Có 5 nước 6 bên tranh chấp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện trạng đang bị Trung Quốc chiếm giữ 7 đảo, đá; Philippin chiếm giữ 9 đảo; Malayxia chiếm giữ 7 đảo; Brunay cũng nêu yêu sách chủ quyền nhưng không chiếm giữ đảo, bãi đá nào; Đài Loan (lãnh thổ-bên) chiếm giữ đảo Ba Bình và cắm mốc tại bãi cạn Bàn Than; Việt Nam thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo (gồm 9 đảo nổi, 12 đảo đá ngầm với 33 điểm đóng quân).
* Trung Quốc: Với yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc muốn độc chiếm cả quần đảo Trường Sa, đặt tên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa.
* Philippin: Năm 1956, một người Philippin đến Trường Sa, vạch một đường bao quanh và tuyên bố sở hữu quần đảo này, đặt tên là Kalayaan (vùng đất tự do). Năm 1979, Tổng thống Philippin đã ký sắc lệnh sát nhập toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa lớn) vào tỉnh Palawan của Philippin với lập luận rằng các đảo này thuộc Philippin vì nó cận kề về địa lý và quan trọng cho an ninh, quốc phòng của Philippin.
* Malayxia: Năm 1979, Malayxia xuất bản bản đồ công bố ranh giới thềm lục địa của Malayxia bao trùm lên phía nam quần đảo Trường Sa với lập luận các đảo, bãi đá ở Trường Sa thuộc về Vương Quốc cổ của Malayxia và nằm trong phạm vi yêu sách thềm lục địa của Malayxia.
* Brunay: Năm 1988 và 1993, Brunay công bố bản đồ yêu sách thềm lục địa ở biển Đông trùm lên một phần nhỏ ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Brunay không có yêu sách hay chiếm đóng đảo, bãi đá nào của quần đảo Trường Sa.
* Đài Loan: Đài Loan hiện đang chiếm đóng đảo Ba Bình và đã xây dựng công trình trên bãi cạn Bàn Than, cách đảo Ba Bình khoảng 0,4 km vào năm 2004. Đài Loan đang xúc tiến nâng cấp đường băng sân bay và hệ thống giao thông trên đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình).
Cơ sở nào để giải quyết tranh chấp về biển, đảo?
* Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS): Công ước về Luật Biển năm 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương; khi liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc.
* Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC):
– Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật Biển 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực.
– Ngoài ra các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình; tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định; trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Các nước liên quan khẳng định tiếp tục đàm phán để thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực.