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở “chính quốc” mà có tính chủ động, độc lập và có thể thành công trước cách mạng ở chính quốc và góp phần đẩy mạnh cách mạng ở chính quốc tiến lên.
– Giương cao ngọn cờ chống đế quốc và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do là tư tưởng chiến lược cách mạng đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng thuộc địa.
– Cách mạng ở thuộc địa, trước hết là giải phóng dân tộc, mở đường tiến lên giải phóng hoàn toàn lao động, giải phóng con người, tức là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
– Về lực lượng cách mạng: “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh”; công nhân là giai cấp lãnh đạo; tiểu tư sản, tri thức là bạn đồng minh của cách mạng.
– Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Quần chúng cần được giác ngộ và tổ chức lại thành đội ngũ vững bền; được hiểu biết tình thế “có mưu chước”.
– Phải thực hiện sự liên minh, đoàn kết với các lực lượng cách mạng quốc tế; phải nêu cao tính chủ động cách mạng, ý thức tự lực tự cường.
– Phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải có học thuyết cách mạng, đó là học thuyết Mác – Lênin, phải biết vận dụng đúng đắn học thuyết đó vào hoàn cảnh Việt Nam.
Hệ thống quan điểm cách mạng đúng đắn và sáng tạo đó là nội dung tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác – Lênin của Người. Hệ thống quan điểm cách mạng đó được truyền vào Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX, là ngọn cờ hướng đạo cho cách mạng Việt Nam đi đúng quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, là cơ sở lý luận cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam