Cuộc đời và sự nghiệp tác giả nhà văn Kim Lân

Kim Lân (sinh 1 tháng 8 năm 1920 – mất 20 tháng 7 năm 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, là một nhà văn Việt Nam.

Tiểu sử

Ông quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh, 2008 thuộc vùng Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Một số truyện (Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa,…) mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó.

Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (đánh vật, chọi gà, thả chim…). Các truyện: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn… kể lại một cách sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám – những người sống cực nhọc, khổ nghèo nhưng vẫn yêu đời, trong sáng, tài hoa.

Sau Cách Mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Những tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

Sinh thời ông sống tại Hà Nội. Nǎm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông từ trần năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hen suyễn, hưởng thọ 87 tuổi.

Sự nghiệp văn học

Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.

Truyện ngắn Vợ nhặt và Làng của Kim Lân đã được đưa vào trong sách giáo khoa ở Việt Nam. Năm 2005, truyện Vợ nhặt được đưa vào đề thi môn văn kỳ thi củaĐại học Kinh tế Huế và Nguyễn Thị Thu Trang đã đạt điểm 10, gây xôn xao dư luận một thời. Truyện Làng được viết về nông thôn Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và một gia đình người tản cư thời đó.

Về tác phẩm Vợ nhặt:

“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.”

Ông là cha của họa sĩ Thành Chương, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Sự nghiệp diễn xuất

Ngoài sáng tác văn học, Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến:

  • Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
  • Lý Cựu trong phim Chị Dậu
  • Lão Pẩu trong phim Con Vá
  • Cả Khiết trong vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can
  • Cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm

Tác phẩm tiêu biểu

  • Đứa con người vợ lẽ
  • Nên vợ nên chồng (trong tập truyện ngắn 1955)
  • Làng (1948)
  • Vợ nhặt (in trong tập truyện ngắn Con chó xấu xí năm 1962)

Kim Lân – Nhà văn khắc khổ và tài danh của làng quê Việt Nam

Nguyễn Tiến Dũng là con thứ năm trong số bảy người con của nhà văn Kim Lân. Anh là người gắn bó với cha mình hơn cả và cũng được cha mình cưng chiều hơn cả. Hiện nay, anh ở căn nhà của chị gái Nguyễn Thị Hiền số 35, ngõ 424 Trần Khát Chân (Hà Nội). Đây cũng chính là nơi chị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân, cùng các em lưu giữ các vật dụng thường ngày của cha mình lúc ông còn sống.

Trong ký ức đầy ắp những hình ảnh về người cha tài năng, hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất khó tính của mình, anh Dũng kể rằng, khi anh sinh ra (anh Dũng sinh năm 1956) thì gia đình anh đã từ làng Phù Lưu (xã Tân Hồng, Tiên Sơn, Bắc Ninh) về Hạ Hồi (Hà Nội).

READ:  Làm sáng tỏ nhận định: Ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân là người yêu mến, gắn bó với làng quê của mình

Cả nhà gồm chín người ở trong căn nhà chật chội chỉ khoảng 30 mét vuông, chung nhà vệ sinh với bốn hộ khác. Nhà văn Kim Lân, cha anh, mải mê với việc văn, nhưng không phải là người kiếm tiền chủ chốt của gia đình, mà thực tế thì có ai viết văn mà giàu bao giờ. Ông lại là người khái tính, sẵn sàng rời sang nơi khác làm việc nếu như nơi đó không còn hợp với mình; và cũng chính vì thế mà có thời gian cả hơn chục năm nhà văn không lên một bậc lương nào.

Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tám gánh vác. Bà làm đủ mọi nghề để có tiền nuôi con. Ông cũng biết tấm lòng của vợ, biết sự tảo tần của vợ, vì thế mà khi viết “Vợ Nhặt”, đoạn vợ chồng Tràng đẩy xe cám chính là hình ảnh bà Tám kéo xe đi trước, còn ông cầm đòn càn đi sau.

Nhà văn Kim Lân rất yêu quí vợ mình, ông bà lúc nào cũng “dính” lấy nhau dù hai vợ chồng hay “cãi nhau”. Hồi ông bà còn sống, hễ cứ thấy có hai ông bà già dắt tay nhau đi trong công viên gần nhà thì không ai khác chính là nhà văn Kim Lân và vợ.

Cũng trong mắt anh Dũng, mẹ anh là người đàn bà chịu thương chịu khó, rất mực chăm sóc chồng và chiều chồng thì không ai bằng. Bà nấu ăn rất ngon, và ông cũng chỉ thích ăn những món ăn do chính tay vợ mình nấu. Bà cũng chính là người cắt tóc duy nhất cho ông, không khi nào ông ra tiệm ngoài cắt tóc cả.

Thế nên, khi bà mất đi, ông thấy rất hụt hẫng, như thiếu vắng đi một phần cuộc sống của chính mình. Và nhà văn khó tính bỗng nhận ra rằng, không có người để cãi nhau cũng buồn thật. Tất nhiên, đây chỉ là cách đùa hóm hỉnh của ông thôi. Trong một trăm ngày đầu bà mất, đêm nào cũng thế, ông đều ngồi trước bàn thờ bà để… nói chuyện. Lúc ấy, anh Dũng và các anh chị em khác đều lo cha mình sẽ quỵ mất.

Tuy không phải là người chăm sóc con cái hàng ngày, nhưng nhà văn Kim Lân lại là người định hướng nghề nghiệp cho các con mình. Niềm đam mê, sở thích hội họa nhưng không có điều kiện phát huy của ông được các con ông tiếp nối và thành danh. Năm trong bảy người con (hai con gái, năm con trai) của nhà văn đều là họa sĩ, trong đó họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (hiện đang ở TP.HCM), họa sĩ Nguyễn Thành Chương được nhiều người biết đến và đều có phong cách riêng.

Chỉ có chị Nguyễn Thị Hạnh hiện đang ở Sóc Sơn (Hà Nội) học y sĩ và anh Dũng là không theo nghiệp vẽ. Nhưng kể cả như thế thì ông cũng đã rất mãn nguyện rồi.

Anh Dũng trước đây học nghề cơ khí nhưng cũng không theo nghề này. Một thời gian dài sau đó anh đi học ở Đức. Sau khi về nước, anh vào TP.HCM phụ giúp chị Hiền bán đồ giả cổ ở đường Đồng Khởi, nhưng khi cha anh bảo không thể cứ ở mãi trong ấy được nên anh ra Hà Nội. Và cũng theo anh, có lẽ bởi anh không có tài gì cả, chẳng thành danh như các anh chị em, anh lại hiền lành nhất nhà, hay nói chuyện với bố mẹ, thường phụ mẹ việc nhà, từ cơm nước đến xếp hàng mua tem phiếu nên anh được cha mình yêu quý hơn cả.

Anh hay cùng cha về quê ở Phù Lưu, những lần đi như thế anh đều chở ông bằng xe máy. Hai bố con rong ruổi đường dài. Tấm hình ông ngồi trong căn nhà đổ nát in khổ lớn treo ở tầng một là lần cuối cùng ông về quê, như kỷ niệm sau cùng với quê nhà. Anh Dũng cũng không nghĩ đấy là chuyến đi sau cuối của cha mình.

Anh kể, căn nhà ấy là kỷ niệm đặc biệt của cha mình. Khi ông nội mất, anh con cả của bà cả (ông nội có ba vợ, mẹ của nhà văn Kim Lân là vợ ba. Và cũng chính bởi việc hiểu cảnh lẽ mọn mà mẹ mình phải gánh chịu mà nhà văn Kim Lân đã viết rất thành công tác phẩm đầu tay “Đứa con người vợ lẽ”, lúc ấy ông mới 18 tuổi) có chia cho Kim Lân là con vợ thứ một mảnh đất chừng vài chục mét vuông, nhưng không có lối để vào.

READ:  Tả một người thân của em - Lớp 5

Mảnh đất ấy còn đến bây giờ, chính là nơi ông ngồi và chụp bức ảnh cuối cùng ấy. Và như để mang theo phần “hồn đất”, nơi gắn với tuổi thơ đầy nhọc nhằn nhưng vô cùng quí giá, ông đã dỡ một viên ngói của ngôi nhà mục nát ấy đem theo. Viên gạch sau đó được nhà văn Kim Lân đục một lỗ nhỏ để treo lên tường khi còn ở Hạ Hồi, và bây giờ được các con ông đem về nhà lưu niệm ở số 35, ngõ 424 Trần Khát Chân, coi đó là vật không thể thiếu được của cha mình.

Quay lại câu chuyện của anh Dũng, vì gắn bó với cha mẹ đến vậy nên sau này, khi mẹ anh mất, mọi việc ăn uống của cha đều tay anh chăm lo bởi anh hiểu sở thích của cha hơn ai hết.

Anh bảo, sinh hoạt thường ngày của ông đều phải rất kỹ càng. Khi tắm, cha anh cần có người bên cạnh đưa cho bánh xà phòng, hòn đá kỳ lưng; khi ngủ phải có người bóp trán. Anh lập gia đình muộn, vợ chồng anh gặp khó khăn về đường con cái, phải chạy chữa nhiều, nên cha anh càng quan tâm đến anh hơn. Đấy cũng là lý do vì sao cả cha mẹ anh đều ở với vợ chồng anh.

Bây giờ, việc thờ cúng cha mẹ cũng do anh đảm nhiệm. Anh còn chăm lo cả việc hương khói, giỗ chạp cho bà hai của ông nội. Ngày còn sống, cha anh dặn: “Sau này khi bố chết, không làm giỗ cho bố cũng được nhưng phải làm giỗ cho đẻ” (“đẻ” là cách gọi của nhà văn Kim Lân với bà hai của cha mình).

Việc này cha anh dặn anh một phần bởi bà hai không có con. Phần nữa là bà hai cũng rất cưng chiều Kim Lân. Bà thường hay gội đầu cho cậu con trai của người vợ ba, thói quen ấy vẫn giữ kể cả khi nhà văn Kim Lân đã lấy vợ.

Trong sự nghiệp viết văn của mình, nhà văn Kim Lân không viết nhiều, ông đã dừng viết từ rất lâu, nhưng những tác phẩm của ông đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc, từ Đứa con người vợ lẽ, Làng, Vợ Nhặt,…

Nhà văn của làng quê ấy sinh ra trong gia đình khá giả, mẹ ông chỉ có hai người con, ông và em gái ông là bà Uyên (nhà ở Giảng Võ, vừa mất ngày 4/8/2012, kém ông 9 tuổi), nhưng cảnh lẽ mọn không cho anh em ông một cuộc sống sung túc, trái lại, ông nếm trải đủ cảm giác của một người dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám (nhà văn Kim Lân sinh năm 1920, mất năm 2007). Vì thế, ông đồng cảm và miêu tả chân thật những thân phận trong những tác phẩm của mình.

Tuy nhiên, người ta không chỉ biết ông với tài văn, mà còn biết ông bởi tài diễn. Ông từng vào vai Pụ Pạng (phim Vợ chồng A Phủ), Lý Cựu (phim Chị Dậu), đặc biệt là lão Hạc (trong Làng Vũ Đại ngày ấy).

Vai lão Hạc ông thủ vai rất đạt, bởi vẻ bề ngoài gày gò, gương mặt khắc khổ và cách diễn nhập vai. Tuy nhiên, theo lời kể của anh Dũng, ông vẫn chưa hài lòng với vai diễn ấy, ông bảo: “Nó vẫn kịch quá, gượng ép quá”.

Thế mới biết, ở lĩnh vực nào, chỉ cần tham gia thôi ông cũng làm hết mình và đầy trách nhiệm. Và quả thật, không biết ông khó tính trong cuộc sống hàng ngày, khó tính với con cái đến mức nào, nhưng có một điều có thể khẳng định là ông khó tính với chính mình. Chính vì khó tính, mà thực ra là nghiêm khắc với bản thân, nghiêm túc với công việc nên ông luôn đạt được những thành công, và các bạn văn lẫn độc giả đều khó có thể quên nhà văn có dáng vẻ khắc khổ mà tài danh của làng quê Việt Nam.